LTS: Khoản 3, điều 27 của dự Luật Giao thông đường bộ sửa đổi quy định: “Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”. Quy định này dường như khiến nhiều người dân cảm thấy khá lạ lẫm và băn khoăn. Báo VietNamNet mở diễn đàn thảo luận: "Quy định xe máy bật đèn 24/24h có phù hợp ở Việt Nam?" Trân trọng mời bạn đọc chia sẻ ý kiến, đóng góp bài viết góc nhìn về Ban Ô tô xe máy, email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn. Xin cảm ơn! |
Bật đèn xe máy 24/24h: Cần hiểu đúng
Nói tới đề xuất "bật đèn xe máy cả ngày 24/24h" theo Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổ, khá nhiều người dân đang hình dung rằng, ban ngày dù trời nắng hay mưa thì vẫn phải bật đèn sáng trưng.
Nếu như vậy, sẽ là lãng phí công suất, ảnh hưởng tuổi thọ đèn xe, làm gia tăng nền nhiệt độ, gây chói mắt người đi đường nếu đi xe giữa trời nắng với hàng ngàn phương tiện chiếu đèn vào nhau...
Đèn DRL màu hổ phách trên dòng xe Volvo đời cũ |
Lo ngại trên có thể dễ hiểu nếu như người đi xe máy đồng loạt bật đèn... pha! Trong đó, thực tế loại đèn xe máy mà Bộ Giao thông vận tải đề xuất chỉ có 2 loại đèn: “đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất”, hoặc nếu không có thì phải “bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước (đèn cốt) và một đèn đỏ phía sau".
Hệ thống chiếu sáng của xe máy, ô tô nói chung có nhiều loại đèn như đèn pha (đèn chiếu xa), cốt (đèn chiếu gần), đèn chiếu hậu, ngoài ra còn có đèn sương mù, đèn định vị, đèn nhận diện...
Mỗi một loại đèn có một công dụng khác nhau. Đèn pha xe máy (đèn chiếu xa) có công suất lớn nhất, luồng sáng mạnh, góc chiếu ngang mặt đường với dải chiếu xa, giúp người lái có tầm nhìn xa, thấy được các chướng ngại vật, biển báo. Chế độ đèn này gây chói mắt người đi xe chiều ngược lại, chỉ dùng khi lái xe trời tối, thời tiết xấu, hạn chế tầm nhìn...
Đèn cốt có công suất thấp hơn, góc chiếu thấp, giúp lái xe quan sát được mặt đường ở phạm vi gần. Chế độ này chiếu sáng yếu hơn nên không gây chói mắt người đi chiều ngược lại, thường dùng trong trường hợp lái xe ở khu đô thị đã có hệ thống đèn đường công cộng, khu dân cư.
Trong khi đó, đèn nhận diện hay cách gọi khác là đèn định vị, đèn chiếu sáng ban ngày (Daytime running lamp, viết tắt là DRL) có công suất yếu nhất, chỉ vài W. Mục đích chính của loại đèn này không phải là để chiếu sáng cho người lái, mà là tín hiệu, chỉ dấu cho người đồng hành tham gia giao thông nhận biết để tránh va chạm.
Trên thế giới, các nhà sản xuất ô tô xe máy đã thiết kế lắp đặt đèn nhận diện trên các dòng xe của mình từ thập niên 70 của thế kỷ trước.
Trong đó Phần Lan là nước đầu tiên áp dụng bắt buộc phương tiện giao thông phải bật đèn nhận diện vào năm 1972, lúc đó chỉ giới hạn ở các con đường nông thôn vào mùa đông. Sau này, rất nhiều nước áp dụng điều luật quy định phương tiện tham gia giao thông phải có loại đèn DRL, phù hợp Công ước quốc tế về giao thông mà Việt Nam tham gia.
Theo các chuyên gia kỹ thuật ô tô, do là loại đèn phụ trên xe được thiết kế với công suất thấp nên dù có chiếu sáng trong suốt cả ngày như đề xuất của Bộ Giao thông vận tải thì cũng không thể tỏa lớn nhiệt lượng xung quanh nóng như đèn pha, cốt hay đèn sương mù. Đèn này phát ra ánh sáng trắng, vàng, hoặc hổ phách để giúp các phương tiện khác dễ dàng nhận biết trong điều kiện ánh sáng ban ngày và chắc chắn, không có chuyện gây chói lóa mắt người đi đường.
Đèn nhận diện (đèn DRL) dạng viền LED trên xe đời mới ngày nay |
Đối với người dùng ô tô, đèn nhận diện không quá xa lạ bởi nó đã xuất hiện từ lâu ở các dòng xe đời cũ. Ngay cả những xe có tuổi đời trên 15 năm tại Việt Nam như Mazda Premacy hay Kia CD5 đều đã có loại đèn này, thiết kế cùng cụm với đèn pha/cos. Khi bật công tắc, cả đèn trước và sau cùng sáng. Hiện đại hơn, các mẫu ô tô mới gần đây tích hợp sẵn đèn nhận diện khi khởi động máy, hiển thị dưới dạng đèn LED viền phía trước, vừa mang tính thẩm mỹ lại có tác dụng nhận diện trên đường.
Tuy nhiên ở Việt Nam, với đa số người dân đều sở hữu và sử dụng xe máy thì có một nghịch lý rằng, khái niệm "đèn nhận diện" khá xa lạ. Ngoại trừ các xe máy nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản, châu Âu thì suốt một thời gian dài, rất ít xe máy sản xuất trong nước có trang bị đèn này.
Thời gian gần đây, đèn nhận diện dần xuất hiện trên xe máy sản xuất trong nước, nhưng chủ yếu ở dòng xe tay ga như Honda SH, Piaggio Liberty, Vespa Primavera, Yamaha Nozza… hay xe số côn tay như Yamaha Exciter, Honda Winner…
Tuy nhiên, ngay cả các chủ nhân sử dụng chúng hàng ngày cũng chưa chắc đã biết về sự tồn tại của đèn nhận diện trên xe mình.
Lợi nhiều hơn, nhưng cần thực nghiệm chứng minh
Với tính năng "nhận diện, định vị" là chính, các chuyên gia kỹ thuật ô tô cho rằng, việc bật đèn nhận diện 24/24h ở xe máy hoàn toàn phù hợp ở Việt Nam. Bản thân các hãng sản xuất xe đều đã tính toán kỹ khả năng tỏa nhiệt, độ sáng phù hợp trong các điều kiện nền nhiệt độ khác nhau để đảm bảo chiếu sáng ban ngày không ảnh hưởng môi trường.
Tuy nhiên, cũng như đông đảo ý kiến của nhiều người dân lo ngại, các chuyên gia về kỹ thuật ô tô cũng khá băn khoăn về đề xuất yêu cầu xe máy không có đèn nhận diện thì bật đèn cốt trong suốt cả ngày khi tham gia giao thông.
Anh Trần Khắc Huy, Giám đốc kỹ thuật Lamborghini và Bentley Việt Nam cho rằng: "Công suất bóng hiện nay ít nhất cũng 35W. Nếu dùng đèn cốt bật cả ngày thì lâu dần sẽ dẫn tới, tuổi thọ bóng đèn giảm, điện tiêu thụ dùng nhiều cũng khiến ắc-quy và bộ sạc bị ảnh hưởng. Lo ngại này của nhiều người dân là có cơ sở".
Chiếc Ford Everest "độ" thêm đèn DRL dạng LED |
Anh Nguyễn Hồng Vinh - chuyên gia đào tạo lái xe của Redline Team cũng nhìn nhận: “Trên xe máy đời cũ, đèn cốt không được thiết kế để đảm nhiệm vai trò nhận diện trên đường mà có mục đích là chiếu sáng gần. Vì thế, dùng nhiều đương nhiên sẽ tăng chi phí sử dụng".
Trước thông tin này, nhiều chủ xe nêu ý kiến có thể gắn thêm đèn nhận diện để thay cho đèn cốt. Tuy nhiên, điều này lại vi phạm Luật giao thông đường bộ, đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất.
Tuy nhiên, anh Vinh đánh giá: "Xe có đèn sáng cả ngày vẫn tốt hơn là không có. Khi bật đèn , người lái xe dễ được phát hiện và phương tiện khác sẽ có thêm thời gian xử lý. Thời điểm dễ va chạm nhất là nhập nhoạng tối trời, xe có màu sơn dễ hòa lẫn trong không gian xung quanh, nếu không có các định vị cảnh báo rõ như đèn nhận diện cũng sẽ rất nguy hiểm".
Đèn DRL trên xe Honda Dream nhập Thái Lan |
Chuyên gia Nguyễn Hồng Vinh cho rằng, nếu đưa vào Luật Giao thông đường bộ quy định bật đèn xe máy 24/24h, các bộ ngành cũng nên đưa ra tiêu chí, các nhà sản xuất phải trang bị sẵn đèn định vị trước khi bán ra thị trường.
Đồng thời, Ban soạn thảo Luật nên tính toán thực nghiệm việc bật đèn xe máy 24/24h trong điều kiện nhiệt độ nắng nóng như ở miền Bắc để có thêm cơ sở thực tiễn thuyết phục hơn cho đề xuất này.
Hiện nay, theo lý giải từ Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải, đề xuất bật đèn xe máy chiếu sáng suốt cả ngày mới chỉ nếu lý do "thực hiện theo Công ước quốc tế về biển báo và tín hiệu đường bộ năm 1968 (Công ước Viên 1968)" trong khi các yếu tố phù hợp với đặc thù môi trường khí hậu và giao thông Việt Nam lại chưa được đề cập rõ.
Đình Quý
Bạn nghĩ việc bật đèn ban ngày khi đi xe máy có cần thiết không? Trân trọng mời bạn đọc gửi tin bài, video cộng tác về Ban Ô tô xe máy, email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!
Tranh cãi gay gắt về quy định xe máy phải bật đèn 24/24h
Đề xuất xe máy phải bật đèn nhận diện 24/24h khi tham gia giao thông đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.