Cách đây đúng 22 năm, 14 thành viên thuộc một tổ chức nổi dậy cánh tả ở Peru đã đột nhập vào tư dinh của Đại sứ Nhật ở thủ đô Lima và bắt giữ tới 490 quan khách đang dự tiệc làm con tin. Sự cố gây chấn động cả thế giới và đòi hỏi một chiến dịch giải cứu công phu, kéo dài tới gần 4 tháng sau đó.

Bị Mỹ "cấm cửa" vĩnh viễn vì khai nhầm là khủng bố

Hình ảnh "độc" về đặc nhiệm tình báo đối ngoại Nga

Ngày 17/12/1996, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 63 của Nhật hoàng Akihito, Đại sứ Nhật Morihisa Aoki đã tổ chức dạ tiệc chúc mừng tại tư dinh của ông ở thủ đô Peru. Khoảng 490 quan khách đã được mời tới dự tiệc, bao gồm các quan chức cấp cao trong Chính phủ Peru, đại diện sứ quán các nước cũng như nhiều doanh nhân và lãnh đạo các tổ chức quốc tế có văn phòng tại Lima.

Vào 20h20 tối ngày 17/12, khi các vị khách đang say sưa trò chuyện, nhấm nháp món rượu sake hâm nóng cùng các món ăn đặc trưng của đất nước mặt trời mọc, một nhóm vũ trang gồm 14 kẻ bịt mặt, mang theo súng tiểu liên đột ngột xông vào. Chúng tự xưng là các thành viên thuộc Phong trào cách mạng Tupac Amaru (MRTA, một tổ chức nổi dậy vũ trang Peru được thành lập từ năm 1984), rồi bắt giữ tất cả những người đang dự tiệc làm con tin nhằm gây sức ép buộc Chính phủ Peru phải đáp ứng các yêu sách của mình.

Kết quả điều tra sau này của cảnh sát Peru hé lộ, nhóm khủng bố đã cải trang thành bồi bàn và nhân viên phục vụ sự kiện để qua mắt lực lượng an ninh dày đặc, lên tới gần 200 người đang bảo vệ khu liên hợp đại sứ quán và nhà ở của Đại sứ Nhật tại thủ đô Lima. Sau khi lọt vào bên trong, các tay súng MRTA đã dùng súng tiểu liên uy hiếp các quan khách đang dự tiệc, bắt họ phải nằm úp sấp mặt xuống sàn.

{keywords}
Nesto Cerpa Cartolini, thủ lĩnh nhóm bắt cóc MRTA nêu ra yêu sách với Chính phủ Peru. Ảnh: History.com

Nesto Cerpa Cartolini, thủ lĩnh của nhóm bắt cóc sau đó ra lệnh cho tất cả những ai là quan chức Chính phủ Peru, quan chức ngoại quốc cũng như những người mang quốc tịch Nhật đứng dậy.

Theo lời kể của Đại sứ Aoki, tổng cộng đã có 114 người buộc phải làm theo yêu cầu của bọn khủng bố, kể cả bản thân ông, em trai Tổng thống Peru Alberto Fujimori, Ngoại trưởng Peru Francisco Tudela, Thẩm phán Tòa án tối cao Peru Carlos Giusti Acuna và chính trị gia Alejandro Toledo, người sau này sẽ trở thành Tổng thống Peru trong giai đoạn 2001 - 2006.

Tất cả họ bị lùa lên tầng hai của tòa nhà và chịu sự canh giữ của 6 tên khủng bố cầm súng AK, mặc áo có gài sẵn bom quanh người.

{keywords}
Các tay súng khủng bố bên trong tòa sứ quán Nhật ở Lima. Ảnh: BBC

Lợi dụng lúc hỗn loạn, một doanh nhân Nhật đã gọi điện thoại di động cầu cứu một đồng nghiệp đang lưu trú tại khách sạn Fiesta. Người này lập tức trình báo sự cố đến cảnh sát Peru. Nhà chức trách địa phương đã điều động đám đông cảnh sát cùng nhiều xe tăng, xe bọc thép tới bao vây khu sứ quán Nhật.

Do thiếu người canh giữ con tin, nhóm bắt cóc đã đồng ý thả 170 phụ nữ và khách nam lớn tuổi. Song, chúng đe dọa sẽ xử tử 320 con tin còn lại, nếu Chính phủ Peru không đáp ứng các yêu sách, bao gồm cả việc trả tự do cho 400 thành viên MRTA đang bị giam giữ tại các nhà tù trên khắp đất nước.

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi tin MRTA đột kích vào Đại sứ quán Nhật ở Peru được các hãng thông tấn trên thế giới đồng loạt đăng tải, chính phủ các nước đã lập nhiều đường dây nóng nối giữa Tokyo, Washington, Paris, London, Tegucigalpa, La Paz, Montevideo... với Lima để cập nhật diễn biến khủng hoảng và sự an toàn tính mạng của các công dân nước họ.

Đặc biệt, Nhật đã cử đặc phái viên đến Peru phối hợp với nhà chức trách địa phương nhằm giải quyết vụ việc. Tokyo thậm chí tính đến cả việc gửi lực lượng sang Lima hỗ trợ chiến dịch giải cứu con tin, trong bối cảnh xuất hiện nhiều tin đồn Chính phủ Peru đã phải cầu viện cả Nhật và Mỹ.

Tuy nhiên, trong một bài phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia ngày 22/12, Tổng thống Peru Fujimori khẳng định nước này không cần sự giúp đỡ của các cố vấn an ninh lẫn lực lượng đặc nhiệm nước ngoài". Ông Fujimori cũng thẳng thừng bác bỏ các yêu sách của MRTA, đồng thời tuyên bố Lima "không loại trừ một cuộc giải cứu bằng vũ lực nhưng vẫn mở rộng cửa cho một giải pháp hòa bình".

Cả thế giới nín thở cầu nguyện cho những người bị bắt cóc. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng ra tuyên bố lên án hành vi bắt giam con tin và đề nghị MRTA phải trả tự do cho tất cả.

Đáp lại, kẻ cầm đầu cuộc đột kích là Nestor Cerpa Cartolini thông báo, những con tin không làm việc cũng như không liên quan đến Chính phủ Peru sẽ được phóng thích. Sau đó, nhóm của Cartolini chỉ giam giữ 72 con tin, vốn đều là những quan chức, nhà ngoại giao cấp cao của Peru và các quốc gia trên thế giới, để mặc cả với chính quyền ông Fujimori.

Sau thời gian dài đàm phán giằng co và lâm vào bế tắc, dù có cả sự tham gia hòa giải của cả Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Tổng thống Peru quyết định dùng vũ lực để chấm dứt cuộc khủng hoảng.

{keywords}
Lính đặc nhiệm Peru từ trên nóc một tòa nhà gần đó đang theo dõi diễn biến bên trong tòa sứ quán Nhật. Ảnh: AP

Ngày 1/3/1997, hơn 2 tháng sau khi bắt đầu sự cố, Peru thành lập một nhóm đặc nhiệm giải cứu con tin gồm 140 lính biệt kích. Nhà chức trách thậm chí đã cho xây dựng cả mô hình đại sứ quán Nhật với kích thước y như thật ở miền nam đất nước để nhóm đặc nhiệm bí mật thực tập tác chiến, giải thoát các con tin. 

Đầu tháng 4/1997, Chính phủ Peru ra lệnh sửa chữa lại 2 đường hầm đã có sẵn ở khu sứ quán Nhật, đồng thời đào thêm 2 đường hầm nữa dẫn vào tổ hợp này. Tất cả đều do các công binh đào đắp bằng tay, không sử dụng máy móc để tránh làm kinh động nhóm khủng bố.

Nửa tháng trước khi diễn ra cuộc giải cứu, một đội biệt kích Delta của Mỹ bay từ căn cứ ở Panama đến Lima, cài cắm thiết bị quan sát đêm trên sân thượng một tòa nhà nằm cạnh Đại sứ quán Nhật nhằm cung cấp thêm dữ liệu cho nhóm đặc nhiệm Peru. Ngoài ra, đơn vị chống khủng bố SAS của Anh, lực lượng ứng phó tình huống khẩn cấp của Cục Phòng vệ Nhật và đặc nhiệm Mossad của Israel cũng tham gia hỗ trợ.

{keywords}
Đặc nhiệm Peru đột kích khu nhà ở của Đại sứ Nhật. Ảnh: AP

Lúc 15h23 ngày 22/4/1997, chiến dịch giải cứu có tên Chavin de Huantar bắt đầu.

{keywords}
Ảnh: NYT

Sau khi bí mật cảnh báo các con tin 10 phút trước cuộc tấn công, nhóm đặc nhiệm Peru đã xông lên từ các đường hầm và cho kích hoạt 3 khối thuốc nổ tại 3 căn phòng khác nhau ở khu sứ quán, giết chết 3 tên tay súng MRTA ngay tại chỗ. Các lính biệt kích sau đó túa đi các hướng khác nhau, lần lượt tiêu diệt những tên khủng bố còn lại.

{keywords}
Các con tin lúc được giải thoát

Chiến dịch Chavin de Huantar kết thúc chóng vánh chỉ sau 22 phút. Cả 14 tay súng MRTA bị tiêu diệt. Một con tin là Thẩm phán Tòa án tối cao Peru Carlos Giusti Acuna bị thiệt mạng trong vụ đột kích và 25 con tin khác bị thương nhẹ do những mảnh vỡ bắn vào. Hai lính đặc nhiệm bị thương trong chiến dịch giải cứu về sau cũng không qua khỏi vì thương tích quá nặng.

Tuy nhiên, chiến dịch Chavin de Huantar nhìn chung được đánh giá là thắng lợi.

Tuấn Anh

Ngày này năm xưa: Kết cục buồn cho cuộc tình cổ tích của Công nương Diana

Ngày này năm xưa: Kết cục buồn cho cuộc tình cổ tích của Công nương Diana

Ngày 9/12/1992, sau một thời gian dài dư luận xôn xao đồn đoán, Thủ tướng Anh chính thức xác nhận vợ chồng Thái tử Charles và Công nương Diana ly thân.

Ngày này năm xưa: Máy bay ném bom Mỹ mất tích bí ẩn

Ngày này năm xưa: Máy bay ném bom Mỹ mất tích bí ẩn

Ngày 5/12/1945, một phi đội gồm 5 chiếc máy bay ném bom và ngư lôi của Hải quân Mỹ đã mất tích bí ẩn ở Tam giác Bermuda, nơi còn gọi là "Tam giác quỷ".

Ngày này năm xưa: Vụ xử cháu Kennedy hiếp dâm chấn động thế giới

Ngày này năm xưa: Vụ xử cháu Kennedy hiếp dâm chấn động thế giới

Vụ xử cháu ruột cố Tổng thống John F. Kennedy không chỉ thu hút sự quan tâm của công chúng Mỹ mà còn là tâm điểm chú ý của truyền thông thế giới.