Bộ Công Thương vừa chính thức bác lại các ý kiến đưa ra từ một cuộc toạ đàm về dự án bô- xit Tây Nguyên tuần trước, với đánh giá rằng, nếu nói dự án lỗ khoảng 37,4 triệu USD là vội vã, thiếu cơ sở. Việc nói bù lỗ giá điện tới 3.000 tỷ/năm là phiến diện.

Lỗ 4-5 năm đầu là theo quy luật, theo kế hoạch

Cuối tuần trước, hôm 28/3, tại buổi toạ đàm về dự án khai thác bôxit Tây Nguyên do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) tổ chức ở Hà Nội, TS Nguyễn Thành Sơn đã đưa ra các đánh giá lo ngại về việc càng làm, càng lỗ của dự án này. Trong đó, TS Sơn đã nêu ra bài toán cho rằng, TKV đã "sập bẫy giá rẻ" khi chọn nhà thầu Trung Quốc. Với việc công suất thấp hơn dự kiến (nhà thầu cam kết công suất 630 USD/tấn thay vì 650 USD/tấn theo thiết kế), mức tiêu hao quặng lớn, nhà nước phải trợ giá điện..., TS Sơn kết luận, mỗi tấn alumin lỗ 56,7 USD, tương ứng lỗ khoảng 37,4 triệu USD năm 2015.

{keywords}

Hồi đáp lại các ý kiến trên vào chiều nay, 30/3, Bộ Công Thương khẳng định, 2 dự án alumin Tân Rai (Lâm Đồng) và alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) thuộc tổ hợp dự án bô-xit nhôm Tây Nguyên đều có hiệu quả về kinh tế, xã hội.

Theo tính toán, thời gian lỗ kế hoạch của dự án Tân Rai dự kiến là 4 năm, thời gian thu hồi vốn 11,5 năm.

Với dự án alumin Nhân Cơ, do điều kiện vận tải xuống cảng biển xa hơn, hạ tầng khó khăn hơn nên hiệu quả kinh tế thấp hơn so với dự án alumin Tân Rai. Thời gian lỗ kế hoạch của dự án này là 5 năm và thời gian thu hồi vốn 12 năm.

Thêm vào đó, giá bán alumina trên thế giới hiện đã bước vào chu kỳ tăng. Mức giá hiện nay trên đã vượt mức dự báo tăng giá alumin trong tính toán ban đầu nên đồng nghĩa, thời gian lỗ kế hoạch và thu hồi vốn dự kiến sẽ giảm.

Bộ Công Thương cũng cho biết, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã giám sát tổng thể dự án từ tháng 11/2013 đến tháng 4/2014. Trên cơ sở đó, Nghị quyết 775 của Quốc hội ban hành ngày 23/6/2014 đã đánh giá việc triển khai thí điểm 2 dự án là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội ở khu vực địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Theo tính toán, dự án Tân Rai lỗ kế hoạch 4 năm đầu, Nhân Cơ lỗ 5 năm đầu do phải trả nợ các khoản vay đến hạn… nên việc năm 2015 và một vài năm tiếp theo, các khoản lỗ mang tính chất lỗ kế hoạch theo dự kiến mang tính qui luật.

"Vì vậy, đánh giá “nếu sản xuất 660.000 tấn bôxít sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD” là vội vã, thiếu cơ sở", Bộ Công Thương nhấn mạnh.

{keywords}

Riêng về bài tính cụ thể của TS Sơn về các thiệt hại do nhà thầu đã giảm tới 20.000 tấn alumin công suất thiết kế, Bộ Công Thương lý giải, trong Hồ sơ mời thầu ban đầu có công suất thiết kế là 600.000 tấn/năm, nhà thầu đã dự thầu 600.000 tấn/năm. Sau đó, theo đề nghị của TKV, Nhà thầu có cam kết bổ sung. Nhà máy alumin công suất thiết kế là 650.000 tấn/năm, công suất vận hành ổn định là 630.000 tấn/năm, để dự phòng duy tu, bảo dưỡng, thay thế thiết bị, phụ tùng.

"Khi tính toán hiệu quả Dự án chỉ tính công suất vận hành của Nhà máy là 630.000 tấn/năm, chứ không tính công theo công suất thiết kế. Vì vậy, không thể có lỗ và thiệt hại phát sinh do giảm công suất thiết kế", bộ này khẳng định.

Ngoài ra, TKV cũng đã dự kiến, sản lượng năm 2015 dự kiến đạt 540.000 tấn, năm 2016 dự kiến đạt 650.000 tấn alumin, đạt công suất thiết kế.

Ngân sách vẫn lợi hàng triệu USD dù hỗ trợ mặt bằng, giá điện

Với bài toán cho rằng, người dân phải bù lỗ cho dự án nhôm kim loại, khi dự án điện phân nhôm này sẽ được mua với giá rẻ, chỉ 5 cent/kWh trong khi giá bình quân điện hiện nay là 7,5 cent/kWh, Bộ Công Thương cũng phản bác lại, cho rằng, đánh giá như vậy là phiếm diện.

Bộ này cho biết, dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân (do công ty Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư) trong tổ hợp dự án bô xit Tây Nguyên được mua điện ở cấp điện áp 220kV, không mua ở cấp điện áp sinh hoạt. Trạm biến áp 220kV do chủ đầu tư xây dựng, vì vậy, giá bán, giá thành điện bán cho dự án này không có chi phí trạm biến áp (gồm chi phí khấu hao cơ bản, chi phí sửa chữa lớn …).

Bộ nhấn mạnh tiếp: "Việc mua điện ở cấp điện áp 220kV có giá thấp hơn ở các cấp điện áp thấp hơn là đương nhiên do ở cấp điện áp thấp các đơn vị bán điện phải đầu tư thêm các thiết bị để hạ áp và lưới phân phối. Việc so sánh giá bán điện bình quân chủ yếu ở cấp điện áp thấp với việc mua giá điện ở cấp 220KV là khập khiễng và phiến diện".

Đến năm 2018, công suất dự án sẽ đạt công suất thiết kế là 300.000 tấn/năm. Dự kiến chi phí Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho dự án trong 10 năm giai đoạn 2016-2025 là 229 triệu USD, khoảng 4.800 tỷ. "Vì vậy việc cho rằng hằng năm nhà nước bù lỗ 3000 tỷ đồng/năm là thiếu cơ sở", bộ Công Thương cho biết.

Chưa kể, dự án điện phân nhôm này dự kiến nộp ngân sách giai đoạn 2016-2045 là 420 triệu USD, bình quân 14 triệu USD/năm. Nếu trừ đi chi phí Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho dự án giai đoạn 2016-2025 là 229 triệu thì dự án THQ còn dư nộp ngân sách là 190 triệu USD

Thêm vào đó, việc nhà nước hỗ trợ chuẩn bị mặt bằng tới 1200 tỷ (khoảng 54 triệu USD- theo Luật Đầu tư khi có dự án ở địa bàn khó khăn), dự án THQ trong 10 năm dự kiến sẽ vẫn còn dư nộp ngân sách là 136 triệu USD, sau khi số dư 190 triệu USD trên trừ đi số chi phí Nhà nước hỗ trợ mặt bằng là 54 triệu.

Phạm Huyền