Trao đổi với Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha trước thềm kỳ họp QH.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14 khai mạc ngày mai (20/7), Mặt trận Tổ quốc sẽ có báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri, tập trung vào những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện công tác bầu cử.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam cho rằng: Việc không công nhận ĐBQH đối với ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là sự việc đáng tiếc và ngoài tầm của MTTQ Việt Nam. MTTQ Việt Nam coi đây là kinh nghiệm xương máu.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam

Thưa ông, qua tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14, ông thấy những vấn đề gì cử tri quan tâm và kỳ vọng?

Lần này MTTQ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập hợp cơ bản nội dung đã thống nhất giữa các bên, tập trung vào những nội dung lớn của đất nước như xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vấn đề đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước, đặc biệt là Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chính quyền các cấp; Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; về an ninh chính trị, an toàn xã hội.

Thông qua cuộc bầu cử, nhất là cuộc tiếp xúc cử tri với người ứng cử, cử tri mong muốn qua việc kiểm điểm, đánh giá nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, Chính phủ và các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương rút ra bài học kinh nghiệm cả nhiệm kỳ, nhất là những mặt tồn tại, yếu kém, để từ đó Quốc hội khóa mới, Chính phủ khóa mới, các cơ quan từ trung ương đến địa phương ngay lập tức phải bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện những quyền, trách nhiệm của mình theo Luật.

Cử tri mong muốn về phía Quốc hội, công tác xây dựng pháp luật cần được đầu tư hơn nữa về mặt chất lượng; với Chính phủ cần có sự thay đổi lớn trong công tác điều hành, cải cách thủ tục hành chính.

Hiện nay, vấn đề này đang được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, cử tri rất hoan nghênh, mong muốn vấn đề này sẽ có sự thay đổi, từ người đứng đầu chính phủ cho đến các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, các huyện, các xã. Hệ thống hành chính nhà nước làm sao phải được cải cách triệt để.

Về hoạt động của ngành Tòa án, Viện Kiểm sát, cử tri cũng mong muốn với vị trí mới tòa án cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong việc đảm bảo quyền tư pháp.

Về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, cử tri hết sức bất bình, sự việc của Formosa sau bầu cử mới xử lý trong khi nó đã xảy ra trong quá trình bầu cử. Khi Chính phủ công bố công khai nguyên nhân gây ra vụ cá chết, cử tri mong muốn chính quyền các cấp không đánh đổi mọi giá để phát triển kinh tế mà phải phát triển kinh tế bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.

Thưa ông, vừa qua có 2 ứng cử viên được bầu làm ĐBQH khóa 14 bị Hội đồng bầu cử quốc gia bác tư cách đại biểu, là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Vậy tại sao qua 3 vòng Hiệp thương, Mặt trận không phát hiện được những sai phạm này?

Có thể nói việc 2 người vừa được bầu làm ĐBQH khóa 14 bị Hội đồng bầu cử quốc gia xóa tên là sự việc đáng tiếc. Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh do Ủy ban MTTQ tỉnh Hậu Giang hiệp thương. Trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường do Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hiệp thương.

Tôi là người trực tiếp giúp cho mặt trận về lĩnh vực này tôi thấy trong quá trình hiệp thương hồ sơ ứng cử của những người này hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn. Hồ sơ ứng cử của trung ương do Hội đồng bầu cử quốc gia tiếp nhận, kiểm tra và chuyển cho Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Hồ sơ người ứng cử ở địa phương do Ủy ban bầu cử tỉnh tiếp nhận, kiểm tra và chuyển cho mặt trận.

Sự phối hợp này là quy trình đã được thực hiện trước đây. Hồ sơ của họ cũng đảm bảo mọi quy định của pháp luật. Đặc biệt, quá trình hội nghị cử tri nơi cư trú và nơi công tác đều đồng tình ủng hộ tới 100%.

Với kết quả đó thì việc đưa họ vào danh sách chính thức những người ứng cử là điều đương nhiên. Những vấn đề phát sinh đối với 2 cá nhân này là sự việc hết sức đáng tiếc và ngoài tầm của MTTQ Việt Nam. MTTQ Việt Nam tán thành với cách giải quyết của Hội đồng Bầu cử quốc gia và coi đây là kinh nghiệm xương máu.

Như ông vừa nói, Mặt trận coi đây là kinh nghiệm xương máu trong quá trình hiệp thương, lựa chọn người ứng cử đại biểu Quốc hội. Vậy tới đây Mặt trận cần làm gì để không để xảy ra những sai sót như vậy?

Tới đây, trong quá trình tổ chức Hiệp thương phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Mặt trận với các cơ quan hữu quan, của Đảng, Nhà nước. Tất cả thông tin liên quan đến người ứng cử phải được các cơ quan Đảng, Nhà nước cung cấp cho Mặt trận kịp thời, nếu không rất khó có thể đảm bảo kỳ sau không xảy ra những chuyện như vậy nữa.

Theo VOV