Việc trà trộn dâu tây Trung Quốc rồi quảng cáo và bán thành dâu tây Đà Lạt không còn là câu chuyện mới mẻ. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn còn lo lắng vì chưa biết cách phân biệt hai loại dâu tây này, nếu mua phải dâu tây Trung Quốc kém chất lượng sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe.
Để phân biệt dâu tây Trung Quốc đội lốt quả dâu tây Đà Lạt bạn chỉ cần quan sát những đặc điểm sau đây.
1. Hình dáng
Quả dâu tây Đà Lạt có hình dáng quả không đồng đều, kích thước quả vừa phải, không quá to, quả mềm, không nhẵn mịn. Trong khi đó dâu Trung Quốc, có độ đồng đều cao, quả to, khi sờ quả có độ cứng, mịn.
2. Màu sắc
Về màu sắc, dâu tây Đà Lạt có màu đỏ không đồng đều, sậm màu ở thân, phần cuống hơi trắng. Dâu tây Trung Quốc lại cho màu đỏ sậm từ đầu đến cuống, trông rất đẹp mắt.
Phần đài quả, dâu tây Đà Lạt có phần đài mỏng ngắn, phủ một phần trên trái dâu, có màu xanh nhạt. Những đặc điểm này, người tiêu dùng sẽ không nhận thấy khi mua dâu Trung Quốc, bởi phần đài quả của dâu Trung Quốc dày, rất mướt, phủ đến hơn một phần ba trái dâu và có màu xanh đậm như màu lá ngót.
3. Phần thịt bên trong
Với phần thịt bên trong, dâu tây Đà Lạt sẽ có màu đỏ nhạt, có màu trắng đan xen. Dâu tây Trung Quốc lại sở hữu phần thịt có màu đỏ đậm hơn, không có màu trắng đan xen.
4. Mùi vị
Về mùi vị, dâu tây Trung Quốc không có mùi thơm, khi ăn có cảm giác bở, không có vị chua thanh, trong khi đó dâu tây của Đà Lạt lại có mùi thơm đặc trưng, khi ăn mềm dai, có vị chua thanh.
5. Thời gian bảo quản
Ngoài ra, người tiêu dùng còn có cách nhận biết khác là dâu Trung Quốc có thể để từ 7 đến 10 ngày trong môi trường nhiệt độ 25-32 độ C mà vẫn còn tươi mới, trong khi dâu Đà Lạt chỉ để tối đa 2 ngày là héo hoặc thâm hết cuống.
Hãy mua dâu tây đã được truy xuất nguồn gốc
Muốn mua dâu tây Đà Lạt đúng chuẩn bạn không nên chủ quan khi lựa chọn đơn vị hoặc người bán. Nếu mua ở đại lý, siêu thị uy tín bạn nên chọn những hộp dâu tây có dán tem truy xuất nguồn gốc QR code. Khi đó, bạn có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm để yên tâm hơn về lựa chọn của mình. Khi truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bạn sẽ biết được các thông tin về nguồn gốc sản phẩm như tên sản phẩm, nơi sản xuất, doanh nghiệp cung cấp, quy trình trồng trọt và chế biến.
(Theo Phụ Nữ Việt Nam)