Ông trùm một thời xúc động khi nói tới vợ con, những người luôn bên cạnh khi sa cơ, lỡ vận. Và, chính ông cũng không biết biệt danh "buôn vua" từ đâu mà có...
Bản án 20 năm là quá đủ!
Trở lại với việc dính líu tới ông trùm Năm Cam, khi ấy cả xã hội đồn rằng, để thực hiện "chạy án cho ông trùm", Thuyết đã tổ chức một đường dây gái gọi phục vụ các VIP và xây nhà cho những người này. Khi vụ án Năm Cam bị phá, Thuyết “buôn vua” đã lĩnh án 20 năm tù về các tội “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Trở về sau 13 năm thụ án, cái tên Thuyết "buôn vua" không còn ầm ĩ như trước. Ông lặng lẽ sống một cách bình dị, thanh thản giữa cuộc đời thường nhật.
Sau cơn tai biến dịp tết vừa rồi, sức khỏe của ông đã yếu đi nhiều. Mặc dù vậy, người đàn ông được quen gọi với cái tên "buôn vua, bán chúa" vẫn tiếp khách trong tâm thế tự tin của một “đại ca” từng có máu mặt trong giới giang hồ.
Khi gặp chúng tôi, ông như gặp lại cánh mối làm ăn cũ, cái bắt tay chắc nịch, ánh mắt vui vẻ, thoải mái y như cánh phóng viên là một trong những mối làm ăn, mối quan hệ trước khi ông đi tù, nay biết Thuyết bị bệnh tới hỏi thăm tình hình sức khỏe. Có lẽ thế, nên câu cửa miệng ông hỏi chúng tôi hao hao giống kiểu một dân buôn lâu năm: “Dạo này chú làm ăn sao rồi?”.
Sau khi biết danh tính, mục đích của vị khách lạ (phóng viên), ông Thuyết tỏ vẻ suy tư. Trầm ngâm trong giây lát, ông Thuyết trút bầu tâm sự về khoảng thời gian lầm lỡ của cuộc đời mình: “Bản án 20 năm tù, với tôi như thế là quá đủ”.
Ông Thuyết được tiêm thuốc điều trị tai biến tại gia đình |
Ông Thuyết phân trần: “Lúc tôi chịu tù tội, cũng là khi người đời gieo tiếng ác. Có người nói tôi, dạo trước tiêu tiền tỷ một ngày, cầm đầu đường dây gái gọi… nhưng lại không biết sự thật thế nào? Trong khi đó, mọi hồ sơ, giấy tờ, các bằng chứng đều khẳng định là không có chuyện đó. Tôi đọc nhiều bài báo nói về tôi không đúng sự thật. Có người còn vẽ cho tôi cái râu, tô thêm màu, phóng đại sự thật khiến hình ảnh của tôi không còn là chính mình. Nhưng mình cũng chẳng nói làm gì trong lúc sa cơ lỡ vận".
"Tôi chỉ mong muốn báo chí trả trả lại con người thật cho tôi”, ông Thuyết tâm sự.
Khi được người đời gọi với biệt danh quen thuộc Thuyết “buôn vua”, Thuyết “chăn voi”, ông tỏ vẻ bất ngờ, cho rằng biệt danh có vẻ hơi "phản động", nhưng lại không hề biết nó xuất phát từ đâu?
“Thời điểm bị tống đạt quyết bị bắt giam, tôi bất ngờ khi nghe biệt danh “buôn vua”. Trước tòa án tôi vẫn nói, nếu không chỉ rõ cho tôi biết và biết rõ về nguồn gốc cái biệt "buôn vua" thì tôi đề nghị xử lý người đã nói cái tên ấy ra”, ông Thuyết gay gắt.
Ông Thuyết suy đoán: "Có thể qua vụ án Năm Cam, người ta nghĩ tôi móc nối với cán bộ để chạy tội cho người khác như kiểu “buôn vua, bán chúa”. Còn việc dùng ảnh hưởng, quan hệ của mình để tác động đến các quan chức thì họ lại cho rằng là “chăn voi” (voi là tượng, tượng chỉ quan chức)",
Ông Thuyết cũng cho rằng, biệt danh "buôn vua", hay “chăn voi” được người ta gán cho ông với mục đích chạy theo thị hiếu của dư luận xã hội: "Thời đại chúng ta ngày nay, làm gì có vua chúa gì mà buôn? Nhưng với biệt danh này khiến tôi được tiếng mà xã hội mất thì nhiều, bởi nó rất dễ gây hoang mang cho nhiều người”, ông Thuyết nhận định.
Nhắc lại chuyện cũ, ông Thuyết mặc dù không đồng tình với tội danh và mức án mà tòa án đã tuyên, nhưng ông cũng không hề kháng án. Cách mà người đàn ông này chứng minh cho xã hội thấy rõ hơn bản chất con người mình chính là thời gian phấn đấu cải tạo trong trại giam: “Pháp luật nghiêm khắc với những người phạm tội, nhưng cũng dành cho người ta một con đường sống để có cơ hội làm lại từ đầu. Điều quan trọng, trong quá trình cải tạo tôi đã cố gắng hết sức, và được đền đáp xứng đáng”, ông Thuyết nói.
“Sống đúng lương tâm mình”
Sau thời gian cải tạo tốt, người đàn ông với biệt danh “buôn vua, bán chúa” một thời, đã được đặc xá sau 13 năm thụ án. Trở về với cuộc sống thường ngày tại căn nhà ở phố Hàng Chuối, ông Thuyết dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc gia đình, và tiếp tục với niềm đam mê kinh doanh Hi-End (dàn âm thanh cao cấp - PV) bấy lâu đã bị gián đoạn.
Cũng chính thời gian cải tạo trong trại giam giúp ông Thuyết nhận ra nhiều điều: “Tôi tin vào luật nhân quả. Kẻ gieo gió ắt sẽ gặp bão. Chính vì thế, trong thời gian cải tạo, tôi luôn sống thật bằng con người mình, bằng năng lực của bản thân. Xã hội rất công bằng, nếu người ta có ý chí phấn đấu, làm đúng trách nhiệm, nghĩa vụ và lương tâm mình”, ông Thuyết chia sẻ.
Thời gian đầu, sau khi được đặc xá trở về, cũng là lúc ông gặp không ít khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống thường nhật. Ông Thuyết tâm sự: “Cái tên Thuyết “buôn vua” vẫn còn nặng nề trong đối với tâm lý nhiều người. Không ít người nghĩ tôi sẽ “ngựa quen đường cũ” mà sai lầm một lần nữa. Nhưng đến bây giờ thì họ dần nhận ra tôi đang sống thế nào? Quan trọng là sống thật với bản thân mình".
"Cuộc sống đối với tôi bây giờ không quan trọng ai cao, ai thấp. Cuộc đời tôi va chạm đã nhiều, đã từng được coi là ông này, bà nọ, nhưng khi trở về, tôi nghĩ mọi thứ cũng chỉ là những điều hết sức bình thường trong xã hội. Với tôi, những năm tháng trong trại giam như thế là quá đủ”, ông Thuyết chia sẻ.
Phía bên kia của sườn dốc cuộc đời, người đàn ông từng “vang bóng một thời” dường như sống gấp gáp hơn để thực hiện những dự định còn dang dở: “Tôi vấp ngã ở đâu sẽ tự đứng lên chỗ đó để làm lại từ đầu. Tôi day dứt vì chưa làm được nhiều cho gia đình. Tôi nợ vợ, con cái món nợ tình cảm, bởi họ đã ở bên tôi trong lúc tôi gặp khó khăn nhất nhưng không một lời oán trách. Chỉ mong ông trời cho tôi thêm sức khỏe, giúp đỡ được gia đình. Như thế tôi đã mãn nguyện lắm rồi!”.
(Theo GDVN)