- Chính phủ cần ban hành nghị quyết để xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến Formosa, ổn định đời sống, bảo đảm kinh tế xã hội của 4 tỉnh miền Trung.

Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kế hoạch 2017 sáng nay trước QH, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện chính sách hỗ trợ tại các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển; có chính sách dài hạn phát triển kinh tế xã hội ở các vùng bị ảnh hưởng.

Đồng thời, ông cũng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng tài nguyên nước phù hợp tình hình mới, xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cùng với đó là tăng cường giám sát xả thải, bảo đảm đúng quy định về công nghệ và bảo vệ môi trường đối với các dự án phát triển công nghiệp.

Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án kinh tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhất là các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất thép; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm môi trường.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Phạm Hải

Theo ông Vũ Hồng Thanh, ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng, kênh rạch, sông nội thị ở các thành phố lớn đang “chết” dần vì rác thải.

Việc tập kết, xử lý rác thải tại một số địa phương chưa tốt, kém hiệu quả gây bức xúc trong dư luận xã hội như nhà máy xử lý rác thải Đa Phước, TP.HCM. Nguy cơ gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường của các cơ sở công nghiệp là nghiêm trọng, gây hậu quả lớn, kéo dài.

Ông Thanh cho rằng, việc xử lý bước đầu sự cố ô nhiễm môi trường biển tại miền Trung hết sức quan trọng, góp phần ổn định tư tưởng, tâm lý và đời sống người dân khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp. Thời gian qua, Chính phủ đã có một số giải pháp, biện pháp để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho người dân.

Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, các địa phương vẫn chưa chủ động đánh giá và có biện pháp tạm thời khắc phục hậu quả của sự cố đến hoạt động kinh tế xã hội, môi trường, sức khỏe người dân trước khi có giải pháp đồng bộ của Chính phủ. Việc xử lý các sai phạm của tổ chức, người có thẩm quyền liên quan và doanh nghiệp còn chậm, gây bức xúc trong nhân dân.

Có ý kiến đề nghị đánh giá rõ tác động của sự cố ô nhiễm môi trường đến thu ngân sách đối với các tỉnh miền Trung để có biện pháp điều hành ngân sách phù hợp.

Nợ công có khả năng vượt trần

Đánh giá tổng thể tình hình kinh tế xã hội, UB Kinh tế cho rằng trong năm 2016 đã có chuyển biến đúng hướng, tăng trưởng kinh tế tuy không đạt kế hoạch nhưng vẫn khá cao so với các nước trong khu vực; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 5%.

Chính phủ đã có thông điệp rõ ràng, phản ứng nhanh trước các vấn đề bức xúc của xã hội, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, “cởi trói” cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại tình trạng bội chi ngân sách cao. Một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng chi không đúng chế độ, không đúng định mức, vượt dự toán, sử dụng nguồn dự phòng cho một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao 64,3% trong tổng chi.

Nợ công tăng nhanh trong giai đoạn trước là một trong các rủi ro lớn cho nền kinh tế, nợ công có khả năng vượt trần là 65% GDP trong năm 2016.

Nói về việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền hành chính công và cải cách hành chính, một số ý kiến thẩm tra cho rằng kết quả đạt được là chưa rõ ràng do chuyển động chưa thực sự lan toả ở bộ máy thực thi công vụ.

Tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi.

Chủ nhiệm UB Kinh tế cho rằng, việc quy trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu chưa nghiêm, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong một số lĩnh vực, tại một số địa phương còn hạn chế. Việc thực thi pháp luật của một số cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở còn có biểu hiện lạm quyền khi thi hành công vụ.

Ngoài ra, UB Kinh tế cũng nhận định quy trình bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ bộc lộ những lỗ hổng, cần được rà soát, khắc phục kịp thời.

UB Kinh tế đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời thực hiện nghiêm quy định về dự toán thu, chi, quản lý ngân sách, chống thất thoát, lãng phí, quản lý chặt chẽ nợ công, tiếp tục triển khai tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và các giải pháp xử lý nợ xấu…

Thu Hằng