Họ đồn nhau mua vé số do chính tay bà thầy cúng chọn lựa với mức giá cao gấp 45 lần giá của tờ vé số thông thường thì đảm bảo sẽ trúng độc đắc trong vòng 10 ngày! Nếu số tiền này càng tăng cao thì thời gian được “tổ đãi” cho trúng độc đắc càng nhanh hơn.

Vé số “yểm bùa” giá 450.000 đồng/tờ

Ngày 27.5, chúng tôi đến xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh để tìm hiểu thực hư chuyện nhiều người bị lừa mua vé số kiến thiết được “yểm bùa” đảm bảo trúng độc đắc trăm phần trăm của bà thầy Trần Thị Oanh với giá bán lên đến 450.000đ/tờ, thậm chí lên đến vài triệu đồng, dù giá gốc chỉ 10.000đ.

Những nạn nhân bị lừa gạt cùng chiêu vé số “yểm bùa” của bà Oanh không chỉ ở huyện Châu Thành, mà còn cả những huyện lân cận trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

{keywords}

Nhiều người mắc nợ vì mua vé số yểm bùa

Đặc biệt là trường hợp của chị Nguyễn Thị Diệu ở ấp Thôn Rôn, xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Vì mơ ước đổi đời, chị Diệu đã chạy vạy khắp nơi, tom góp hết tiền dành dụm bao nhiêu năm trong nhà để đưa cho bà Trần Thị Oanh mua vé số, tổng cộng 206 triệu đồng.

Căn nhà chị Diệu chỉ với mái tôn, vách lá, nằm bên bờ bao đất đỏ. Bản thân chị Diệu không có nghề nghiệp gì ổn định. Hằng ngày chị đi làm thuê, làm mướn như chầm lá dừa nước, hái ớt thuê...

Còn anh Quốc, chồng chị Diệu ngoài việc chăm sóc ao tôm sú nho nhỏ cạnh nhà, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh còn nhận giữ tôm thuê cho một số chủ nuôi trong ấp.

Bao nhiêu năm làm lụng, tích cóp mãi, vợ chồng chị Diệu mới dành dụm được vài chục triệu đồng. Thế nhưng, hôm mùng 5 Tết Bính Thân vừa qua, bà Oanh bất ngờ ghé nhà và mời chị Diệu mua vé số với lời cam kết chắc nịch là sẽ trúng độc đắc, giá trị giải thưởng lên đến 1,5 tỉ đồng/tờ.

Mỗi tờ vé số được nữ “thầy bói” Oanh nổ là “đã yểm bùa” được hét với giá từ 450.000đ sẽ giúp cho chị Diệu trúng độc đắc trong vòng 10 ngày. “Mỗi ngày bà Oanh đưa cho tui 10 tờ vé số, rồi nhận mỗi lần 4,5 triệu đồng. 6 ngày liên tục mà vé số bả đưa vẫn không trúng đặc biệt.

{keywords}

Nhà chị Diệu đã ọp ẹp, nay còn gánh nợ

Những ngày tiếp sau đó, bà Oanh điện thoại cho tui, cho 2 số cuối, biểu tự đi mua rồi đọc 6 chữ số cho bả “cúng tổ”. Đến ngày thứ 10 mà vẫn không trúng độc đắc như lời bả hứa nên tui điện thoại cho bả thì số máy đã không liên lạc được.

Tổng cộng tui đã đưa cho bà Oanh 206 triệu đồng để mua vé số “yểm bùa” và “cúng tổ”. Biết mình bị lừa nên tui đã tới công an xã Phước Hảo để tố cáo bà Oanh lừa đảo”, chị Diệu thuật lại.

Giàu cũng bị lừa

Còn chị Trần Thị Mỹ Lan, ngụ ấp Hoà Hảo, xã Phước Hảo, kể rằng vừa bị gạt tiền đã tức rồi mà giờ còn bị làng xóm cười chê, mỗi lần đi chợ xã là bị dồn những ánh nhìn dò xét và tiếng xì xầm sau lưng.

Gia cảnh chị Lan rất khá giả. Nhà có vài công đất trồng lúa, dư ăn cả năm. Ngoài ra, chồng chị còn tận dụng mảnh vườn cặp nhà để chăn nuôi bò, số lượng lên đến hơn chục con.

Riêng chị còn có tay nghề uốn tóc, thẩm mỹ, massage, làm móng nên thu nhập cũng khá. Vợ chồng chị cũng vừa xây cất căn nhà tường rất khang trang, nổi bật ở vùng quê thuần nông này.

“Hồi trước em mở tiệm hành nghề uốn tóc, làm móng tại nhà ba mẹ em ở ngoài quốc lộ, bà Oanh có đến tiệm làm khách mấy lần. Có lần bả chủ động coi tay, xem bói cho em để tạo sự thân thiết và tin tưởng. Sau đó, bả nói là bả có “người dựa” (cõi trên hoặc cõi âm), có thể yểm bùa, cúng tổ để làm cho vé số trúng độc đắc.

Rồi bả kêu em mua vé số “cúng tổ” của bả, để đổi đời, bảo đảm trong vòng 10 ngày là trúng độc đắc trị giá 1,5 tỉ đồng/tờ, với giá tiền… chỉ gấp 45 lần 1 tờ vé số thông thường, tức là 450.000 đồng/vé”, chị Lan nhớ lại.

“Em chỉ muốn “làm bùa” 2 tờ vé số thôi, nhưng bà Oanh nói đã làm thì phải 10 tờ mới linh nghiệm. Em cũng đồng ý, rồi bả kêu em đem tiền ra nhà bả, mà chỉ được đi một mình thôi. Lần đầu tiên em đem theo 4,5 triệu đồng ra nhà đưa cho bà Oanh. Nhận tiền xong, bả nói em là người có đạo nên giá phải gấp đôi người không có đạo. 

{keywords}

Căn nhà chị Trần Thị Mỹ Lan, nạn nhân bị “thầy bói” Trần Thị Oanh lừa mất 31 triệu đồng để mua vé số “yểm bùa”.

Vậy là lần sau em phải đưa thêm cho bả 4,5 triệu đồng nữa. Nhận tiền xong, bả lại nói là muốn rút ngắn thời gian trúng độc đắc xuống còn 2-3 ngày, thay vì 10 ngày thì số tiền cúng tổ phải nhân lên gấp mấy lần. Rồi bả tính nào là tiền gà, tiền trái cây, bông hoa, trà nước… để cúng tổ, tổng cộng hết 31 triệu đồng.

Thấy số tiền lớn quá nên em kêu bà Oanh viết biên nhận. Bả nói, làm vậy thì còn linh thiêng gì nữa, còn kêu em không được nói với ai, nếu không tổ phạt thì không thể nào trúng độc đắc được”, chị Lan kể rõ.

Nhận đủ tiền, ngày hôm sau, bà Oanh đưa cho chị Lan 10 tờ vé số, trong đó 7 tờ giống nhau và 3 tờ số khác. “Tới chiều cùng ngày xổ số, em lấy vé số ra dò thì trớt quớt. Biết bị lừa nên em kể cho chồng và cha mẹ nghe rồi thưa bà Oanh ra công an xã Phước Hảo”, chị Lan nói.

Không đủ... chứng cứ

Cơ quan chức năng xã Phước Hảo thừa nhận chuyện người dân tố bà Trần Thị Oanh, sinh năm 1969, ngụ ấp Đa Hòa, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là có thật.

“Có người trực tiếp tới công an xã gửi đơn tố cáo, có người gọi điện thoại tố cáo. Nhận được đơn, chúng tôi đã mời bà Oanh lên làm việc nhưng bà này chối bây bẩy. Bà Oanh nói không hề nhận tiền bạc gì của ai và yêu cầu đưa ra chứng cứ về hành vi lừa đảo của bà ta.

Tuy nhiên, theo lời các nạn nhân thì lúc đưa tiền chỉ có bà Oanh và nạn nhân, không có người làm chứng nên không thể buộc tội bà ta. Công an huyện cũng nói rằng không đủ cơ sở để xử lý bà Oanh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Phan Duy Phước, Trưởng công an xã Phước Hảo nói.

Cũng theo ông Phước, vợ chồng bà Oanh có 3 người con, cả nhà đều không có nghề nghiệp gì ổn định. Trong đó, 1 người con trai của bà Oanh đang thi hành án tù về tội “trộm cắp tài sản”.

“Theo thông tin người dân cung cấp, chồng bà Oanh và con gái bà cũng giúp sức cho hành vi lừa đảo. Hàng ngày, chồng bà Oanh đi mua cây vườn, nói là về đóng quan tài làm từ thiện miễn phí. Thế nhưng, mượn cớ đi mua cây để lân la, tìm con mồi là nhà nào có điều kiện sẽ mồi chài về “khả năng làm vé số độc đắc của vợ mình” rồi dẫn “con mồi” về nhà.

Cả nhà họ không nghề nghiệp gì, nhưng cứ đổi xe máy, tay ga mới liên tục. Hỏi tiền đâu mua xe thì họ nói họ mua trả góp. Mời bà Oanh lên công an xã làm việc thì bả thề chết thề sống, nói chừng nào bắt tận tay bả nhận tiền thì bả sẽ đi tù cũng chịu. Nhưng cái chính là do lòng tham nên nhiều người mới dính bẫy lừa như vậy”, ông Phước cho biết thêm.

(Theo Motthegioi)