Dưới đây là đề xuất của cựu sĩ quan cao cấp công an Nguyễn Thành Lập góp kiến cho việc giảm thiểu tai nạn chết người do lái xe uống rượu bia gây ra:
Chúng ta chưa thể quên vụ tai nạn giao thông (TNGT) trong nội thành Hà Nội vào đêm 22/4 do người lái ô tô 7 chỗ gây ra, làm chết 1 nữ công nhân vệ sinh môi trường.
Và 0h10 phút đêm 1/5, tài xế ô tô Mercedes biển kiểm soát 30F 154.78 gây ra tai nạn, làm chết 2 phụ nữ ở hầm Kim Liên.
Hai vụ TNGT này, cả 2 người lái xe đều phạm vào hành vi uống rượu bia - bị nghiêm cấm trong điều 8, khoản 8, luật Giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, có thông tin chưa chính xác khi cho rằng, các cơ quan chức năng đang đề xuất ban hành quy định: Người lái xe uống rượu bia, hoặc dùng ma túy, chưa gây TNGT sẽ bị tước bằng lái từ 3-5 năm. Nếu gây TNGT chết người sẽ bị tước bằng lái vĩnh viễn.
Thiếu chính xác bởi vì từ những năm 1990 đến bây giờ, những người lái xe cơ giới đường bộ ở nước ta được cấp giấy phép lái xe (GPLX) thay cho bằng lái xe (xem ảnh dưới).
Điều này đồng nghĩa với bằng lái xe đã không cấp ở Việt Nam từ 1/4 thế kỷ nay rồi. Vì vậy, cơ quan ngôn luận nêu: Tước GPLX mới chính xác (chứ không phải tước bằng lái xe).
GPLX (đang dùng) và bằng lái xe (không dùng từ 1/4 thế kỷ nay) |
Đề xuất nâng mức phạt tù
Sang 1 khía cạnh quan trọng khác, đặc biệt nguy hiểm - thuộc về trạng thái thần kinh người lái xe, nếu như họ uống rượu bia, hoặc dùng ma túy mà điều khiển xe cơ giới đường bộ, thì có khác gì “hung thần - quỷ dữ” trên xa lộ.
Có thể nói như thế là họ đã chuẩn bị sẵn sàng, cố tình, cố ý giết chết oan uổng những người đi đường.
Chứ không phải là “chẳng cố ý giết người”, khi họ (uống rượu bia, hoặc dùng ma túy) điều khiển xe cơ giới đường bộ, gây TNGT nghiêm trọng, chết người, như luận điểm sai lầm, ngụy biện, lỗi thời đang hiện hành sờ sờ ở nước ta.
Dẫn đến quy định chẳng đủ nặng “ký” để răn đe; bất cập, bất công về khung hình phạt tù tối đa vẫn quá nhẹ - đối với người lái xe (uống rượu bia, dùng ma túy gây TNGT rất nghiêm trọng làm chết từ 3 người trở lên) cũng chỉ từ 7-15 năm.
Bởi vì ai cũng biết, nếu uống rượu bia, hoặc dùng ma túy sẽ khiến cho mình trở nên hăng say với cảm giác ảo (mất cảm giác thật). Thí dụ cụ thể, người điều khiển xe cơ giới đang chạy với vận tốc 70 km/h; nhưng nếu họ uống rượu bia, hoặc dùng ma túy thì chỉ có cảm giác như xe đang chạy 40 km/h. Thế nên họ dễ dàng vi phạm tốc độ Vmax, mặc dù xe cơ giới có đồng hồ vận tốc cũng “vô nghĩa”. Và không có chuyện ngược lại (xe chạy 40 km/h, nhưng lại cảm giác như 70 km/h).
Do đó, đối với người uống rượu bia, hoặc dùng ma túy mà điều khiển xe cơ giới rất dễ gây TNGT. Cũng có thể đồng nghĩa với họ đang chuẩn bị sẵn sàng cố ý giết người - khi gây TNGT nghiêm trọng, chết người. Cố ý bởi vì đã biết trước sự nguy hiểm (của việc lái xe uống rượu bia, dùng ma túy…).
Cho nên, kiến nghị QH quan tâm xem xét hành vi người điều khiển xe cơ giới đường bộ, uống rượu bia, hoặc dùng ma túy - hóa “hung thần, quỷ dữ” như đã nêu ở phần trên, mà gây ra TNGT chết người là cố ý.
Trên cơ sở đó, sớm hiệu chỉnh điều 260, khoản 2 và khoản 3, bộ luật Hình sự: Nâng cao khung hình phạt đến mức tù chung thân. Hoặc thậm chí có thể tử hình kẻ “hóa quỷ”, điều khiển xe cơ giới đường bộ, phạm tội tày đình này, nhằm góp phần giảm TNGT thương tâm, thảm khốc ở nước ta hiện nay.
Xế hộp lao lên vỉa hè, tông nát 6 xe máy ven hồ Tây
Chiếc Honda Civic đang chạy trên phố Trích Sài bên hồ Tây, Hà Nội thì lao lên vỉa hè, tông nát nhiều xe máy, cửa kính quán cà phê vỡ vụn.
Nguyễn Thành Lập