Để tăng trọng lượng cho vật nuôi, vì mục đích lợi nhuận, nhiều đối tượng đã nhồi cám, bơm nước, bơm thuốc an thần, các tạp chất độc hại cho gà, lợn, cá… Người tiêu dùng không chỉ bị “móc túi” vì mua phải thực phẩm gian dối trọng lượng mà còn bị ảnh hưởng sức khỏe khi dùng những sản phẩm tăng trọng kém chất lượng.

Lợn tăng trọng bằng hooc môn, thuốc an thần, nước bẩn

Năm 2011, sau một thời gian tạm lắng, giới chăn nuôi heo bắt đầu sử dụng trở lại loại hoocmôn tạo nạc, hoocmoon siêu tăng trọng cho heo.

Theo điều tra loại thuốc tăng trọng giúp heo lớn nhanh, bung đùi, nở vai, giá từ 500.000 – 1.200.000 đồng/kg. Đây là hàng từ Trung Quốc về, chỉ cung cấp cho các mối thân thiết, vì nếu bị lộ thì cơ quan thú y đến kiểm tra xử phạt ngay. Loại thuốc cấm đáp ứng nhu cầu tăng trọng nhanh cho heo được giới chăn nuôi tìm mua nhiều nhất là salbutamol, clenbuterol...

Chủ một chủ trại heo thường sử dụng các loại hooc môn, cho biết: “Heo nuôi bình thường phải mất hơn bốn tháng mới xuất chuồng (tầm 100kg), nhưng khi cho ăn thuốc thì thời gian xuất chuồng được rút ngắn chỉ còn ba đến ba tháng rưỡi”.

{keywords}

Mới đây, Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau tiến hành kiểm tra một số cơ sở giết mổ heo trên địa bàn tỉnh và đã phát hiện nhiều cơ sở bơm nước vào heo nhằm tăng trọng lượng của thịt heo sau khi giết mổ nhằm trục lợi.

Mánh khóe của các gian thương này là bơm nước, thậm chí là thuốc an thần trực tiếp vào hệ tiêu hóa của heo cho đến khi căng tròn khiến heo không đứng được phải ngã lăn quay ra sàn.

Gà tăng trọng bằng bánh đúc, nước và bột khoáng

Thông thường, để tăng trọng cho gà, vịt người đi buôn thường nhồi bánh đúc, cám vào diều gà vịt, với cách làm này họ có thể ăn gian trọng lượng từ một vài lạng đến cả cân. Thậm chí có những thời điểm các bà nội trợ đã quá quen với việc nhồi diều này nên gần như không dám nghĩ có thể mua được gia cầm không bị nhồi, họ chỉ hi vọng mua được gà, vịt bị nhồi ít.

Ngoài hình thức nhồi “cổ điển” thì lái buôn còn dùng xi lanh bơm nước vào dưới da gà. Giữa da và thịt gà có một lớp mỡ, nước được bơm vào đây làm da con gà căng lên, tăng khối lượng. Nước thường được bơm vào lườn và hai bên đùi con gà.

{keywords}

Với hình thức tăng trọng gà như vậy, người tiêu dùng không những bị móc túi trắng trợn mà chất lượng thịt gia cầm cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Trở lại năm 2011, Trung Quốc đã thu giữ 1000 con gà bị nhồi bột khoáng công nghiệp để tăng trọng lượng. Người ta phát hiện trong ruột gà có chứa một lượng đáng kể bari sunfat, thường được gọi là bột barit. Có khoảng 110 mg magie và 1,1 mg barit trên mỗi kg gà. Lượng gà nhập lậu từ Trung Quốc chiếm một lượng không nhỏ trên thị trường nên thông tin gà bị nhồi bột khoáng do cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện cũng không khỏi khiến người tiêu dùng Việt Nam lo ngại.

Tăng trọng tôm bằng nước muối, glixerin và đinh sắt

Đối với tôm để tăng trọng lượng, người ta thường bơm nước muối, thậm chí là bơm glixerin. Đặc biệt việc làm gian dối này không chỉ tồn tại trong nước mà với con tôm xuất khẩu cũng bị áp dụng cách tăng trọng như vậy, Nhiều nước nhập khẩu tôm của Việt Nam cũng đã cảnh báo hiện tượng này. Khi bị phát hiện bơm glixerin, người ta lại nghĩ ra cách thay glixerin bằng nước muối sinh lý có độ mặn tương tự nước biển.

{keywords}

Thậm chí, có giai đoạn, các nhà chế biến tôm xuất khẩu còn phát hiện cả đinh sắt lẫn trong tôm do người bán găm vào nhằm tăng trọng lượng. Hành động này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín chất lượng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Bộ NN&PTNT đã từng coi đây là một “tệ nạn” với hàng thủy sản xuất khẩu và quản lý rất nghiêm ngặt.

Cá tầm với nguy cơ tồn dư chất tăng trọng

Cá tầm nhập lậu được bán tràn lan tại các chợ đang bị nghi ngờ về khả năng tồn dư chất kích thích tăng trọng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng cá tầm có nguy cơ có tồn dư chất tăng trọng, kích thích lớn vì theo thông tin, cá ở Trung Quốc được nuôi trong thời gian rất ngắn. “Theo thông tin, cá tầm Trung Quốc chỉ nuôi trong thời gian rất ngắn nhưng trọng lượng đạt cao. Nhiều nguy cơ tồn dư chất tăng trọng trong thịt” bà Thu cho biết.

Trong tình hình các cơ quan chức năng vẫn chưa rõ quy mô, các đường dây vận chuyển cá tầm về nước cũng như chưa xác minh được thông tin cá tầm có nguy có tồn dư chất tăng trọng thì chất lượng cá tầm vẫn còn là một dấu hỏi lớn đối với người tiêu dùng.

Đến rau củ cũng bị tăng trọng

Thương lái không chỉ dùng đủ mọi chiêu trò để tăng trọng cho lợn, gà, tôm, cá, mà ngay đến cả những thứ rau củ với giá thành rẻ cũng bị người bán ngâm nước để gian dối trọng lượng.

Người ta thường ngâm rau củ, bắp cải xuống nước trước khi bán để nước ngấm vào bên trong hoặc phun nước trước khi bán nhằm mục đích giúp rau củ nặng thêm khi cân.

Nhị Anh (tổng hợp)