Vợ chồng anh chị Trần Minh Chiến, 30 tuổi ở Lê Lai, Hà Nội là một ví dụ điển hình. Do đều làm kinh doanh nên vợ chồng anh Chiến luôn quan sát giá vàng chặt chẽ. Ngoài tích cóp tiền mua nhà, mua xe, anh Chiến còn để dành được 10 lượng vàng. Có những lượng vàng anh mua từ lúc giá chỉ mới 36 triệu đồng. Lượng vàng cuối cùng anh mua có giá 43 triệu đồng/lượng.

“Trước, vợ chồng tôi hay gửi tiền ngân hàng. Nhưng sau đó, chúng tôi rút hết ra mua vàng. Vì đây là số tiền rỗi rãi không dùng đến nên hai cứ để dành đó. Số tiền này chờ khi gia đình có việc thì sử dụng hoặc nếu giá vàng lên cao, chúng tôi sẽ bán đi để chốt lời”, anh Chiến kể.

{keywords}
Vợ chồng anh Chiến gom mua được 10 lượng vàng (ảnh minh họa)

Người đàn ông này cho biết, mấy ngày qua khi giá vàng lên 56 triệu đồng/lượng vợ anh cứ giục bán vàng này đi để chốt lời. “Vợ tôi nói rằng, đợt tăng giá này cũng không nằm ngoài dự đoán của cô ấy. Bởi cô ấy quan sát, giá sẽ lên sát mức 60 triệu đồng/lượng, sau đó lao dốc xuống 50 triệu, rồi giảm dần và ổn định ở mức 45 triệu đồng. Vì thế, cô ấy cứ giục bán vàng thời điểm này được rồi”.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu thị trường và suy tính, anh Chiến thuyết phục vợ quyết không bán vàng mà có tiền cứ mua thêm vào 1 lượng nữa vì những lý do sau:

Thứ nhất, bán vàng lúc này vợ chồng anh Chiến cũng chưa dự định cụ thể làm gì với số tiền có được. Anh chị lại chỉ gửi ngân hàng hoặc chi tiêu mua sắm cá nhân. Do đó, bán vàng ra được một cục tiền nhưng gửi ngân hàng tiền lời mỗi tháng cũng chẳng thấm tháp gì do lãi suất đang rất thấp. Vì số tiền bán vàng chưa biết đầu tư gì khả quan để sinh lời nên anh Chiến không bán.

Thứ hai, theo anh Chiến giá vàng sẽ chưa dừng lại ở đây và còn tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới bởi có rất nhiều nguyên nhân để tăng giá.

“Đại dịch Covid-19 trên thế giới chưa có dấu hiệu dừng lại và tác động trực tiếp đến việc mở cửa nên kinh tế của hầu hết các quốc gia. Vì thế, lượng tiền bơm vào thị trường để cứu trợ kinh tế thế giới rất lớn dẫn đến lạm phát. 

{keywords}
Anh chị quyết giữ lại mà chưa bán vàng thời điểm này

Ngoài ra, tình hình căng thẳng chính trị giữa các cường quốc lớn làm thế giới bất ổn và dễ bị tổn thương. Rất nhiều người lo lắng cho một cuộc đại suy thoái đang diễn ra nên nhiều người dân tìm đến sản phẩm trú ẩn và đầu tư an toàn. Trong đó, vàng theo tôi vẫn là một sự lựa chọn”, anh suy tính.

Bên cạnh đó, người đàn ông có kinh nghiệm chơi vàng nhiều năm nay phân tích: “Vàng đảo chiều và hồi giá cho tới giờ là chu kỳ 10 năm. Sau đó, vàng có dấu hiệu tăng nhẹ theo các năm từ năm 2015. Tầm tháng 8/2018, chu kỳ 10 năm sau chiến tranh thương mại kết hợp dịch bệnh, vàng bắt đầu tăng giá. Nếu tháng 8/2018 là 1.160 USD/ounce thì tháng 7/2020 là hơn 1.900 USD/ounce”.

Chưa kể, theo kế hoạch vắc-xin phòng Covid-19 phải đến hè 2021 mới có thể có (tới hè năm 2021 là 3 năm từ đáy tới đỉnh), lại kết hợp bầu cử ở Mỹ thời điểm cuối năm nay thì vàng vẫn là kênh đầu tư ổn nhất nhất”, anh Chiến phân tích.

Từ những lý do trên, vợ chồng anh Chiến đồng lòng giữ lại 10 lượng vàng và mua thêm 1 lượng nữa. Tất nhiên, anh Chiến cũng cho rằng vàng sẽ phải hồi giá (giảm giá) để lấy sức bật cho mốc mới. Nhưng trong ngắn hạn từ nay đến vài tháng tới, giá vàng vẫn có khả năng bật lên 60 triệu đồng/lượng. Còn trong dài hạn, khi đã vượt qua đỉnh, vàng sẽ giảm giá.

“Nói chung tôi cứ gan để chờ, cần thiết thì bán từ từ chứ nhất quyết không bán hết một lần. Bởi vàng lên giá thì rất uổng vì tiền lời cũng bằng cả 1 năm lao động vất vả rồi. Tôi cố mua thêm 1 lượng nữa sau này vàng lên sẽ bán ra chốt lời nhanh", anh Chiến nhận định.

Thảo Nguyên