Còn quá sớm đề tường tận về chiến lược “xoay trục” kiểu Donald Trump mà siêu cường Mỹ sẽ áp dụng sau ngày 20/1/2017.
Hiện nay chính quyền đang ráo riết hoàn thiện của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra chỉ dẫn mạnh mẽ, đó là nước Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh quân sự tại châu Á – Thái Bình Dương.
Rudy Giuliani, người được dự báo sẽ là Ngoại trưởng Mỹ trong chính quyền của ông Trump, đã tiết lộ rằng Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ dự định ưu tiên xây dựng một lực lượng quân đội “khổng lồ” để đập tan mọi tham vọng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Phát biểu với các chủ doanh nghiệp ở Washington hồi cuối tháng 11, ông Giuliani cho biết Mỹ sẽ tăng số binh sĩ lên 550.000 người, thay vì giảm xuống còn 420.000 người. Ông cũng cho biết lực lượng Hải quân sẽ tăng thêm 350 tàu, thay vì giảm xuống còn 247 tàu. Hiện, lực lượng này đang có 280 tàu trong phiên chế.
Ông nói: “Với 350 tàu của chúng ta, Trung Quốc không thể đuổi kịp Mỹ ở Thái Bình Dương. Với 247 tàu, chúng ta không thể chiến đấu trong một cuộc chiến ở hai đại dương”.
Ông Trump sẽ “cài đặt lại” quan hệ với Trung Quốc và Nga? |
Tuyên bố trên dự báo một chính sách ngoại giao mang tính xác quyết hơn nhiều so với những gì thế giới từng nghe thấy ông Trump nói về Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử. Trong khi Biển Đông vẫn là một trong những vùng địa lý căng thẳng nhất thế giới, tỷ phú bất động sản Trump đã rất thận trọng khi chỉ phát biểu rất ít về vùng biển này trong chiến dịch tranh cử vừa qua.
Adam Lockyer, chuyên gia phân tích tại Viện nghiên cứu an ninh thuộc Đại học Macquarie, nhận định: “Nhiều khả năng Mỹ sẽ giương cơ mạnh hơn dưới thời ông Trump… vì Trung Quốc. Một mặt Mỹ tỏ ra ít chú ý tới khu vực này, nhưng mặt khác họ lại đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây”.
Như vậy, tuyên bố của ông Guiliani cho thấy chính quyền sắp tới của ông Trump sẽ “diều hâu” hơn dự đoán. Trước đó, theo dõi chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Cộng hòa, người ta đã tin rằng ông Trump sẽ rút khỏi khu vực đang tranh chấp này, phù hợp với cam kết của ông là ưu tiên các vấn đề đối nội.
Liệu điều đó có thể xảy ra?
Chính quyền của ông Trump sẽ phải đối mặt với rào cản tài chính lớn nếu xúc tiến chương trình quân sự đầy tham vọng này trên.
Chuyên gia an ninh châu Á – Thái Bình Dương Jingdong Yuan, thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh quốc tế (CFISS), nhận định rằng việc này là hoàn có thể thực hiện được. Tổng thống đắc cử Trump sẽ có thể làm việc với Quốc hội (hiện do đảng của ông nắm giữ) để bỏ qua quá trình tự động cắt 500 tỷ USD ngân sách quốc phòng trong một thập kỷ. Nhưng chính phủ mới sẽ gặp khó khăn để tập trung nguồn tài chính quá lớn cho quốc phòng.
Ông Yuan phân tích: Chi tiêu quốc phòng của Mỹ được tính theo % GDP và chính phủ Mỹ chi tiêu cho quốc phòng ở mức thấp kỷ lục, đặc biệt sau các cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq. Đồng thời, các quyền chi tiêu, như an sinh xã hội và y tế là không thể bị cắt giảm, thậm chí phải tăng hàng năm, trong khi đó thâm hụt ngân sách liên bang ở mức 18.000-19.000 tỷ USD sẽ khiến chính phủ mới càng khó chi thêm tiền cho các lĩnh vực tùy ý như quốc phòng. Như vậy, ông Trump sẽ phải tìm ra các nguồn tiền khác để hỗ trợ cho các chương trình quân sự đầy tham vọng của mình. Để xem chúng sẽ từ đâu đến.
Chuyên gia trên cũng cho rằng trong một quan hệ rất phức tạp như giữa Mỹ và Trung Quốc, việc Mỹ mong muốn duy trì vai trò chế ngự, cũng như mong muốn của Trung Quốc về một trật tự lấy Trung Quốc làm trung tâm tại châu Á đều là phi thực tế. Ông cảnh báo “nếu hai nước này cùng theo đuổi các mục tiêu cực đoan đó, xung đột sẽ là điều khó tránh và gây bát ổn cho toàn khu vực”.
“Cài đặt lại” quan hệ với Trung Quốc và Nga
Ông Giuliani cũng cho biết chính quyền Trump hy vọng cam kết với Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế cũng như thương mại. Phát biểu trên tờ The Wall Street Journal, ông cho biết chính quyền mới sẽ “cài đặt lại” quan hệ với cả Trung Quốc và Nga.
Nhưng ông Trump có ý định gắn mác cho Trung Quốc là “bóp méo tiền tệ”, điều mà các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ càng làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.
Truyền thông Trung quốc đã phản ứng không thân thiện với những bình luận của ông Trump trong chiến dịch tranh cử. Tháng 5 vừa qua, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa đã cáo buộc Trung Quốc “cướp đoạt” của nền kinh tế Mỹ và thề sẽ áp mức thuế quan 45% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Một bài báo đăng trên Thời báo hoàn cầu số ra tuần này cảnh báo chính phủ Trung Quốc sẽ buộc phải “trả đũa” nếu Tổng thống đắc cử Mỹ theo đuổi chính sách chiến tranh thương mại. Bài báo viết: “Nếu ông Trump phá hỏng giao thương Trung – Mỹ, một số ngành công nghiệp của Mỹ sẽ bị tổn thương. Cuối cùng, Tổng thống mới sẽ bị phê phán và sẽ phải gánh chịu toàn bộ hậu quả”.
Tuy nhiên, theo giáo sư Yuan, hiện còn quá sớm để lo lắng về việc chính quyền của ông Trump có thể làm gì và không làm gì.
Thảo Linh