Trong tuần, người tiêu dùng lại sống trong lo lắng khi biết rằng, nhiều loại rau an toàn (RAT) được hái bán sau khi phun thuốc trừ sâu 15 phút, bò bơm nước để tăng trọng… còn món điểm tâm yêu thích là sữa đậu nành được làm từ hóa chất.
1 kg hóa chất làm 200 ly sữa
Tại chợ Kim Biên (TP. HCM), chỉ với 80.000 đồng mua 1 kg bột sữa là có thể pha chế được 200 ly sữa đậu nành mà không phải mất công nấu đậu.
Theo hướng dẫn của người bán thì chỉ cần đun sôi nước rồi cho vài muỗng bột vào khuấy đều lên là có thứ nước màu trắng sữa giống như đậu nành. Tiếp đến, cho thêm ít giọt tạo mùi thơm của đậu nành vào khuấy đều lên là đem bán được.
Được biết, 1 kg loại bột sữa này có thể làm ra 200 ly đậu nành loại 5.000 đồng thường được bán ở vỉa hè với hương vị không khác gì so với loại sữa đậu nành mới say.
Theo bà Tô Thị Hằng, Công ty giám định Vinacontrol (chi nhánh TP.HCM): "Rất khó để giám định được sữa đậu nành thật, giả nếu chỉ nhìn bằng mắt thường hay phân biệt qua đường mũi. Hiện chưa xác định được loại bột này có chứa các thành phần hóa chất nào. Nhưng nếu sử dụng lâu dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng".
Bơm nước để tăng trọng thịt bò
Ngày 27/8, Chi cục Thú y TP.Đà Nẵng kiểm tra cơ sở giết mổ gia súc do bà Hoàng Thị Minh Huy (60 tuổi) làm chủ trên đường Lê Trọng Tấn, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, phát hiện 2 trường hợp chủ bò bơm nước vào bò để gia tăng trọng lượng. Trong khi đó, tại cơ sở giết mổ gia súc thuộc Hợp tác xã phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, với tang vật hàng chục mét ống nước cỡ lớn dùng để bơm nước vào miệng bò.
|
Lãnh đạo Chi cục Thú y TP.Đà Nẵng cho hay chủ bò thường “cưỡng bức” bò uống nước bằng ống từ chiều đến khuya để tăng trọng 20%, tương đương tăng lợi nhuận 2 - 3 triệu đồng/con bò. Ngoài việc gian lận thương mại, nguồn nước giếng cạnh chuồng bò không đảm bảo vệ sinh dùng bơm vào đường tiêu hóa khiến thịt nhiễm vi sinh hoặc kim loại nặng, nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nước mắm thương hiệu chỉ 5.000 đồng/lít
Dạo quanh một số chợ lớn tại Hà Nội như chợ đầu mối Dịch Vọng, chợ Đồng Xa, chợ Phùng Khoang, chợ Cầu Diễn… người tiêu dùng dễ bắt gặp những chai nước mắm giá bèo bán tràn lan. Các chai nước mắm được niêm yết giá trên bao bì từ 6.000 – 6.500 đồng/lít, bán đến tay người tiêu dùng giá “mềm” hơn là 5.000 đồng/lít. Nước mắm 5.000 đồng/lít có xuất xứ hầu hết từ các thương hiệu Phan Thiết, Phú Quốc, Cát Hải, Nam Hải…, được ghi trên nhãn là sản phẩm “cốt cá cơm” với thành phần rõ ràng “cá biển, nước, muối”, nhưng cơ sở sản xuất lại được đặt tại… Sóc Sơn, Hà Nội.
Nhiều người mua loại nước mắm này về đều không thể dùng nổi vì chất lượng quá tồi tệ, mùi khó chịu. Trong khi đó, nhiều chuyên gia nghi ngờ đây là nước mắm đểu có nhiều loại phẩm màu, chất bảo quản… nguy hiểm.
RAT Hà Nội, phun thuốc 15 phút là hái bán?
Xứ Đồng Bãi ngoài (xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội) được biết đến là “vựa” rau an toàn cung cấp một lượng rau lớn cho khu vực nội thành.
Thế nhưng, tại ruộng rau các vỏ bao bì thuốc trừ sâu vẫn vứt bừa bãi, tràn lan trên đồng ruộng. Thậm chí, người trồng có thể hái bán rau ngay lập tức chỉ sau 15 phút phun thuốc với một câu khẳng định: “Thuốc này là thuốc hóa học chứ không phải thuốc sâu, phun chỉ để cho con bay bay (côn trùng) bay đi chứ không ảnh hưởng gì. Sau 15 phút là có thể thu hoạch được”.
Tuy nhiên, lãnh đạo xã Song Phương lại phủ nhận điều này và cho rằng cán bộ bảo vệ thực vật vẫn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng hướng dẫn bà con nông dân để sản xuất đúng quy trình. Địa phương rất quan tâm việc này, có truyền thống trồng rau các loại từ trước đến nay.
Giá gas lại tăng thêm 12.000 đồng từ 1/9
Sau khi tăng giá thêm 12.000 đồng, hiện giá gas bán lẻ trên thị trường là 398.000 đồng/bình 12 kg, giá gas Pacific Petro đến tay người tiêu dùng là 397.000 đồng/bình 12 kg; Gas Petrolimex Sai Gon cũng tăng 12.000 đồng/bình 12 kg, giá bán lẻ đến người tiêu dùng là 404.000 đồng/bình 12 kg.
Các công ty cho biết nguyên nhân tăng giá là do giá gas thế giới tháng 9 công bố bình quân 862,5 USD/tấn, tăng 42,5 USD/tấn so với tháng 8. Đây là lần tăng giá thứ 3 liên tiếp trong thời gian gần đây. Tính từ đầu năm đến nay giá gas tăng bốn lần với tổng mức tăng là 34.000 đồng/bình 12 kg.
Bánh trung thu đổ bổ xuống vỉa hè
Mặc dù còn hơn nửa tháng nữa mới tới Tết Trung thu nhưng bánh trung thi đã bán khắp các vỉa hè từ hơn tháng nay. Hàng loạt ki ốt bán bánh trung thu đua nhau bám vỉa hè Hà Nội. Tại nhiều tuyến phố, nhiều ngã ba, ngã tư như khu vực ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc - Tôn Thất Tùng đến cầu Trung Tự (quận Đống Đa), có những đoạn vỉa hè dài chừng vài trăm mét nhưng có tới hàng chục ki ốt bán bánh trung thu được dựng lên.
Các tuyến phố như Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân); Xuân Thủy (quận Cầu Giấy); Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng)..., những ngày này vỉa hè trở thành nơi trưng bày các sản phẩm bánh trung thu của các thương hiệu từ cao cấp đến bình dân.
Mặc dù tình hình kinh doanh ế ẩm, và quảng cáo khuyến mãi nhưng giá bánh trung thu năm nay không giảm so với năm ngoái. Không ít người vẫn chi số tiền lớn, bằng cả tháng lương, để mua quà bánh biếu sếp dịp Trung thu.
B.H (Tổng hợp)