- Một dự án phim truyền hình nhiều tham vọng đang được thực hiện nhằm đẩy lùi những thảm họa trên màn ảnh thời gian qua.

Làm phim đẩy lùi các thảm họa trên màn ảnh

Cảnh trong phim "Trò đời"

Văn học hiện thực phê phán 1930-1945 được coi là nguồn chất liệu tuyệt vời cho các nhà làm phim Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực truyền hình. Ý tưởng làm phim dựa trên những tác phẩm văn học của các nhà văn nổi tiếng thời kỳ này đã có từ khá lâu.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng chia sẻ với Vietnamnet ở thời điểm tháng 5/2011, khi chất lượng phim truyền hình đang ở mức báo động: "Tôi có bàn với các anh trong BCH Hội điện ảnh VN rằng Hội điện ảnh đang có 1800 thành viên từ các hãng phim, đài truyền hình và Hãng phim Hội điện ảnh (HODA FILM) thì cũng phải làm ra tiền chứ không chỉ chờ đợi những phim ngân sách nhà nước. Làm ra tiền là làm phim truyền hình. Và phải làm những bộ phim có nghề nghiệp hơn.

Do vậy chúng tôi đang có một dự án hợp tác với đài truyền hình làm phim dựa trên những tác phẩm văn học thời kỳ 1930-1945. Nếu làm được dự án này, chúng ta có thể đưa đến khán giả một dòng phim mới mẻ, trong đó hình ảnh quê hương VN xưa rất đẹp, rất hiền hòa được hiện lên qua tác phẩm của Thạch Lam, nhóm Tự lực văn đoàn... Đó là cách để người ta nhớ đến quá khứ, nhớ đến ông cha mình. Nhưng những dự án này cũng phải được đầu tư lớn hơn".

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC cho biết trong cuộc họp báo giới thiệu dự án phim "Trò đời" chiều 6/12 rằng đây là một dự án trọng điểm và nhiều tham vọng của VFC và phải đợi những điều kiện chín muồi mới dám thực hiện. Trong số rất nhiều cái tên được đưa ra, cuối cùng VFC và Hoda Film đã thống nhất chọn Vũ Trọng Phụng trước. Kịch bản phim "Trò đời" được nữ biên kịch kỳ cựu Trịnh Thanh Nhã và nhà biên kịch trẻ Lê Anh Thúy chuyển thể từ những tác phẩm văn học của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng. Và tháng 10 vừa qua, "Trò đời" đã chính thức bấm máy tại Hà Nội đúng vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông

Chia sẻ về dự án mới nhất này, NBK Trịnh Thanh Nhã cho biết: "Tôi là người chỉ viết theo đặt hàng nên khi nhận được lời đề nghị của anh Thanh Vân, chúng tôi đã bàn nhau tìm cách thay đổi 1 hiện trạng là các thảm họa đang tràn ngập trên màn ảnh. Muốn thay đổi thì phải tìm ra mạch đi khác biệt. Các bộ phim về mảng đề tài kinh tế, chính trị, xã hội đã làm khá nhiều nhưng lẫn vào các dòng phim khác và bị quên đi rất nhanh. Đây là mạch đi mới nhưng hơi kỳ cục là chúng tôi lại chọn cách đi sâu vào quá khứ để tìm đến cái gốc của văn hóa Việt đã bị chìm lấp. Và "Trò đời" là bước đi đầu tiên".

Tiết chế cảnh nude, cảnh sex

Những cảnh phim nóng bỏng sẽ không xuất hiện trên màn ảnh.

Xương sống của truyện phim "Trò đời" là tác phẩm "Số đỏ" cùng với các truyện ngắn, phóng sự khác của ông như Ánh sáng kinh thành, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô… Thông qua các nhân vật được tổng hợp từ những sáng tạo tài năng của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, đồng thời chắt lọc những tình tiết, câu chuyện điển hình, "Trò đời" tái hiện một bức tranh sinh động về xã hội Việt Nam thời kỳ trước năm 1945. Phim cũng tái dựng một hệ thống các nhân vật với những nét cá tính đặc trưng mà độc giả đã quen thuộc như vợ chồng ông Cố Hồng, Văn Minh, TYFN, cô Tuyết, Hoàng Hôn, me Kiểm….

Đây không phải là lần đầu tiên các nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng lên phim. Năm 1990, phim "Số Đỏ" đã ra rạp với diễn xuất của diễn viên Quốc Trọng trong vai Xuân Tóc Đỏ. Lần này, đạo diễn Nhuệ Giang đã chọn một diễn viên sinh năm 1987, người Nghệ An, mới tốt nghiệp ĐH Sân khấu Điện ảnh năm 2011 vào vai Xuân Tóc Đỏ. Nhuệ Giang cho biết chị đã thử chừng 10 diễn viên nhưng không chọn được ai cho đến khi gặp Việt Bắc.

"Chọn diễn viên vào vai Xuân Tóc Đỏ là một trong những vai khó nhất trong cuộc đời đạo diễn của tôi vì đây không chỉ là một nhân vật nổi tiếng trong văn Vũ Trọng Phụng mà còn là nhân vật nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử văn học VN. Trong khi đó diễn viên lại không có nhiều. Những người ở độ tuổi 20-24 lại có quá ít tài năng.

Tôi có xem lại bộ phim Số Đỏ của 20 năm về trước và tôi thấy các nhà làm phim thời đó quả thật là táo bạo vì có những cảnh nude hoàn toàn, cảnh sex cũng rất táo bạo. Tôi thực sự thán phục. Nhưng Trò đời là phim truyền hình. Chúng ta lại chưa phân loại khán giả xem phim nên phải làm phim tiết chế các cảnh nude, cảnh sex, đủ gợi cho khán giả tưởng tượng tình huống sau đó", ĐD Nhuệ Giang nói.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng chia sẻ rằng khi viết kịch bản chị đã phải tiết chế rất nhiều để giảm bớt cái không khí nhục dục trên phim, sao cho thích ứng với khán giả màn ảnh nhỏ. Khi thực hiện, đạo diễn Nhuệ Giang lại phải tiết chế thêm lần nữa để phim không quá táo bạo. Do vậy, cả hai nữ biên kịch và đạo diễn cho rằng làm "Trò đời" thực sự là một sự vượt khó họ vừa muốn giữ hình ảnh sạch sẽ trên phim nhưng làm sao vẫn giữ được tinh thần các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng.

Diễn viên gạo cội Minh Hằng, người thủ vai bà Phó Đoan tiết lộ khi nhận kịch bản từ tay vợ chồng đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang chị đã đọc kỹ không dưới 10 lần và đã 2 lần tới nhà đạo diễn trả lại kịch bản. Lý do lúc đó Minh Hằng đưa ra là nhân vật chị đảm nhiệm quá kinh khủng, một kẻ ăn chơi đàng điếm, dâm dê... Minh Hằng cũng sợ thực hiện những cảnh hôn hít, sờ soạng... Tuy nhiên, sau khi bị thuyết phục Minh Hằng đã nhận vai và dù phim mới bấm máy, chị thừa nhận Phó Đoan là một trong những nhân vật chị thích nhất.

Còn nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn, người phụ trách nghiệm thu phần hình ảnh cho phim thì tâm sự: "Khi làm phim này chúng tôi đứng giữa nhiều áp lực và chắc chắn khi làm ra sẽ bị nhiều người "soi" về phục trang, tập quán. Bởi thực tế là rất nhiều người sinh ra và lớn lên ở thời kỳ này đến nay vẫn còn sống. Nhưng nếu chiều lòng hết tất cả thì không được nên không chủ trương bám sát thực tế".

Minh Hằng (thứ 2 tphải qua), vào vai bà Phó Đoan.

Theo kế hoạch, "Trò đời" sẽ lên sóng VTV trong năm 2013 và sau Vũ Trọng Phụng, tiếp tới sẽ còn nhiều tác phẩm của những nhà văn hiện thực phê phán được chuyển thể thành phim.

Hoàng Vy