Trong bức thư gửi mẹ nhân Ngày Phụ nữ, anh Vương - một bệnh nhân tan máu bẩm sinh thể nặng viết:

“Hình hài con khi còn là cát bụi, lớn lên dần qua tim mẹ bao dung.

Khi con viết lên những dòng chữ này là lúc con đang nhớ về mẹ rất nhiều. Ở nơi đây con chỉ có 1 mình, cái thời tiết lành lạnh của Hà Nội khiến con cảm thấy nhớ mẹ nhiều hơn và bao nhiêu kỉ niệm ngày bé ùa về trong con, làm con muốn về ngay với mẹ. Thế nhưng, chưa bao giờ đứng trước mặt mẹ mà con dám bày tỏ tình cảm của mình, cũng chưa bao giờ mẹ nhận được từ con 1 lời chúc hay 1 bông hoa vào những ngày của mẹ. Mẹ có buồn về con nhiều lắm không ạ?

Mấy hôm nay con thấy mình khó chịu trong người. Con biết căn bệnh tan máu bẩm sinh của con mỗi ngày một nặng, sức khỏe mỗi ngày một yếu đi. Con đã không thể đếm nổi số bịch máu đã được truyền. Mẹ ơi... nếu lỡ may con mất trước mẹ, làm sao mẹ chịu được đây? Con chưa làm được gì được cho mẹ, cho gia đình, cho những người con thương.

Nhưng có ai biết được, người ra đi cũng đau khi biết mình sẽ phải từ bỏ tất cả những gương mặt thân thương mà biết rằng mình không bao giờ được gặp nữa, đau vì biết rằng mình sẽ làm họ đau theo. Có nỗi đau nào hơn là nỗi đau chia xa, xa người thân của mình vĩnh viễn?

Nếu chẳng may con ra đi trước, căn nhà sẽ trống trải hơn. Con sẽ không thể chở mẹ đi chợ mỗi ngày, không thể xoa tay chân cho mẹ mỗi khi mẹ ốm, nhưng con vẫn bên cạnh mẹ hàng ngày, chỉ có điều con không nói được, không chạm được vào mẹ mỗi ngày.

Mẹ hay nói với con rằng cái chết chẳng có gì đáng sợ cả, cuộc sống này mới khó khăn. Chúng ta phải sống thế nào cho tốt vì khi chết đi, con người cũng trở về cát bụi mà thôi, còn duyên còn nợ thì còn sống, hết duyên hết nợ thì ra đi. Cho dù đã hết duyên hết nợ với cuộc đời, nhưng con vẫn còn nợ mẹ, nợ những người thân yêu bao điều chưa làm và chưa nói hết…”

{keywords}
Chân dung anh Hà Văn Vương - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Anh Hà Văn Vương (sinh năm 1987, Điền Trung, Bá Thước, Thanh Hóa) biết mình bị tan máu bẩm sinh thể nặng năm 20 tuổi, sau một trận sốt cao không dứt. Trước đó, từ nhỏ, Vương đã còi cọc, xanh xao nhưng không phát hiện ra bệnh.

Từ ngày ấy, hàng tháng, anh Vương phải khăn gói lên Viện Huyết học - Truyền máu trung ương để truyền máu, mỗi đợt kéo dài cả nửa tháng. Tới năm 2017, Vương chuyển hẳn lên Hà Nội ở trọ để vừa kiếm sống, vừa tiết kiệm chi phí đi lại và chữa bệnh.

Những ngày không phải lên viện, anh Vương lại đi chạy xe ôm để có tiền trang trải. Tan làm, ngồi một mình giữa căn phòng trọ, Vương thao thức nhớ về gia đình, về mẹ.

“Mình và em gái cùng bị tan máu bẩm sinh, mẹ bởi thế đã vất vả vì chúng mình rất nhiều. Mẹ là người lo lắng, hy sinh cho mình nhiều nhất”, anh Vương xúc động nói.

“Mình viết bức thư với tất thảy những cảm xúc khi nghĩ về mẹ. Bệnh của mình như ngọn đèn trước gió, hôm nay là vậy nhưng đâu thể biết ngày mai như thế nào. Mình luôn coi sinh tử là chuyện bình thường, nhưng nếu mình có chuyện gì, thì chỉ thương mẹ….”, anh Vương nói tiếp.

{keywords}
Anh Vương (ngoài cùng bên trái) cùng các bệnh nhân tan máu bẩm sinh khác chạy xe ôm trước cổng bệnh viện để kiếm sống - Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Như bao người con trai khác, anh Vương chưa từng một lần có can đảm đứng trước mặt mẹ để bày tỏ tình cảm. Luôn thật mạnh mẽ để mẹ vui, nhưng chàng trai 32 tuổi cũng không ít lần rơi nước mắt khi nghĩ về mẹ.

“Nhiều năm sống cùng căn bệnh này, mình đã chứng kiến rất nhiều người cùng điều trị với mình ra đi. Nhưng mình không vì thế mà nghĩ tiêu cực. Mình luôn nghĩ, phải cố gắng, vì mẹ, vì những người thân yêu của mình”, anh Vương bảo.

Con trai bình an và luôn nỗ lực chiến đấu với bệnh tật, có lẽ, đó là món quà quý giá nhất mà người mẹ của anh nhận được, trong ngày đặc biệt này.

Nguyễn Liên

Người mẹ 23 năm đồng hành cùng con gái mắc tan máu bẩm sinh: Tình yêu có thể làm nên điều kỳ diệu

Người mẹ 23 năm đồng hành cùng con gái mắc tan máu bẩm sinh: Tình yêu có thể làm nên điều kỳ diệu

 - 23 năm bị bệnh hiểm nghèo, Quỳnh Anh đã rất nhiều lần bị bệnh viện trả về do không còn hi vọng sống nhưng cô gái trẻ đã vượt qua số phận, tiếp tục sống một cuộc đời có ích.