- Nhiều tour du lịch, khách sạn tung chiêu bán voucher giảm giá để hút khách, song, không ít trong số đó khiến người dùng bực mình.
Đắt hơn mua trực tiếp
Là một trong những người thường xuyên đi du lịch, chị Nguyễn Thị Tho (sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) đã rút ra kinh nghiệm không nên sử dụng các loại voucher giảm giá vì hầu hết các đơn vị đưa ra khuyến mãi kiểu này chỉ mang tính hình thức. Chị Tho kể rằng, năm ngoái chị đặt mua 2 voucher thuê phòng khách sạn ở quận 1, TP.HCM với giá 1,2 triệu đồng/đêm. Đến khi gia đình vào tới nơi, chị mới giật mình khi giá niêm yết của khách sạn cũng chỉ có 1,2 triệu đồng/đêm.
Thực tế, đơn vị cung cấp voucher đã tự nâng giá phòng lên 1,5 triệu đồng/đêm rồi giảm giá để lừa khách hàng. Không chỉ vậy, phòng dùng voucher lại ở vị trí bên trong, không cửa sổ, không được đổi và chỉ ở được duy nhất 2 người như quy định của voucher, nếu thêm người phải đóng 200.000 đồng/đêm.
Phản ánh tới quản lý khách sạn vì có sự phân biệt giữa người dùng voucher đặt phòng và tự đặt trực tiếp qua khách sạn, chị nhận được câu trả lời: “Khách sạn phải trích một khoản chi phí đặt phòng cho đơn vị đó nên nhiều tiện ích sẽ bị cắt giảm để bù chi phí”.
“Cách đây không lâu thấy quảng cáo một điểm vui chơi trên Ba Vì chỉ có 80.000 đồng/người, mình cũng giật mình vì giá niêm yết lên tới 600.000 đồng. Đúng là ham rẻ lên tới nơi chỉ lèo tèo vài trò chơi như đạp xe, câu cá, chơi bi a. Mấy trò này chỉ được vài phút chứ ai chơi được cả ngày. Còn ăn uống hay thuê phòng nghỉ cái gì cũng đắt”, chị Tho phàn nàn.
Tương tự như chị Tho, anh Lưu Quang Anh (nhân viên văn phòng ở Đà Nẵng) cũng dị ứng với mấy loại voucher từ thực tế đã trải nghiệm. Lần đó đi du lịch Hà Nội, anh mua mấy cái voucher thuê phòng nhưng đến khi đặt khách sạn toàn thông báo đã kín chỗ. Đến khách sạn khác thì hoàn toàn thất vọng bởi nhiều tiện ích như quảng cáo trên voucher đã bị cắt giảm như không có tiếp đón, phòng ốc chật chội, nội thất cũ và ẩm mốc. Khi thắc mắc, nhân viên khách sạn tỏ ra không hài lòng và trả lời thiếu thiện cảm.
“Các khách sạn hay resort thường không ưu ái khách dùng voucher để book phòng. Các đơn vị cung cấp voucher và khách sạn họ không dại gì mà giảm giá. Phiếu này chỉ sử dụng được dịp thấp điểm du lịch hay những khách sạn vắng khách chất lượng kém, thậm chí là xa trung tâm và các địa điểm du lịch. Book trực tiếp vẫn có giá tốt vì khách sạn không phải mất chi phí cho môi giới”, anh Quang Anh nói.
"Của rẻ là của ôi"
Không chỉ riêng khách sạn mà tới các tour du lịch sử dụng hình thức voucher cũng bị khiến khách hàng thất vọng.
Chị Phương Trang kể về chuyến đi du lịch miền Trung năm ngoái của mình bằng voucher: “Cả đoàn đi như ăn cướp, đi du lịch kiểu cưỡi ngựa xem hoa mỗi chỗ một tý. Hướng dẫn viên không đi theo để hướng dẫn đoàn, còn khách sạn chỉ toàn loại bình dân thiếu đủ thứ. Đến các bữa ăn thì tất nhiên đồ ăn quá tệ”.
Chị Linh, một du khách đã mua voucher đi du lịch tâm sự: “Vì chúng tôi mua voucher giá rẻ nên khi đi Hạ Long, không được tham gia trò chơi hay hoạt động gì, chủ yếu là ngồi ngắm và tự do đi thăm quan.”
Voucher du lịch là một trong những hình thức kích cầu du lịch bởi giá rẻ sẽ thu hút được du khách mua. Tuy nhiên, phần lớn du khách sau khi sử dụng đều có nhận xét chung là “của rẻ là của ôi”. Chị Tho rút ra kinh nghiệm, nếu muốn đặt phòng dịp cần kiểm tra thử trên mấy trang đặt phòng online, nếu rẻ hơn nhiều thì mua còn chỉ nhỉn hơn một chút thì nên dùng dịch vụ đặt phòng trực tiếp qua khách sạn hay các công ty, đại lý du lịch vì điều kiện ràng buộc trên voucher khá là nhiều. Cẩn thận hơn, bạn cũng có thể gọi đến khách sạn kiểm tra phòng trống, nếu còn thì mới mua.
Chia sẻ trên diễn đàn, một thành viên cho biết: “Kinh nghiệm của mình khi mua voucher là kiểm tra phần dịch vụ bao gồm và không bao gồm trong voucher đó. Sau đó, kiểm tra giá trước trên các website khác, sau đó nếu thấy rẻ hơn thì nên mua. Nếu không, nên đặt thẳng trực tiếp từ các website du lịch, giá cũng tương đương nhưng điều kiện lại thoải mái hơn nhiều và đảm bảo. Còn mua các loại voucher thì nên đọc kỹ các điều kiện đi kèm, để không bị hiểu nhầm và có cảm giác bị lừa”.
Chị Trang, đại diện một công ty lữ hành ở Ba Đình, cho rằng, để đáp ứng nhu cầu du lịch, nhiều công ty lữ hành tung ra hàng loạt tour nội địa và quốc tế. Hình thức voucher cũng là một cách làm để cạnh tranh thu hút khách, có đơn vị giảm tới 30-50% nhưng người tiêu dùng cũng nên cảnh giác bởi nhiều đơn vị không uy tín thường tăng giá lên rồi giảm trong voucher hoặc cắt giảm nhiều tiện ích và điều kiện đi kèm.
Theo bà Trang, đơn vị cung cấp dịch vụ các các đại lý du lịch cần hợp tác chặt chẽ nhàm đưa ra những chương trình phù hợp đảm bảo quyền lợi khách hàng, tránh việc “treo đầu dê” sẽ làm mất dần niềm tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch trong nước.
Duy Anh