So với vô lăng trên ôtô thông thường, vô lăng F1 có thiết kế nhỏ hơn nhiều lần. Dù nhỏ hơn, vô lăng này lại được trang bị hàng loạt nút bấm cùng với màn hình hiển thị tốc độ, số đang gài... Thiết kế này có ưu điểm gì?

Vi sao vo lang xe dua F1 co thiet ke khac xe pho thong anh 1

Góc nhìn của tay đua F1 bên trong khoang lái. Ảnh: Mercedes-AMG Petronas.

Nhỏ để tiết kiệm không gian

Đầu tiên hãy nhìn vào kiểu dáng xe F1, đây là xe đua nên yếu tố khí động học là một trong những ưu tiên hàng đầu, thiết kế của xe cần phải hạn chế sức cản của không khí. Các tay đua phải lái xe trong tư thế gần như là nằm do khoang lái có kích thước rất nhỏ, chiều dài khoang lái khoảng 82 cm và rộng 52 cm.

Với kích thước nhỏ như vậy, gần như không còn khoảng trống để lắp nhiều thiết bị vào buồng lái. Vô lăng là nơi thích hợp nhất để lắp các nút điều chỉnh, đây cũng là vị trí cho phép các tay đua dễ dàng thao tác với các nút bấm này.

Đặt một chiếc vô lăng của ôtô phổ thông vào khoang lái F1 là chuyện không thể làm được. Vì thế các kỹ sư phải tạo ra một loại vô lăng có kích thước đủ nhỏ để đặt vừa vào khoang lái, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo sự linh hoạt và thoải mái khi sử dụng. Ngoài ra, loại vô lăng này có thể được tháo lắp nhanh chóng trong chưa đầy 5 giây.

Ở chiều ngược lại, ôtô phổ thông có không gian bên trong xe tối ưu về tiện nghi và thoải mái cho người sử dụng, vô lăng cũng vì thế có thể được thiết kế to hơn. Việc vô lăng to không chỉ là vấn đề kích thước, mà nó còn khiến người điều khiển xe dễ thao tác hơn.

Ôtô thông thường có thể lắp vô lăng xe đua?

Trang bị vô lăng có kiểu dáng F1 lên một chiếc xe phổ thông không phải là việc khó khăn với các nhà sản xuất, tuy nhiên thiết kế này không phù hợp cho việc chạy phố.

Để tiện cho việc điều khiển xe trên phố, vô lăng xe phổ thông thường được cấu tạo với số vòng đánh lái nhiều, phù hợp với việc thay đổi góc lái ít hơn và giúp xe ổn định, ít chao đảo hơn.

Vô lăng xe đua F1 có hình chữ nhật nên việc đánh lái nhiều vòng khi chạy trên phố sẽ gây khó khăn cho người lái.

Trên thực tế, số vòng quay vô lăng trên xe F1 tối đa chỉ khoảng 180 độ, và người lái giữ nguyên vị trí cầm vô lăng trong suốt thời gian sử dụng. Đối với vô lăng xe phổ thông, người lái sẽ có thao tác chuyển vị trí cầm vô lăng khi đánh lái nhiều vòng, ví dụ chạy đèo núi hay cho xe quay đầu.

Nếu tăng số vòng quay cho vô lăng xe đua khi gắn lên xe phổ thông, người lái cũng cần thao tác chuyển vị trí cầm vô lăng để đánh lái, điều này là không phù hợp với thiết kế hình chữ nhật của vô lăng F1.

Vi sao vo lang xe dua F1 co thiet ke khac xe pho thong anh 2

Mỗi tay đua thường sử dụng 3-4 vô lăng mỗi mùa giải. Ảnh: On The Road Trends.

Mỗi vô lăng được cấu tạo từ hàng trăm chi tiết với độ phức tạp cực kỳ cao. Không có con số cụ thể với giá tiền của mỗi vô lăng F1, điều này phụ thuộc vào ngân sách của từng đội đua, trung bình khoảng 90.000 USD. Có nhiều vật liệu để tạo ra vô lăng F1, trong có 5 vật liệu chính là carbon, sợi thủy tinh, silicon, titan và đồng.

Đội đua Mercedes-AMG Petronas cho biết mỗi tay đua thường sử dụng 3-4 vô lăng trong một mùa giải, mỗi vô lăng mất khoảng 80 giờ chế tạo. Không chỉ kỹ sư, các tay đua cũng là người tham gia nhiều vào quá trình nghiên cứu và phát triển vô lăng. Trong suốt mùa giải, tay đua có thể yêu cầu thay đổi thiết kế dựa trên nhu cầu và phong cách lái của bản thân.

Tóm lại, lắp một chiếc vô lăng giống trên xe F1 vào ôtô thương mại là việc có thể làm được. Tuy nhiên loại vô lăng này sẽ khiến cho trải nghiệm lái hàng ngày không còn được thoải mái và an toàn.

Theo Zing

Bạn đang sở hữu một chiếc xe độc hay bản độ siêu đẹp? Hãy chia sẻ bài viết cảm nhận, hình ảnh về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Lái ô tô bằng một tay có phải là sai kỹ thuật?

Lái ô tô bằng một tay có phải là sai kỹ thuật?

Tôi thấy lái xe ô tô bằng một tay thoải mái và an toàn hơn so với việc đặt cả hai tay lên vô văng. Thế nhưng nhiều người bạn của tôi lại nói lái xe như vậy là sai kỹ thuật.