Thử thách 10 phút đến người lớn cũng chịu thua

Về lý thuyết, nhiệt độ trong chiếc ô tô đỗ ngoài trời sẽ tăng cao bởi hiệu ứng nhà kính gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người và động vật. Cục Quản lý An toàn Giao thông Quốc lộ Mỹ (NHTSA) cho biết, nhiệt độ cơ thể trẻ em thường tăng nhanh từ 3-5 lần so với người lớn. Với nền nhiệt độ bên ngoài 32-33 độ thì nhiệt độ trong xe có thể tăng lên hơn 43 độ trong 10 phút. Nếu nhiệt độ ngoài trời là 40 độ thì nhiệt độ trong xe dễ dàng tăng vọt lên 50-60 độ. 

Để chứng minh việc bỏ quên trẻ em trong ô tô là cực kỳ nguy hiểm, dù chỉ trong thời gian ngắn, chương trình Kars4Kids đã đưa ra thử thách tặng 100 USD cho người lớn nào ngồi trong xe được 10 phút.

Xem video thử thách:

 

Một chiếc sedan đỗ ở trong khu bãi xe của siêu thị, không có mái che và những người làm chương trình đã mời những vị khách mà họ tình cờ gặp. Nhiệt độ ngoài trời khoảng 35 độ C, trời có nắng. 

Kết quả, không có vị khách nào chịu đựng được giới hạn của thử thách. Thái độ của họ đã thay đổi rất nhanh kể từ khi mới bước vào xe cho đến khi không chịu được phải bấm chuông xin bỏ cuộc.

Cũng ở một thử thách thương tự, kênh bảo vệ động vật Peta sử dụng chiếc Chevrolet SUV có kích thước lớn, và tham gia thử ngồi trong xe là một nam thanh niên khỏe mạnh. Kết quả, người này cũng chỉ chịu được hơn 8 phút và phải tự mở cửa bước ra với mồ hôi đầm đìa, hơi thở dốc.

Các chuyên gia sức khỏe đã chỉ ra rằng, sốc nhiệt là hiện tượng rất dễ xảy ra khi con người hoạt động dưới trời nắng hoặc ở trong xe đóng kín cửa. Xe để dưới trời nắng nóng, sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài xe càng cao, càng làm quá trình ngạt thở, sốc nhiệt diễn ra nhanh hơn.

Đặc biệt, trong môi trường đóng kín, người ở lâu trong ôtô sẽ bị thiếu oxy, làm tổn thương não bộ, thần kinh, cơ thể không có phản xạ dẫn đến các cơ co cứng, cử động khó khăn dẫn đến tử vong.

Dạy cho trẻ cách thoát khỏi xe đóng kín

Theo thống kê từ tổ chức KidsAndCars tại Mỹ, tính từ năm 1990 đến 2015, trẻ em từ 3 tuổi trở xuống chiếm tới 90% ca tử vong liên quan đến bỏ quên trong ô tô. Trong số này, 55% là trẻ từ 1-3 tuổi, dưới 1 tuổi chiếm 32% và trẻ lớn hơn 3 tuổi một chút là 13%.

Số liệu trên cho thấy, với trẻ quá nhỏ thì khả năng tự thoát khỏi ô tô đóng kín là rất khó do thể trạng cũng như hiểu biết giới hạn. Với trẻ lớn hơn, nhất là ở lứa tuổi tiểu học nguy cơ bị ngạt trong ô tô vẫn có, như trường hợp bé lớp 1 ở Hà Nội xảy ra ngày 6/8/2019 là ví dụ. Vì vậy, bên cạnh sự quan tâm chú ý của người lớn, cũng cần dạy cho trẻ hiểu một số cách thoát khỏi xe đóng kín.

{keywords}
Bỏ quên trẻ trong xe hơi hết sức nguy hiểm

Theo kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch, hầu hết ô tô đều mở cửa được từ bên trong, vì thế cha mẹ cần dạy con cách đóng và mở chốt khóa.

“Đối với các dòng xe có tính năng khóa trẻ em, khi kích hoạt sẽ không mở được từ hàng ghế sau. Vì vậy, cách tốt nhất là dạy trẻ chủ động leo lên vị trí ghế lái xe và mở khóa từ vị trí này”, anh Tạch nhấn mạnh. 

Ngoài cách tự thoát ra khỏi xe, trẻ em có thể gây ra tiếng động cũng như hình ảnh chú ý cho người bên ngoài bằng cách bấm còi xe hoặc đèn khẩn cấp (hình tam giác). Về cách này, kỹ sư Tạch giải thích: “Còi xe và đèn khẩn cấp thường đấu điện trực tiếp với ac-quy xe hơi nên kể cả có tắt khóa điện, người trong xe vẫn sử dụng được”.

Bên cạnh cách tuyên truyền cho trẻ như trên, người lớn cũng có thể chủ động cho trẻ em dùng một số trang bị liên lạc như điện thoại, đồng hồ định vị để dùng khi khẩn cấp. Với trẻ nhỏ hơn, trên thị trường hiện cũng có bán thiết bị cảnh báo đi lạc, sẽ tự động phát ra tín hiệu hoặc tin nhắn cho bố mẹ khi cả hai ở cách xa nhau, phù hợp cho gia đình sử dụng ô tô tự lái.

Đình Quý

Video: Inside Edition, Peta

Những vụ để quên con trong xe rúng động dư luận

Những vụ để quên con trong xe rúng động dư luận

Du luận đang bức xúc vụ cháu bé 6 tuổi bị bỏ quên trên xe và tử vong , trước đó trên thế giới có không ít vụ việc tương tự thậm chí do chính bố mẹ gây ra gây rúng động.