Thị trường sữa xách tay ngày một đa dạng với hàng chục loại khác nhau, phương thức của người bán cũng tinh vi không kém khiến cho các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý.
Hiện nay, tại một số cửa hàng chuyên kinh doanh hàng xách tay trên phố Cầu Giấy, Ngọc Hà, Tây Sơn, Hà Nội... sữa xách tay bày bán hàng chục loại từ Australia, Hà Lan, Hàn Quốc, Nga, Pháp...

Có không ít bà mẹ là “tín đồ” của hàng xách tay đã không ngần ngại bỏ ra khoản tiền lớn để mua sữa ngoại xách tay cho con.

Có một thực tế đáng báo động là người mua các sản phẩm sữa xách tay không hề hay biết nguồn gốc thật của các sản phẩm này. Người tin dùng vẫn tin rằng, sữa xách tay là hàng chính hãng được người đi nước ngoài như tiếp viên hàng không, người đi công tác, cá nhân kinh doanh… mang về. Tuy nhiên, cho tới nay chưa ai có thể đảm bảo được nguồn gốc của các loại sữa này.
{keywords}
Có thể dễ dàng hỏi mua sữa xách tay tại bất kỳ cửa hàng kinh doanh sữa lớn nào trên thị trường.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục quản lí thị trường Bộ Công Thương cho biết, sở dĩ các mặt hàng này tồn tại trên thị trường là do một số nguyên nhân. Thứ nhất, bản thân những người làm ăn phi pháp tìm mọi cách để kinh doanh buôn bán kiếm lời những mặt hàng như thế này.

Vấn đề thứ hai là tâm lý sính ngoại. Và có một thực tế, các nước chúng ta nhập sữa về đa phần là các nước phát triển, họ có tiêu chuẩn, công nghệ và cách quản lý sữa nên chất lượng sữa của họ tốt, chúng ta phải thừa nhận. Nhưng có một vấn đề rất đáng nói hàng hóa của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là chất lượng sản phẩm sữa đã được nâng lên rất nhiều, giá cả chấp nhận được.

Theo ông Lam, Luật An toàn thực phẩm đã quy định tất cả các loại sữa khi đi vào thị trường Việt Nam phải có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Các nhà phân phối phải có đầy đủ hồ sơ theo quy định của luật pháp mới được thông qua.

Ở biên giới theo quy định hiện hành của Chính phủ, có các lực lượng kiểm soát soát như hải quan, biên phòng, cảnh sát biển. Còn ở trong nội địa có lực lượng như công an, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành. Chúng ta có lực lượng như vậy nhưng hiện nay trên thị trường vẫn còn những loại sữa trôi nổi, bán theo từng kg lớn. Đương nhiên những loại sữa này không theo quy trình thủ tục như vậy nên không được các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam kiểm tra về chất lượng.
{keywords}
Cho tới nay chưa ai có thể đảm bảo nguồn gốc của những loại sữa này. Ảnh minh họa

Và không loại trừ trong đó có số lượng sữa nhập lậu, các loại sữa này rất nguy hiểm, vì có thể là sữa kém chất lượng, hai là sữa quá hạn sử dụng, người ta tẩy xóa lại để bán ra thị trường để kiếm lời.

Tuy nhiên, việc thông tin cho người dân để tiêu thụ hàng trong nước vẫn còn hạn chế. Hạn chế từ người sản xuất đến cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì vấn đề này được đặt ra mạnh mẽ hơn. Nếu được đặt ra đúng lúc cộng với việc chúng ta vừa khánh thành một nhà máy sữa rất là lớn thì vấn đề sữa lậu, sữa không được kiểm soát sẽ được hạn chế.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình, khi mua sản phẩm phải tìm hiểu rõ, lấy hóa đơn để khi có tranh chấp thì các cơ quan có cơ sở để xử lý. Đặc biệt khi ngày nay, khi mà phương thức, thủ đoạn của người bán ngày càng tinh vi, họ không bày bán công khai mà chỉ khi nào có khách hàng đến mua thì mới đưa ra. Thứ hai là hóa đơn chứng từ được người bán hợp thức hóa bằng những chứng từ khác nên khó kiểm tra.

“Về vấn đề chất lượng sữa xách tay, bản thân các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp Việt Nam kể cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải định hướng cho người tiêu dùng. Tôi nghĩ nếu làm được như vậy thì sữa lậu, sữa kém chất lượng sẽ giảm. Đương nhiên các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng luật pháp. Có như vậy chúng ta mới bảo vệ được người tiêu dùng và làm cho thị trường sữa lành mạnh hơn”, ông Lam nhấn mạnh.

(Theo VietQ)