- Ngay khi vừa chào đời, bé trai ở Sài Gòn được phát hiện mắc căn bệnh bướu máu toàn thân, tình trạng rất nguy kịch.

Ngày 31/1, bé trai nặng 2,5 kg chào đời tại một bệnh viện ở TP.HCM trong niềm vui của người thân.

Tuy nhiên, ngay sau sinh ít giờ, toàn thân bé trai xuất hiện các bướu máu từ mặt lan ra khắp toàn thân. Đặc biệt, ở đùi phải bé có bướu lớn màu đỏ đang lớn rất nhanh.

{keywords}
Bác sĩ khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi Đồng 1 kiểm tra sức khỏe của bé trai

Qua xét nghiệm, các bác sĩ nhận thấy tiểu cầu và các yếu tố làm đông máu trong cơ thể bé trai bị giảm gây nên hiện tượng chảy máu.

Trước tình trạng nguy kịch, bé trai nhanh chóng được chuyển khẩn cấp tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) vào lúc 20h30 ngày 1/2 (ngày mùng 5 Tết Nguyên Đán).

Ngay khi tiếp nhận, Khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi Đồng 1 đã làm các xét nghiệm cần thiết, và phát hiện bé trai bị bướu máu khổng lồ toàn thân. Đồng thời tìm nhóm máu phù hợp với bệnh nhi.

“Không những phải tìm nhóm máu phù hợp với nhóm máu của mẹ và bé trai mà máu đó phải là máu mới thì cơ thể của bệnh nhi mới tiếp nhận, còn máu lưu trữ thì không truyền được” – bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng Khoa Hồi sức sơ sinh nói và cho biết, việc tìm người truyền máu dịp Tết rất khó khăn.

Ngay trong đêm, các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 cùng BV Chợ Rẫy, Trung tâm truyền máu chạy khắp thành phố để tìm người có nhóm máu phù hợp cứu bé sơ sinh.

May mắn đã tới với bé trai khi có người đồng ý hiến máu. Tuy nhiên, sau khi được truyền tiểu cầu và huyết tương vào vẫn không cầm được tình trạng chảy máu cho bệnh nhi.

Lúc này, bệnh viện Nhi Đồng 1 hội tiến hành hội chẩn gồm các khoa liên quan như Khoa Hồi sức sơ sinh, khoa phỏng tạo hình bướu máu, khoa ngoại thần kinh, khoa xét nghiệm chẩn đoán, đơn vị can thiệp mạch máu, khoa sơ sinh và nhiều phương án được đưa ra.

Ban đầu các bác sĩ bịt các mạch đang đưa máu vào nuôi khối bướu, nhưng do các mạch máu nhiều, không thể xử lý hết.

Sau đó, phía bệnh viện quyết định phẫu thuật can thiệp. Sau ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ đã lấy trọn khối bướu máu khổng lồ.

"Ngay khi bướu được lấy ra, tình trạng chảy máu của bệnh nhi đã dừng lại, và không cần truyền thêm đơn vị máu nào" – BS Tâm chia sẻ.

Tuy nhiên, lúc sau nhận thấy bệnh nhi có xuất huyết não nặng, các bác sĩ dự đoán có thể có thêm bướu máu trên đầu nhưng may mắn thay, khi xét nghiệm lại thì đó là do việc rối loạn xuất huyết máu trước đó gây nên.

Tình trạng xuất huyết não sau đó cũng dần ổn định khi khối bướu được bóc tách ra ngoài.

Theo bác sĩ Tâm, khối bướu máu của bệnh nhi là bẩm sinh, nhưng không phải do di truyền. Nó hình thành trong quá trình thai nhi lớn lên.

Mỗi năm, BV Nhi Đồng 1 xử lý khoảng 30 ca về loại bệnh này. Bệnh nhi 2 ngày tuổi này là trường hợp nhỏ tuổi nhất.

Vị Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh nhận định, bướu máu có khả năng tái phát và tình trạng chảy máu sẽ lặp lại.

Hiện bệnh nhi vẫn đang được thở máy, khi sức khỏe của bé ổn định, các bác sĩ sẽ tiếp tục hội chẩn để xử lý hậu quả do tình trạng chảy máu gây ra.

Văn Đức