Sau khi dựng được ngôi nhà gỗ rộng hơn trăm mét vuông thì gia đình anh Bình làm ăn thuận lợi. Hơn thế, sau một năm làm nhà gỗ, anh Bình đã lấy được vợ ở cái tuổi 32 đúng như mong mỏi.
Khoảng 20 năm về trước, nhiều gia đình nông dân đua nhau bán nhà gỗ để đổi sang làm nhà ống cao tầng. Nhưng nay thời thế đã khác, không ít nông dân lại quay về “chơi” những ngôi nhà gỗ có giá trị tiền tỷ. Thú chơi này đang trở thành trào lưu ở nông thôn Hải Phòng.
Làng nhà gỗ cổ
Đến làng Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, người ta không khỏi ngỡ ngàng với những ngôi nhà gỗ được làm cầu kỳ, cổ kính nhưng không kém phần hiện đại. Tính ra thì ở làng này phải ngót nghét trăm cái nhà gỗ.
Ông Trần Văn Viện ở xã Thủy Triều cho biết: Không biết người khác thế nào, nhưng tôi rất thích ở nhà gỗ, bởi nó có những nét mang đậm chất làng quê và nhà gỗ để thờ cúng tổ tiên cũng có phần linh thiêng và trang trọng hơn.
Tôi thích nhà gỗ lâu rồi nhưng nay mới thỏa nguyện. Cứ “tích tiểu thành đại” vì nhà làm nông, kinh tế có hạn nên mỗi năm, gia đình dành ra được ít vốn, tôi lại đi mua 5-10 cây gỗ lim Lào nhập khẩu gom lại. Sau 5 năm, tôi đã có đủ gỗ để dựng ngôi nhà 80m2, tính ra cũng gần 1 tỷ đồng”.
Ngôi nhà của ông Viện có 14 cột, 3 gian và 3 cửa chính gồm 12 cánh nhỏ, tuy chưa thấm vào đâu so với sự đồ sộ của những ngôi nhà khác trong làng nhưng cũng mất tới 14 tháng mới dựng xong bởi nó cần sự tỉ mỉ, cầu kỳ của người thợ.
Kiến trúc của ngôi nhà gỗ có đồ sộ, khang trang hay không phụ thuộc vào túi tiền của từng chủ nhân ngôi nhà. Gia đình có nhiều tiền thì làm thân cột to, trang trí nhiều hoa văn cầu kỳ. Gia đình ít tiền thì cột trụ bé hơn, ít hoa văn tinh xảo.
Trong khoảng 100 ngôi nhà gỗ ở xã Thủy Triều, có lẽ ngôi nhà gỗ của ông Trần Văn Ca (61 tuổi) là đẹp nhất. Nhà ông Ca là một ngôi nhà lầu theo kiến trúc cung đình Huế, trị giá trên 3 tỷ đồng. Đó là một ngôi nhà 2 tầng đồ sộ, với nhiều lầu nhỏ nhấp nhô. Tầng dưới làm xưởng gỗ, tầng trên có 3 gian với 4 cột trụ, 3 cửa chính, trên các xà khắc cảnh vật 4 mùa trong năm...
Kén thợ làm nhà
Làm nhà gỗ không đơn giản như xây nhà mái bằng, nó đòi hỏi sự am hiểu phong thủy và sự tỉ mỉ, khéo tay của người thợ dựng nhà. Ông Nguyễn Đức Tưởng ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên được 2 con gái ở Hàn Quốc gửi tiền về cho xây nhà. Lúc đầu, vợ chồng ông định xây biệt thự, nhưng một lần sang Thủy Triều chơi, thấy nhà gỗ của ông bạn đẹp quá nên ông quyết định dựng nhà gỗ.
Trước khi dựng, ông tốn cả tháng trời đi khắp từ Hải Phòng đến Nam Định, Ninh Bình rồi Nghệ An để nghiên cứu kiến trúc, và quan trọng hơn là tìm cho bằng được thợ giỏi nhất. Cuối cùng ông quyết định mượn thợ nhà, ông bảo: “Làm nhà mất tiền tỷ nên phải nghiên cứu cẩn thận, tôi đi khắp nơi để xem xét nhưng cuối cùng quyết định mượn ông Ca ở xã Thủy Triều. Ông Ca tuy làm đắt hơn các thợ khác nhưng được cái ông ấy am hiểu phong thủy và biết kiêng cho gia chủ nên tôi yên tâm”.
Nhà anh Nguyễn Văn Bình (32 tuổi), ở phường Đằng Hải, quận Hải An cũng vậy, trước khi xây nhà anh phải đưa mẹ mình đi khắp miền Trung để thuyết phục bà đồng ý cho làm nhà gỗ, bởi lúc đầu bà sợ bỏ tiền ra mà không có được ngôi nhà “nên hồn”.
Anh Bình kể: “Đằng Hải mới lên phố nên đất còn rộng, rất phù hợp với việc làm nhà gỗ. Riêng ở tổ dân phố Đằng Lưu nhà mình cũng có đến gần chục ngôi nhà gỗ. Lúc đầu, mình chỉ nghĩ đơn giản cứ có tiền là làm được, nhưng khi bắt tay vào làm mới biết để dựng được một ngôi nhà gỗ cũng lắm công phu…
Người dân Thủy Triều chỉ làm nông nghiệp và đi biển, cuộc sống chẳng khá giả mấy nhưng họ vẫn đua nhau tích cóp để dựng bằng được nhà gỗ. Và có lẽ trong tương lai, người ta sẽ gọi Thủy Triều là làng nhà gỗ cổ bởi đây chính là cái nôi của làng nghề làm nhà gỗ cổ xưa.
Ông Ca - một thợ giỏi có thâm niên gần 50 năm làm nhà gỗ cổ ở Thủy Triều cho biết: Trào lưu chơi nhà gỗ của người dân ở các làng quê ngày một nhiều. Trung bình mỗi năm, các tốp thợ ở Thủy Triều đi dựng 50 - 60 căn nhà gỗ cho khách hàng là người dân quê Hải Phòng và cả các tỉnh lân cận.
Nguồn gỗ lim dựng nhà mua từ các lái buôn, thông qua đường nhập khẩu từ Nam Phi, Lào… Mỗi cây gỗ lim dài 4m, đường kính 25cm có giá 25 triệu đồng có thể làm một cây cột.
Cũng theo ông Ca, dựng nhà gỗ đòi hỏi người thợ phải rất kiêng kị cho gia chủ từ khâu chọn gỗ. Theo quan niệm của những người trong nghề thì cần phải kiêng không chọn những cây bị sét đánh, những cây có hai lõi (ví như “ăn ở hai lòng”), những cây bị dây quấn vào thân (ví như “mãng xà cuốn cổ”)... Đặc biệt, mỗi cột phải lấy từ một cây và khi dựng phải dựng xuôi, gốc dưới ngọn trên. Dựng nhà tùy vào gia chủ làm nghề gì thì dựng theo cung có lợi cho sự phát triển của gia chủ.
An cư lạc nghiệp
Ông Nguyễn Tất Na ở xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên làm nghề gói bánh chưng, tích cóp cả đời, ông dựng được ngôi nhà gỗ gần 2 tỷ. Ông là trưởng dòng họ nên nhà gỗ của ông vừa là nơi ở vừa làm từ đường thờ cúng tổ tiên.
Ở tuổi ngoài 70, ông cảm thấy mãn nguyện vì có được tài sản này, bởi nó không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn có ý nghĩa về mặt tinh thần. Từ ngày dựng nhà, 7 người con của ông đều làm nghề bánh chưng phất lên hẳn. Đứa nào cũng hiếu lễ với bố mẹ và trợ giúp nhau trong làm ăn...
“Kiểm nghiệm thực tế thấy đúng thật. Chính bản thân tôi, sau khi dựng nhà xong càng có nhiều người đến mượn dựng nhà hơn và thợ thì làm không hết việc” - ông Ca gật gù kiểm nghiệm.
Không đâu xa, chính anh Nguyễn Văn Bình (ở quận Hải An) sau khi dựng được ngôi nhà gỗ rộng hơn trăm mét vuông thì gia đình anh làm ăn cứ thế mà thuận lợi. Và quan trọng hơn, sau một năm làm nhà gỗ, anh Bình đã lấy được vợ ở cái tuổi 32 đúng như mong mỏi của gia đình. Anh Bình vui lắm, anh thường xuyên đến thăm hỏi ông Ca và cảm ơn ông hết lời.
Vừa rồi, anh mới dẫn ông chú sang mượn ông Ca làm cho ngôi nhà gỗ. Anh Bình cười tươi: “Vừa đến chơi nhà mình, ông chú mình đã mê tít, rồi quay phim, chụp ảnh để gửi cho con trai ở nước ngoài xem. Chú mình ở huyện Kiến Thụy chỉ làm nông nghiệp thôi nhưng được con trai ở nước ngoài gửi tiền về để xây nhà, vì thế chú quyết định dựng nhà gỗ”.
(Theo DanViet)