- Việc cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở Việt Nam sẽ giải quyết được thanh khoản, hàng tồn kho cũng như khơi thông thị trường BĐS. Song, ở khía cạnh quản lý, cần phải xem xét dưới góc độ an sinh xã hội, chính trị...
Điều kiện sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức cá nhân ở đã được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS mới đây tại TP.HCM. Tuy vậy, việc mở rộng cửa để các đối tượng nước ngoài có thể sở hữu nhà vẫn đang trong thời gian xem xét lại.
Theo văn bản pháp lý hiện hành, các tổ chức cá nhân người nước ngoài được thí điểm sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn những người có nhu cầu thật sự thì không có đủ điều kiện mua nhà, hoặc có đủ điều kiện thì thủ tục quá nhiêu khê, mất thời gian nên giải pháp họ đưa ra cũng chỉ là nhờ người Việt đứng tên.
Do vậy, các doanh nghiệp đề xuất phương án sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua, sở hữu nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
Việc cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở Việt Nam giải quyết được thanh khoản, hàng tồn kho cũng như khơi thông thị trường BĐS. |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, Đối với đối tượng là Việt kiều dứt khoát không hạn chế bằng chính sách hoặc các điều kiện khác. Việt Nam hiện có hơn 2 triệu kiều bào, nhưng đến nay, chỉ 400 người được mua nhà ở Việt Nam là con số quá khiêm tốn. Bộ Xây dựng cần làm việc với Bộ Công an để xác định nguồn gốc người nước ngoài, nới lỏng thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cũng cho biết: “Trong Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản thì quy định về điều kiện sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức và cá nhân nước ngoài còn cứng nhắc, nhiêu khê, hạn chế đối tượng trên tham gia giao dịch, sở hữu nhà. Việc nhờ một người thân, quen ở Việt Nam đứng tên cũng đã xảy ra rất nhiều trường hợp khiếu kiện và rủi ro rất lớn. Vì vậy, cơ chế chính sách cần thông thoáng hơn trong vấn đề này”.
Trả lời những khúc mắc trên của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý địa phương, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay: “Vấn đề này vẫn cần phải xem xét nhiều yếu tố, cần xác định đối tượng Việt kiều để áp dụng các chính sách phù hợp. Đối với Việt kiều còn quốc tịch Việt Nam thì việc sở hưu nhà vẫn được giải quyết như công dân Việt Nam. Tuy nhiên, Việt kiều không còn quốc tịch Việt Nam hay người nước ngoài vẫn cần phải xem xét nhiều góc độ khác nhau về điều kiện sở hữu nhà”.
Tất nhiên, nhìn nhận dưới góc độ thị trường, việc cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở Việt Nam giải quyết được thanh khoản, hàng tồn kho cũng như khơi thông thị trường BĐS. Song, ở khía cạnh quản lý, việc mở rộng đối tượng mua nhà còn phải xem xét dưới góc độ an sinh xã hội, chính trị... Hiện vẫn có những lo ngại về việc giá nhà sẽ bị đẩy lên, việc tập trung quá đông người của quốc gia khác trong một khu vực cũng tạo nên nhiều bất cập. Do vậy, có thể Bộ sẽ định hướng tạo điều kiện cho người nước ngoài có thể mua nhà ở phân khúc cao cấp hơn, ông Nam chia sẻ.
Nam Phong