Đã không còn những đề xuất mạnh miệng hay trấn an cổ đông bằng những kế hoạch táo bạo như những năm trước. Mùa Đại hội cổ đông năm nay phần lớn doanh nghiệp đều rầu rĩ đưa ra kế hoạch thấp để đảm bảo an toàn trong việc thực thi.

Không còn mạnh miệng như những mùa trước các doanh nghiệp nằm trong các “điểm nóng” khủng hoảng như bất động sản, thủy sản, mía đường đang đối mặt với năm 2013 đầy khó khăn. Đối diện với cổ đông trong ĐHCĐ đã là điều khó nên việc thiếu tự tin trong kế hoạch năm 2013 là điều dễ hiểu.
Con số lợi nhuận công bố tại ĐHCĐ CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) chủ yếu dựa vào nguồn thu từ chuyển nhượng 70% vốn góp ở CTCP Khu công nghiệp Phong Phú. Còn hoạt động kinh doanh sản phẩm của BCI không đạt kế hoạch do thị trường bất động sản đóng băng. Năm 2013, đánh giá khó khăn vẫn còn, BCI đặt kế hoạch doanh thu 458,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 90 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2012.

Bất động sản đã trở thành gánh nặng lớn của tập đoàn Hoang anh Gia Lai (HAG) nên việc thu hẹp lĩnh vực này trong năm 2013 đã được HĐQT cân nhắc. Doanh thu trong năm 2013 được đặt ở mức 3,620 tỷ đồng, giảm nhiều so với kết quả thực hiện 2012. Điều này là do doanh thu ngành BĐS được dự kiến giảm từ 2,829 tỷ đồng xuống còn 518 tỷ đồng, theo đó tỷ trọng ngành BĐS sẽ giảm từ 64% (2012) xuống còn 14%.

{keywords}

Cũng trong khu vực bất động sản một doanh nghiệp có sức tăng trưởng lớn ở nhiều năm trước như CTCP Licogi 16 thì năm nay lại có sự tụt dốc đáng kinh ngạc. Mức lỗ hơn 36 tỷ đồng trong năm 2012 đã khiến nhiều cổ đông đứng ngồi không yên. Nhưng mọi việc còn trở nên ảm đạm hơn khi ban lãnh đạo công ty cho biết tại ĐHCĐ mức lỗ này có thể tăng lên gấp 3 lần nếu như công ty không thể thoái vốn được ở một số dự án.

Mặc dù không đến nỗi bết bát với mức lỗ như Licogi 16 nhưng CTCP Lilama 18 cũng chủ động hạ chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh trong năm tới. Với 702.4 tỷ đồng doanh thu và 31.5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đã giảm đến 36% so với mức 48.62 tỷ đồng của năm 2012. Trong khi đó, CTCP Xây dựng Cotec (CTD) dù có trong tay hàng chục công trình, dự án lớn nhưng công ty vẫn tỏ ra khá thận trọng khi đưa ra chỉ tiêu doanh thu 4,500 tỷ đồng năm 2013, tăng nhẹ 23 tỷ so với năm 2012, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm gần 40 tỷ đồng, dừng lại ở mức 180 tỷ đồng.
Sau bất động sản

Năm 2012 là một năm không mấy sáng sủa với các ngành về nuôi trồng nên cá doanh nghiệp trong các ngành hàng như cao su, thủy sản, mía đường vẫn rụt rè với kế hoạch năm 2013.

Khối doanh nghiệp cao su năm nào cũng có mức doanh thu và lợi nhuận khủng. Tuy vậy đến năm 2013 tất cả đều chững lại khi thị trường đã không còn chiều lòng họ như trước kia. Cụ thể trong nghị quyết ĐHCĐ vừa với diễn ra CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) chỉ đề ra kế hoạch doanh thu 1,857 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 378 tỷ đồng, giảm gần 40% so với mức thực hiện của năm 2012 do lo ngại cao su nguyên liệu tiếp tục rớt giá.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự hàng loạt công ty trong ngành như CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) đề ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cho năm 2013 ở mức 901 tỷ và 257 tỷ đồng, lần lượt giảm 0.77% và 26% so với mức thực hiện của năm 2012. CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) đưa ra chỉ tiêu doanh thu 446.7 tỷ đồng cho năm 2013, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt 85 tỷ đồng và 68 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với mức thực hiện của năm 2011, 2012, cũng như các năm trước đó. CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 515 tỷ đồng và cổ tức 2013 dự kiến 30%, trong khi năm 2012 các chỉ tiêu này đạt lần lượt 585 tỷ đồng và 40% bằng tiền mặt.

CTCP Cao su Thống Nhất (HOSE: TNC) công bố chỉ tiêu doanh thu 2013 ở mức tăng hơn 10 tỷ đồng so với năm 2012 lên 202 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm gần 39 tỷ đồng, xuống 43 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây của công ty này.

Tình hình khó khăn về tồn kho và giá bán thấp của của ngành đường khiến hầu hết các doanh nghiệp trong ngành dè dặt với kế hoạch kinh doanh năm 2013.

Đối với ngành mía đường dự báo sản lượng đường thế giới niên vụ 2012 – 2013 tiếp tục dư cung, sản lượng trong nước cũng thừa khoảng 300 ngàn tấn, đồng thời, vấn đề nhập lậu đường từ Thái Lan và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến ngành đường trong nước và hoạt động kinh doanh của nhiều công ty.

CTCP Đường Ninh Hòa (NHS) thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu tỷ lệ 1:1 với giá 10,000 đồng/cp để tăng vốn lên 607.5 tỷ đồng trong năm nay, trong khi kế hoạch kinh doanh lại giảm rất mạnh so với năm 2012 và là mức thấp nhất của công ty kể từ năm 2008. Cụ thể, chỉ tiêu doanh thu tăng nhẹ khoảng 44 tỷ đồng lên 976.6 tỷ đồng, nhưng kế hoạch lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 37.6 tỷ đồng, giảm hơn 53% so với 2012.

CTCP Bourbon Tây Ninh (HOSE: SBT) có lợi nhuận 2012 sụt giảm đáng kể so với năm 2011 (hơn 30%), đạt 422 tỷ đồng trước thuế và 370 tỷ đồng sau thuế. Trong năm 2013, SBT tiếp tục tỏ ra thận trọng khi HĐQT công bố chỉ tiêu doanh thu tăng trưởng mạnh, với hơn 2,314 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế rớt xuống còn 365 tỷ đồng, tức giảm trên 13.5%.

ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Công nghiệp Gốm sứ Taicera (TCR) đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013 nhưng lại bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận khiến không ít cổ đông phải thấp thỏm.. HĐQT công ty cho biết sản lượng tiêu thụ năm 2012 đạt 11.12 triệu m2, tăng 3.76% so với năm 2011, doanh thu bán hàng đạt hơn 1,680 tỷ đồng, tăng 15.69%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 3.53 tỷ đồng, đạt chưa đến 1% so với kế hoạch (81.6 tỷ đồng).

Theo nhiều chuyên gia cho biết, năm 2013 vẫn chưa có nhiều nhận định khả quan nên các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và nuôi trồng đều thấy rụt rè hơn trong việc đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2013. Hầu hết đều đặt ra những mục tiêu an toàn và chờ đợi sự cảm thông từ cổ đông.

Nam Phong