Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc công ty xây dựng tư nhân ở một tỉnh miền núi phía Bắc, cảm thấy như bị lừa. Số là gần đây, sau khi biết thông tin tỉnh chuẩn bị xây dựng một con đường mới, anh và mấy nhân viên thân tín đã tìm mọi cách “đi cửa sau” nhưng tiền mất mà hợp đồng không có.

“Họ nhận, hứa hẹn, nhưng rốt cuộc lại chấm cho người khác thắng thầu”, anh kể. Sau đó, anh mới có dịp trò chuyện với vài doanh nghiệp xây dựng khác ở tỉnh, và vỡ lẽ rằng, nhiều người cũng từng “dấm dúi” như anh và cũng...thua thầu. Song, Hoàng Anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dám tố cáo.

Không như vị giám đốc trên, 11 vị giám đốc khác ở Thanh Hóa đã ký đơn tố cáo về việc lãnh đạo Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa, người mà như mô tả của báo chí là “đã nhiều lần có hành vi gây trở ngại cho các doanh nghiệp vận tải biển để trục lợi bất chính”. Đích thân Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu điều tra đơn tố cáo này.

{keywords}

Những vụ việc như trên, công khai hay không, chỉ là những câu chuyện kéo dài hàng ngày trên báo chí về nỗi khổ của các doanh nghiệp trong quá trình làm ăn. Việc doanh nghiệp bị hành bởi các cán bộ nhà nước biến chất có muôn hình vạn trạng.

Để tạo ra 1 đồng lợi nhuận, doanh nghiệp phải trả 0,7-1 đồng cho các khoản thanh toán không chính thức.

Một khảo sát của Công ty Tư vấn quản lý và Chuyển đổi tổ chức (T&C) thực hiện theo yêu cầu của Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID) cho biết thêm những câu chuyện tương tự.

Các đợt thanh tra, kiểm tra của các cán bộ nhà nước như kiểm toán thuế thường là các cơ hội cho tham nhũng xảy ra. Một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội cho T&C biết, cứ mỗi năm đơn vị mình bị hai đợt thanh tra. Các khoản chi phí không chính thức trong trường hợp này có thể dao động dưới dạng từ quà tặng và thết đãi, đến việc đưa tiền và hàng. Ngân hàng này cho biết: “Việc ngân hàng đối đãi với đoàn thanh tra như thế nào tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Trung bình, chúng tôi phải chi khoảng 30 triệu đồng cho mỗi cán bộ trong đoàn thanh tra”.

Thủ tục hành chính rối rắm cũng là mảnh đất phì nhiêu tạo cơ hội cho các cán bộ nhà nước trục lợi. Một doanh nghiệp khác nói: “Đây là khoản chi thông thường. Mọi người ai cũng làm thế, vì vậy chúng tôi cũng làm”. Một doanh nghiệp khác cho biết thêm: “Lĩnh vực của chúng tôi không công khai minh bạch. Khi chúng tôi nộp chứng từ, cán bộ công chức luôn cố tìm ra những lỗi nhỏ nhặt và trả lại hồ sơ. Khoản chi phí mà chúng tôi trả thêm, mọi người đều ngầm hiểu và mặc định mức chung được chấp nhận trong ngành”. Một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội còn tiết lộ với T&C: để có phần trong gói thầu tại một bệnh viện tỉnh, doanh nghiệp này phải tăng thêm khoảng 40% giá hàng hóa.

T&C khẳng định trong báo cáo: “Hầu hết các doanh nghiệp đều tin rằng tham nhũng bôi trơn là thực tiễn thông thường và đã trở thành luật chơi ở Việt Nam. Doanh nghiệp bị cuốn vào vòng xoắn ốc đi xuống - họ hối lộ vì sợ rằng nhiều doanh nghiệp cũng đang làm điều đó để có được dịch vụ như mong muốn, và đồng thời cũng bởi vì các cán bộ nhà nước cũng đang chờ đợi điều đó”.

Tổng hợp kết quả minh bạch tài sản, thu nhập năm 2013 cho thấy có 944.425 người đã kê khai tài sản, thu nhập trên tổng số 952.178 người phải kê khai (đạt 99,2%). Trong đó, chỉ có ông Cao Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xổ số kiến thiết Hậu Giang, bị xử lý kỷ luật cảnh cáo do kê khai không trung thực.

Tháng 8-2014, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức khảo sát tại sáu tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Sơn La, Yên Bái, Lâm Đồng, Đồng Nai và nhận thấy đa số các tỉnh trên không phát hiện được tham nhũng qua công tác thanh tra. Chỉ duy nhất có Đồng Nai phát hiện được vỏn vẹn một vụ và đã khởi tố một bị can.

Báo cáo của T&C chỉ rõ, từ năm 2009-2011, mỗi công ty được khảo sát cho biết đã chi trung bình từ 460-600 triệu đồng các khoản thanh toán không chính thức, nhưng vẫn thu về trung bình khoảng từ 512-646 triệu đồng lợi nhuận trước thuế mỗi năm. Các khoản thanh toán không chính thức như vậy tương đương với 78-107% lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp. Từ đó có thể khái quát rằng để tạo ra 1 đồng lợi nhuận, doanh nghiệp phải trả 0,7-1 đồng cho các khoản thanh toán không chính thức. “Nói cách khác, tỷ lệ các khoản chi phí không chính thức trên lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp của Việt Nam có thể làm ăn hiệu quả hơn như thế nào nếu không có tham nhũng”, T&C nhận xét.

Vị giám đốc tên Hoàng Anh vẫn còn tiếc vụ trượt thầu. Tuy nhiên, anh khẳng định sẽ tiếp tục “đi đêm”, vì đó là cách duy nhất hy vọng có dự án, một suy nghĩ không thể đem lại sự bền vững cho doanh nghiệp của anh.

(Theo Tư Hoàng/SaigonTimes Onlines)