Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, chính quyền địa phương ở TP.HCM gồm có HĐND và UBND TP; chính quyền địa phương ở quận, phường là UBND quận, phường.
Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP.HCM bao gồm: huyện, thành phố thuộc TP.HCM ; xã, thị trấn được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ
Dự thảo Nghị quyết quy định điều chuyển các nhiệm vụ của HĐND quận, phường cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND Thành phố, UBND quận, phường để bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Riêng đối với nhiệm vụ về quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công, dự thảo Nghị quyết quy định giao cho Chủ tịch UBND quận (không chuyển giao nhiệm vụ này cho UBND TP.HCM) để đảm bảo quy định về thời gian và tiến độ thực hiện của các dự án.
Về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Bên cạnh đó, bổ sung nhiệm vụ của UBND quận phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của UBND phường trực thuộc để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Hiện nay, UBND TP.HCM đang xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc TP.HCM, dự kiến báo cáo Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2020.
Theo đó, thành phố thuộc TP.HCM sẽ có các phường trực thuộc (tại các phường này cũng sẽ thực hiện không tổ chức HĐND). Vì vậy, dự thảo Nghị quyết đã quy định điều chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố thuộc TP.HCM.
Còn UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; cán bộ, công chức làm việc ở tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và UBND phường tại TP.HCM thuộc biên chế cán bộ, công chức của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và UBND cấp trên.
Để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM từ ngày 1/7/2021 (bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021-2026), theo Bộ trưởng Nội vụ, Nghị quyết của Quốc hội cần có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 để có thời gian chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức bầu cử đại biểu HĐND các cấp của TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026 và các công việc khác.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp này.
Cần cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn
Báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong quá trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội và Đà Nẵng, việc đổi mới phương thức hoạt động của HĐND TP, tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực ở những nơi không tổ chức HĐND,... chưa có phương án xử lý thật sự thuyết phục, triệt để.
Do đó, Ủy ban Pháp luật lưu ý, ban soạn thảo cần rà soát để có những quy định cụ thể hơn trong dự thảo Nghị quyết này nhằm xử lý thỏa đáng các vấn đề nói trên.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng |
Theo cơ quan thẩm tra, dự thảo Nghị quyết chưa đề ra được những giải pháp đổi mới thiết thực liên quan đến tổ chức cũng như phương thức hoạt động của HĐND TP trong bối cảnh không tổ chức HĐND ở tất cả các quận, phường trực thuộc.
Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND TP để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng đại diện của người dân và việc kiểm soát quyền lực đối với chính quyền ở quận, phường.
Cơ quan thẩm tra lưu ý, nếu các chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thực sự có hiệu quả thì cần quy định ngay trong Nghị quyết này để thực hiện ổn định, lâu dài, bảo đảm tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị xem xét lại quy định về thẩm quyền quyết định về ngân sách nhà nước của HĐND TP để bảo đảm tính chính xác; việc giao UBND TP quyết định một số nội dung liên quan đến đầu tư công để bảo đảm tính thống nhất với Luật Đầu tư công.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, phường, ông Tùng cho hay, có ý kiến đề nghị rà soát lại một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND quận trong việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách của quận, phường trực thuộc...
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cho rằng, hiện nay Chính phủ đã đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án thành lập TP Thủ Đức là TP thuộc TP.HCM với mục tiêu tạo bước đột phá, làm hạt nhân, cực tăng trưởng mới thúc đẩy phát triển kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; HĐND TP.HCM đã biểu quyết thông qua chủ trương này.
Vì vậy, việc dự thảo Nghị quyết quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền TP thuộc TP.HCM là phù hợp nhưng vẫn chưa có sự khác biệt so với các đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay, chưa có sự đổi mới để nâng cao hơn nữa vị thế, thẩm quyền của chính quyền TP trực thuộc.
Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung những quy định mới, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn cho chính quyền TP trực thuộc so với chính quyền ở các quận để có thể đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đã đặt ra.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, tên gọi của dự thảo Nghị quyết "Tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM", không có từ “thí điểm” vì các lý do sau: - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có hiệu lực. Trong đó, quy định chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. - Trước đây TP.HCM là một trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Kết thúc giai đoạn thí điểm, TP.HCM đã tổng kết việc thực hiện thí điểm và rút ra các bài học kinh nghiệm. |
Thu Hằng
Đà Nẵng thí điểm chính quyền đô thị, quận phường lo mất phòng, giảm biên chế
Nếu thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Đà Nẵng sẽ phải giảm nhiều biên chế cấp phường cũng như số phòng chuyên môn thuộc quận và số lượng cấp phó.