Nhiều doanh nhân vốn một thời rất năng động giờ đây nhiều khi chỉ biết bó gối ngồi nhìn, tìm cách bảo toàn và cầu an. DN trả lại dự án, rút khỏi dự án, rút khỏi sàn chứng khoán và lựa chọn giải pháp cầm cự, co gọn hoạt động cho dù tiền có thể không phải thiếu.
Thừa vốn, thiếu nguồn thu
Đến tháng 4, Công ty Cổ phần Cao Su Đồng Phú (DPR) cho biết, thị trường không thuận lợi, sản phẩm của doanh nghiệp bị nghẽn từ đầu ra cho đến giá đã khiến lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.
Lợi nhuận quý I của DPR buồn tẻ ở mức gần 70 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và chỉ bằng 40% so với quý liền trước.
Trong tháng 4/2013, sản lượng tiêu thụ thậm chí còn chưa bằng 50% so với cùng kỳ và đây rào cản cho quá trình thực hiện mục tiêu kinh doanh cả năm, cho dù DN này đã tự hạ thấp dự kiến lợi nhuận khá nhiều so với năm liền trước.
Với những lý giải của DPR, có thể thấy, DN này đang vướng mắc ở đầu ra. Cho dù DPR hiện có lượng tiền mặt lớn và lợi nhuận tích lũy rất lớn nhưng doanh nghiệp này khó có thể vực dậy được lợi nhuận nếu thị trường vẫn tiếp tục diễn biến bất lợi.
Một số DN cao su khác hay thủy sản cũng đang bí đầu ra và không thể duy trì được lợi nhuận. Trong khi đó, rất nhiều DN khác cũng gặp khó bởi sức cầu nội địa tụt giảm.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) là một DN có nguồn tiền dồi dào vào hàng tốp đầu trên TTCK. DN này có vốn hơn 1.300 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu lên tới gần 2.400 tỷ đồng nhưng doanh thu thuần trong quý I/2013 chỉ ở mức hơn 400 triệu đồng.
Cho dù nguồn lực rất lớn, nhưng tại đại hội cổ đông gần đây, SAM đưa ra kế hoạch lợi nhuận giảm khoảng 15% so với thực hiện trong năm 2012 (cho dù lợi nhuận 2012 chỉ bằng 67% kế hoạch). Nó cho thấy một điều là DN vẫn rất thận trọng với sự suy giảm của nền kinh tế. DN có tiền nhiều chưa hẳn đã đem lại lợi nhuận cao được cho cổ đông.
Một đại gia cũng đang loay hoay với đồng tiền khác là KLS. CTCK này đang có đống tiền lên tới 1.850 tỷ đồng, trong đó 300 tỷ đang được gửi ngân hàng với kỳ hạn trên 3 tháng và để “đầu tư tài chính ngắn hạn”.
Có thể thấy, trong cộng đồng doanh nghiệp hiện nay có không ít đại gia nội lực mạnh, tiền nhiều như GMD, NBB, TRC, PAN, BMP, NNC, GAS… nhưng có lẽ trong bối cảnh hiện nay không ít các nhà giàu này không biết làm gì để tối ưu hóa lợi nhuận cho cổ đông. Nhiều khi nằm im, không làm gì, không mở rộng sản xuất kinh doanh lại là phương án được lựa chọn.
Co gọn cố thủ
Không chỉ ở mảng sản xuất, rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính cũng đang co gọn hoạt động, thậm chí tính kế rút lui khỏi thị trường, lấy tiền trả lại cho cổ đông.
Trong đại hội cổ đông 2013 gần đây, CTCP Chứng khoán Âu Việt (AVS) đã thông qua chủ trương rút các nghiệp vụ chứng khoán, hủy niêm yết, thanh lý tài sản, giải thể công ty. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh AVS vẫn đáp ứng các điều kiện của UBCK với tỷ lệ an toàn vốn tới cuối 2012 đạt 248%, tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn đạt 22 lần.
Trong quý I/2013, AVS đạt lợi nhuận gần 1,5 tỷ đồng, nâng vốn chủ sở hữu lên hơn 217 tỷ đồng. Và với nguồn lực này, dự kiến trong năm 2013, DN này vẫn lãi khoảng 8 tỷ đồng với cơ sở là nếu không làm gì thì đưa tiền vào gửi trong ngân hàng.
Cũng trong khoảng thời gian này, Chứng khoán Chợ Lớn cũng đã chính thức công bố quyết định về việc giải thể công ty; Chứng khoán Liên Việt cũng đã xin rút tư cách thành viên tại hai sở giao dịch; SVS rút môi giới…
Trước đó, KLS cũng đã co gọn hoạt động, dùng phần lớn tiền gửi ngân hàng và chờ cơ hội đầu tư. Gần đây, KLS tiến hành kế hoạch mua 10 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 4,94% làm cổ phiếu quỹ. Kế hoạch được đưa ra hồi cuối năm ngoái như một dấu hiệu cho thấy sự bí bách không có cơ hội kinh doanh.
Trong mảng BĐS, rất nhiều doanh nghiệp đã phải bán tháo dự án, rút lui khỏi dự án, thậm chí trả lại dự án do lường thấy thị trường đầu ra khó khăn.
Ở mảng sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ, không ít DN trong nhiều lĩnh vực từ không phải thế mạnh cho đến thế mạnh của Việt Nam như da giày, dệt may, thủy sản… phải ngậm ngùi cho thuê lại một phần hoặc toàn nhà xưởng để hoạt động cầm chứng, tránh tình trạng tồn kho, thua lỗ.
Trên TTCK, trước đây làn sóng lên đưa cổ phiếu lên niêm yết trên các sàn chứng khoán rất mạnh, thì giờ đây niêm yết mới nhỏ giọt. Thậm chí, nhiều DN còn rời sàn, không cần huy động vốn trên sàn. Nhiều DN chùn chân, bỏ luôn ý định niêm yết cho dù mọi thủ tục niêm yết đã xong.
Hiện tượng DN thiếu vốn, nợ nần, thua lỗ tràn ngập là hậu quả của khủng hoảng kinh tế. Còn hiện tượng doanh nghiệp không dám sản xuất kinh doanh cho dù có vốn, có tiền lại báo hiệu những điều xấu không kém. Thị trường không còn sức hấp thụ hàng hóa. Nền kinh tế đang rơi vào tình trạng đình trệ. Việc phục hồi sẽ không đơn giản nếu không có những chính sách kích cầu tiêu dùng hợp lý bởi người dân đang nghèo đi còn doanh nghiệp không thể bán hàng cho người không có tiền.
Trước đây, nếu như doanh nghiệp luôn ở tình trạng đói vốn, bao nhiêu vốn cũng hấp thụ hết. Doanh nghiệp thậm chí chấp nhận vay lãi suất rất cao để sản xuất kinh doanh thì giờ đây các số liệu về tăng trưởng tín dụng ngân hàng cũng như thực tế trên thị trường cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp không màng tới đồng vốn. DN không tiêu thụ được hàng thì không cần tiền phát triển sản xuất, kinh doanh.
Huấn Tú