Vừa đút túi vài trăm tỷ từ vụ Arsenal sang Việt Nam giao hữu, nhưng có vẻ công việc của bầu Đức thời gian gần đây bị vận đen đeo bám.

Mất cả trăm tỷ vì phi công riêng đột tử

Ngày 24/7, dư luận xôn xao với thông tin ông Ryan (quốc tịch Mỹ), phi công riêng của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, qua đời lúc 23h ngày 22/7 tại một quán bar.

Tối 23/7, khi trả lời trước báo chí, bầu Đức đã xác nhận thông tin này. Bầu Đức cũng khẳng định tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông sẽ làm tất cả nghĩa vụ, lo hết mọi thứ cho đến khi thi thể ông Ryan được đưa về đến Mỹ.

Thông tin này không tác động nhiều tới hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai nhưng trong bối cảnh VN-Index giảm mạnh như hôm nay (VN-Index giảm 10,11 điểm, tương ứng 2% xuống 494,18 điểm), cổ phiếu HAG ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/7, HAG giảm 400 đồng/CP, tương ứng 1,9% và đóng cửa ở mức 21.200 đồng/CP. Đây là mức giá thấp nhất trong ngày của HAG. Khối lượng giao dịch của HAG tăng gần gấp đôi so với phiên trước đó cho thấy tâm lý nhà đầu tư ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những thông tin kể trên.

{keywords}

Sự suy giảm này của cổ phiếu HAG khiến tổng giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán của bầu Đức sụt giảm. Cụ thể, chỉ sau vài tiếng thị trường chứng khoán mở cửa, bầu Đức đã mất gần 125 tỷ đồng. Số tiền của bầu Đức hiện “chỉ” còn 6.731 tỷ đồng.

Bán tháo thủy điện với giá rẻ

Việc HAGL công bố muốn bán toàn bộ 6 dự án thủy điện đang sở hữu tại Việt Nam chỉ là một trong những kế hoạch tái cấu trúc đầu tư của Tập đoàn này nhưng dư luận vẫn tỏ ra nghi ngờ khi bầu Đức chịu “buông” thủy điện, vốn là một lĩnh vực HAGL đã tiêu tốn rất nhiều mồ hôi, công sức và tiền bạc.

Thực tế việc bầu Đức bán thủy điện cũng chẳng phải điều gì tốt đẹp bởi theo công ty chứng khoán HSC thì HAGL thu về tỷ suất lợi nhuận khá nhỏ, chỉ khoảng 6%.

6 dự án thủy điện tại Việt Nam mà HAGL muốn bán bao gồm Daksrong 2, Daksrong 2A, Daksrong 3A, Daksrong 3B, Bá Thước 1, Bá Thước 2 trong khi vẫn giữ 2 dự án tại Lào là Nam Kong 2, Nam Kong 3.

Cũng theo thông tin từ HSC, trong quý 4/2012, HAGL đã bán bớt hơn 5% cổ phần của công ty Thủy điện HAGL (đơn vị quản lý các dự án thủy điện của HAGL) cho một cá nhân người Đài Loan với mức giá bán hơn 30.000 đồng/cp, thu về khoản lợi nhuận hơn 200 tỷ. Như vậy có thể thấy là HAGL không thể bán với giá 'hời' như trước.

Lùm xùm vụ đưa Arsenal sang Việt Nam

Mặc dù kết thúc chuyến du đấu của Arsenal, bầu Đức đút túi tới vài trăm tỷ đồng nhưng ngay từ đầu, việc đưa đội bóng xư sở sương mù về Việt Nam của bầu Đức cũng không mấy suôn sẻ khi dính vào lùm xùm thương vụ giá thuê sân Mỹ Đình.

Những ngày giữa tháng 6 vừa qua, không chỉ có báo chí, dư luận trong nước mà cả các hãng truyền thông lớn nước ngoài cũng rất quan tâm đến vụ sân Mỹ Đình “hét giá” thuê sân 1,5 tỷ đồng. Hầu hết đều tỏ ra ngỡ ngàng đến bức xúc trước những đòi hỏi quá đáng của phía sân Mỹ Đình.

Theo hãng tin Reuters, những nhà tổ chức trận đấu giao hữu giữa CLB Arsenal và đội tuyển Việt Nam đang phải đối mặt với một “cuộc chiến” với ban quản lý sân vận đông Mỹ Đình để hạ giá thuê sân. Reuters thậm chí còn giật tít: “Chuyến thăm Việt Nam của Arsenal không chắc chắn vì giá sân vận động Mỹ Đình”.

Tờ Daily Mail cũng khá lo lắng khi nhận định trận giao hữu của Arsenal ở Việt Nam có nguy cơ bị hủy. Báo điện tử Independent (Anh) cũng tham gia bình luận: “Trận đấu của Arsenal ở Việt Nam bị nghi ngờ sau khi những sân vận động đột ngột tăng giá”… Nhiều phản hồi từ độc giả của các tờ báo này đề xuất CLB Arsenal nên giúp ban tổ chức trả khoản tiền thuê sân, bởi con số 1,5 tỷ đồng (tương đương khoảng 45.000 bảng) là quá nhỏ so với một đội bóng lớn có sự góp mặt của “Pháo thủ” , và nó chỉ tương đương với lương tuần của một cầu thủ trung bình tại Arsenal.

Chính bầu Đức lên tiếng cho biết cảm thấy xấu hổ vì thương vụ này. Sau đó ít ngày, giá sân được chốt xuống 800 triệu đồng nhưng việc vé trận giao hữu bị ế tới hàng nghìn cặp cũng khiến bầu Đức và Ban tổ chức phải đau đầu. Tưởng như bầu Đức sẽ “tay trắng” sau trận đấu thì rất may, nhân vật “Running Man” xuất hiện và cứu thua cho cả Ban tổ chức. Sau đó cổ phiếu của HAGL tăng vùn vụt, bầu Đức đút túi vài trăm tỷ nhưng xét cho cùng, khi đưa Arsenal về Việt Nam, bầu Đức cũng không gặp suôn sẻ so với những chuyến du đấu của nhiều đội bóng nổi tiếng khác tại Việt Nam.

Bị cáo buộc phá rừng, 2 ngày, mất 300 tỷ đồng

Giữa tháng 5/2013, tổ chức hoạt động vì môi trường Global Witness công bố báo cáo mang tên "Các ông trùm cao su: Cách thức các công ty Việt Nam và các nhà tài phiệt quốc tế đang tiến hành cuộc khủng hoảng chiếm đất tại Campuchia và Lào".

Theo đó, Global Witness cáo buộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) “có liên quan đến việc chặt đốn khu rừng nguyên vẹn trong và ngoài phạm vi ranh giới nhượng quyền, trái với các quy định của pháp luật”.

Bên cạnh đó, Hoàng Anh Gia Lai cũng bị cáo buộc đưa hối lộ, lợi dụng quan chức tham nhũng để chiếm đoạt đất của dân và khai thác gỗ bất hợp pháp.

Cả trước và sau khi Global Witness cung cấp 3 lý do khiến tổ chức này kết luận Hoàng Anh Gia Lai phạm luật tại Lào, Campuchia, bầu Đức luôn lên tiếng phủ nhận cáo buộc và đưa ra những bằng chứng khá thuyết phục.

Trong khi hai bên chưa chính thức gặp nhau, sự việc chưa được làm sáng tỏ, bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai ít nhiều đã phải chịu những thiệt hại đầu tiên. Đó là sự giảm giá chứng khoán.

Trong phiên giao dịch ngày 14/5, thời điểm cáo buộc “phá rừng” được lan truyền rộng rãi, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai, giảm giá rất mạnh. Đóng cửa ngày 14/5, HAG giảm 1.400 đồng/CP, tương ứng 6,1% và đóng cửa ở mức 21.400 đồng/CP.

Tới ngày 15/5, đà giảm của HAG chững lại. HAG chỉ giảm 200 đồng/CP, tương ứng 0,9%. Sau hai ngày, HAG mất 1.600 đồng/CP. Với việc sở hữu hơn 260 triệu cổ phiếu HAG, chỉ trong 2 phiên, bầu Đức đã mất hơn 300 tỷ đồng.

Bên cạnh mất mát về tiền, HAG còn chứng kiến sự quay lưng của khối ngoại. Trong ngày 14/5, khối ngoại đã bán ra 1,1 triệu đơn vị HAG.

(Theo TTVN, Soha)