- Ở thung lũng Đú Sáng thuộc đất Mường Động xa xưa (huyện Kim Bôi, Hòa Bình) có một bà lang nổi tiếng mát tay, chuyên chữa trị bệnh phong, da liễu, khối u vú tên là Bùi Thị Khuyên. 

Bốc thuốc là nghề gia truyền, nên khi khuất núi, toàn bộ bí quyết của nghề này được cụ truyền lại cho người con gái là Bùi Thị Trỉ (sinh năm 1950), hiện đang sinh sống tại thôn Sáng Trong, xã Đú Sáng). 

Bài thuốc từ hơn 100 loại lá

Bà Bùi Thị Trỉ có dáng người gầy nhỏ, khuôn mặt khắc khổ nhưng đôi mắt hiền lành và tác phong rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Bà đang ngồi chờ người nhà bệnh nhân hẹn đến trước khi tự mình lên núi lấy thêm ít cây thuốc phải dùng khi lá còn tươi, nên chúng tôi có dịp trò chuyện lâu hơn với bà. 

{keywords}
Bà lang Bùi Thị Trỉ chuẩn bị lên núi lấy cây thuốc.

Bà bảo: “Tôi theo học nghề thuốc mới hơn 30 năm trước từ mẹ. Khi bà còn khỏe mạnh vẫn lên núi lấy thuốc được thì tôi chỉ phụ giúp. Gần 15 năm nay, khi bà yếu hẳn và mất thì tôi mới trực tiếp làm nghề này”.

Bài thuốc gia truyền làm nên danh tiếng cho gia đình bà Trỉ chính là bài thuốc trị bệnh sâu quảng, xên xương, vẩy nến… Những bệnh phổ biến khác như trị khối u vú, da liễu, gan, dạ dày, đại tràng thì bà cũng có những bài thuốc khá công hiệu.

Người không may mắc bệnh sâu quảng thường rất khốn khổ về thể xác lẫn tinh thần, vì không phải thầy lang nào cũng nhận để chữa trị dứt điểm. Bởi bệnh nhân nặng thường bị “sâu” ăn hết các da thịt, đốt ngón chân, vào tận xương tủy, bốc mùi hôi thối khó chịu. 

Nhiều người còn nhầm bệnh sâu quảng với bệnh hủi (phong, cùi) vì bệnh nhân có những biểu hiện gần giống như bị lở loét, cụt chân, nên càng xa lánh, kỳ thị. Họ thường giấu bệnh và chỉ đến các các cở y tế khi bệnh đã nặng, nên càng khó điều trị.

Nhưng bà lang Trỉ thì không e ngại các chuyện đó, mà còn sốt sắng hơn với các bệnh nhân. Bà tin rằng, sự quan tâm săn sóc, vỗ về thân ái cũng giúp ích rất nhiều cho tâm lý người bệnh, giúp những thang thuốc thêm công hiệu.

Với những người tìm đến xin thuốc của bà lang Bùi Thị Trỉ thường được bà lên rừng hái lá về cho để uống, rửa và đắp vào vết thương. Nhưng đắp thuốc là biện pháp quan trọng nhất, đòi hỏi các vị thuốc được chế biến công phu hơn.

Bà Trỉ thường không hay trữ loại thuốc này trong nhà, nên khi có bệnh nhân tìm đến thì bà mới lên rừng để hái, rồi đem về chặt thái, đun nấu, chế thành nắm thuốc dạng cao để đắp vào vết thương.

{keywords}
Vườn dược liệu do bà Trỉ cùng các lang ly xã Đú Sáng gây dựng.

“Tôi phải mất mấy năm mới nhớ hết tên các loại lá cây rừng dùng cho bài thuốc này, dù khi truyền dạy mẹ tôi rất chỉ bảo rất cẩn thận. Bởi nó không phải chỉ vài chục lá, mà có đến cả trăm loại lá cây được sử dụng.

Khi đã đắp vào vết thương, chắc chắn bệnh sẽ không phát tác nữa mà dần dần sẽ khỏi hẳn. Người phát hiện sớm thì chỉ khoảng 10 ngày chữa trị sẽ dứt điểm. Người đã được bệnh viện đề nghị cắt chân, tháo khớp hay đã bị cụt mất ngón tay ngón chân thì cũng chỉ tầm một tháng sẽ lành thôi” – bà Trỉ cho biết.  

Trả ơn bằng một bát gạo

Nhờ những bài thuốc gia truyền, bà lang Trỉ đã chữa khỏi bệnh cho rất nhiều bệnh nhân trong vùng, nhưng gia cảnh của bà rất thanh đạm, nếu không nói là còn rất khó khăn. Nguyên nhân được người con dâu của bà là Bạch Thị Lương, giấu mẹ tiết lộ:

“Vất vả leo đèo lội suối tìm cây thuốc nhưng bà thường ít khi lấy công của người bệnh, hoặc có lấy thì cũng rất ít. Có người bệnh nặng chữa mãi mới khỏi, nhưng gia cảnh nghèo quá, chỉ đem đến trả công bà một bát gạo, bà cũng vui lòng. 

{keywords}
Một cây thuốc quý trong vườn dược liệu của các lang y Đú Sáng.

Bà cũng có bán thuốc, nhưng chỉ vài chục ngàn một thang. Có ai khuyên bà không lấy công thì cũng nên tính toán tiền thuốc, thì bà thủng thẳng: Mang bệnh trong người đã khốn khổ rồi, không làm ăn được thì lấy tiền đâu mà mua thuốc?”.

Gìn giữ bài thuốc của người Mường

Cách đây mấy năm, bà Trỉ cùng với một lang y khác là bà Bùi Thị Chiên đề xuất xin xã cho thành lập Tổ thuốc nam của người cao tuổi, nòng cốt là các lang y trong vùng. Hai bà còn hăng hái gây dựng vườn thuốc nam trên một quả đồi trong thôn Sáng Ngoài, với hàng trăm cây dược liệu quý.

Tổ thuốc nam của xã Đú Sáng hiện có 10 lang y tham gia, bà Bùi Thị Chiên do tuổi cao sức yếu đã nhường lại chức Tổ trưởng cho bà Bùi Thị Khoái, cũng là một người tâm huyết với nghề bốc thuốc gia truyền.     

Ông Bạch Đằng Giang, trưởng thôn Sáng Ngoài cho biết: “Vườn cây thuốc của các lang y xã Đú Sáng đã giúp chăm sóc sức khỏe và cứu chữa cho rất nhiều bệnh nhân trong địa phương, giảm thiểu số người phải đến bệnh viện cấp cứu.

Các lang y ở đây mỗi người một sở trường, tuy không kiểm chứng được về năng lực của mỗi cụ, nhưng tôi thấy nhiều việc các cụ dung phương pháp gia truyền chữa bệnh rất hiệu quả, lạ kỳ mà không hề tốn kém.

Như bà lang Bùi Thị Trỉ thì tôi biết tiếng đã lâu, thấy rõ tay nghề của bà khá cao và rất thiện tâm với người bệnh. Bên cạnh đó, bà lang Trỉ cũng rất tâm huyết và có công đầu trong việc phát triển vườn cây dược liệu để cứu chữa người tại chỗ, lưu giữ các bài thuốc gia truyền của người Mường”. 

Lê Quân