Myamnar chứng kiến diễn biến trên sau những ngày căng thẳng giữa chính quyền dân sự và quân đội leo thang. Đài truyền hình quân sự của Myanmar sớm 1/2 đưa tin, quân đội nước này sẽ nắm quyền kiểm soát đất nước trong một năm.

{keywords}
Quân đội Myanmar sẽ nắm quyền điều hành đất nước trong một năm. Ảnh: Reuters

Bà Aung San Suu Kyi đã dẫn dắt đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) tới chiến thắng bầu cử vang dội ngày 8/11/2020, khi giành được 346 trong tổng số 412 ghế ở quốc hội. Đây là cuộc tổng tuyển cử lần 2 kể từ khi quân đội ngừng nắm quyền ở Myanmar năm 2011. Phía quân đội tuyên bố cuộc bầu cử có vấn đề, là vi hiến vì tước bỏ quyền bỏ phiếu của hàng triệu người thuộc nhóm dân tộc thiểu số.

Theo Hiến pháp Myanmar, 25% số ghế trong quốc hội và quyền kiểm soát ba bộ chủ chốt trong chính quyền của bà Suu Kyi được dành cho quân đội.

Mỹ và một số quốc gia phương Tây, hôm 29/1, ra tuyên bố chung cảnh báo chống lại "bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả bầu cử hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar". Ngày 31/1, quân đội Myanmar đáp trả bằng cáo buộc các nhà ngoại giao nước ngoài đã đưa ra "những giả thuyết không có cơ sở".

Chính trị gia nổi tiếng 

Cho tới giờ, bà San Suu Kyi, 75 tuổi, là chính trị gia nổi tiếng nhất của Myanmar. Bà trở thành lãnh đạo nước này sau khi lãnh đạo cuộc đấu tranh phi bạo lực kéo dài nhiều thập niên nhằm chống lại sự cầm quyền của quân đội.

Khi đảng NLD của bà thắng cử năm 2015, dư luận bừng lên hy vọng về một sự thay đổi lớn ở nước này. Bà Suu Kyi sau đó trở thành "lãnh đạo thực quyền" của Myanmar trên cương vị cố vấn Nhà nước. Đây là chức danh nhằm né tránh hiến pháp Myanmar, trong đó quy định người có con hoặc vợ/chồng là công dân nước ngoài không được lên làm tổng thống. Chồng quá cố và con trai bà Suu Kyi đều mang quốc tịch Anh.

Từng được ca ngợi như ngọn hải đăng về đấu tranh cho tự do, bà Aung San Suu Kyi được trao giải Nobel Hoà bình năm 1991 khi đang bị quản thúc tại gia. Trong những năm sau khi bà được trả tự do năm 2010, các hoàng tử, tổng thống và thủ tướng trên thế giới đã chào đón nữ chính trị gia Myanmar với vòng tay rộng mở.

Tuy nhiên, những năm gần đây, uy tín và danh tiếng quốc tế của bà đã bị ảnh hưởng nặng nề do những cáo buộc xung đột sắc tộc với cộng đồng người Rohingya theo đạo Hồi ở Myanmar. Phía Myanmar phủ nhận cáo buộc và tuyên bố từ lâu chỉ nhắm vào những kẻ khủng bố.  

Cuộc đời 'lên thác xuống ghềnh'

{keywords}

Aung San Suu Kyi có cha là tướng Aung San, người đã thành lập quân đội Myanmar và đàm phán để Myanmar được độc lập khỏi Anh năm 1947. Ông bị ám sát vào tháng 7/1947, chỉ 6 tháng trước độc lập.

Suu Kyi theo học tại trường Đại học Oxford (Anh) và gặp người chồng Michael Aris tại đây. Chồng bà là một chuyên gia hàn lâm nghiên cứu về Tây Tạng. Hai người có 2 con trai.

Năm 1988, bà về Yangon để chăm sóc người mẹ bị bệnh nặng, khi đó Myanmar đang trong cơn biến động chính trị lớn. Hàng nghìn sinh viên, nhân viên văn phòng và nhà sư đã xuống đường đòi cải cách dân chủ.

Bà đã tham gia dẫn đầu phong trào chống lại lãnh đạo Myanmar. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình bị giải tán bởi quân đội - những người nắm quyền lực sau cuộc đảo chính ngày 18/9/1988. Bà bắt đầu bị quản thúc tại nhà.

Ngày 24/9 cùng năm, Suu Kyi đồng sáng lập NLD. Tháng 5/1990, chính quyền quân sự tổ chức cuộc bầu cử quốc gia, NLD giành chiến thắng, nhưng chính quyền từ chối bàn giao quyền kiểm soát.

Từ năm 1989 đến 2010 là giai đoạn bà Suu Kyi bị quản thúc. Tháng 7/1995, bà được thả nhưng một lần nữa bị quản thúc vào tháng 9/2000, khi cố gắng đến thành phố Mandalay bất chấp lệnh hạn chế đi lại. Tháng 5/2002, nữ chính trị gia được thả vô điều kiện nhưng chỉ hơn 1 năm sau bà lại phải ngồi tù, tiếp theo một cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ bà và một đám đông do chính phủ hậu thuẫn.

Trong giai đoạn 15 năm bị quản thúc, bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình và các con trai đã thay mặt bà nhận giải thưởng.

Biến động lớn trong đời là khi chồng bà mắc bệnh ung thư năm 1997 cho đến lúc qua đời vào 1999, nhưng chính quyền quân sự Myanmar đã không để cho bà đi thăm chồng. Họ ra tối hậu thư rằng nếu bà rời Myanmar, họ sẽ không cho bà trở lại.

Giai đoạn bị quản thúc cuối cùng kết thúc vào tháng 11/2010 và con trai Kim Aris được phép đến thăm bà lần đầu tiên trong một thập niên. Cho đến đầu 2011, các tướng lĩnh quân sự mới quyết định thả tự do cho bà Suu Kyi, cởi bỏ quân phục và làm mới bản thân với một chính quyền dân sự.

Năm 2012, bà Suu Kyi thực hiện một quyết định quan trọng - ứng cử vào quốc hội. Đảng NLD thắng 43 trong số 45 ghế được tranh cử và bà trở thành lãnh đạo của phe đối lập. Dù đảng của bà được nhiều ủng hộ, nhưng vẫn có những người chỉ trích cho rằng, bà đã thất bại trong việc thiết lập quan hệ làm việc tốt với Tổng thống Thein Sein, hoặc thuyết phục quân đội thay đổi các điều trong hiến pháp.

Năm 2014, bà xếp thứ 61 trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất, theo Forbes.

Chính phủ mới của Myanmar của bà Suu Kyi ban đầu được phương Tây ca ngợi là "biểu tượng dân chủ" và sẽ tạo ra nhiều cải cách, nhưng những lời ca ngợi này sớm qua đi. Bà không còn là "nhà hoạt động đối lập", mà đã trở thành lãnh đạo và bị phương Tây chỉ trích vì những việc mà họ cho là "sự đàn áp sắc tộc Hồi giáo thiểu số ở tây bắc Myanmar". Truyền thông phương Tây thậm chí cho rằng, giải Nobel Hòa bình được trao cho Suu Kyi là một "nỗi hổ thẹn". 

Đáp lại, bà Suu Kyi chỉ trích truyền thông phương tây đã thêu dệt nhiều thông tin sai lệch về tình hình Myanmar, đồng thời bà đã dần xa lánh các nước phương Tây. Tháng 10/2018, cả Thượng viện và Hạ viện Canada còn bỏ phiếu nhất trí tước quyền công dân danh dự của bà Aung San Suu Kyi. Ngày 11/11/2018, Tổ chức Ân xá quốc tế thông báo họ sẽ thu hồi giải thưởng "Đại sứ Lương tâm" của bà.

Theo giới phân tích, quá trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar dường như bị đình trệ. Quốc gia này hiện cũng đang đối mặt với một trong những đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất khu vực Đông Nam Á.  

Chính biến ở Myanmar

Thanh Hảo

Quân đội tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Myanmar trong một năm

Quân đội tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Myanmar trong một năm

Đài truyền hình quân sự của Myanmar đưa tin, quân đội nước này sẽ nắm quyền kiểm soát đất nước trong một năm.

Bà Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức Myanmar bị bắt

Bà Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức Myanmar bị bắt

Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao khác thuộc đảng cầm quyền Liên minh quốc gia vì dân chủ vừa bị bắt giữ sáng sớm nay 1/2.