Cầm trên tay cuốn sách dày cộp, bìa lẫn gáy đều cũ sờn, người đàn ông lớn tuổi đi vội đến hỏi cô thu ngân mức giảm giá cho cuốn sách, rồi thở phào khi biết đó là mức 50%.

Gương mặt ông như thể người tìm được món đồ quý sau một giờ lang thang ở Hội sách giá đặc biệt, do hệ thống phát hành sách Fahasa tổ chức ở Nhà triển lãm TP.HCM từ ngày 5 đến 14/7. Đó là hình ảnh mà người ta dễ bắt gặp ở những hội chợ sách tại VN những năm gần đây.

Dù với tên gọi mang tính động cơ nào, giảm giá hay tôn vinh văn hóa đọc, tri ân bạn đọc hay kích cầu thị trường, những hội sách hiện nay đều có chung một hình thức: nơi các quầy sách được kê theo biên độ giảm giá và theo mức độ mới - cũ, nóng - nguội của tựa sách. Hoặc nói theo một cách khác, thẳng thừng và trắng trợn, là "vét kho ra bán" như lời nhân viên truyền thông của một hệ thống phát hành.

{keywords} 

Hội sách giá đặc biệt, do hệ thống phát hành sách Fahasa tổ chức ở Nhà triển lãm TP.HCM, từ ngày 5-14/7.

Khoảng cách - đi từ những tựa với mức giảm chỉ 10%, được xếp thành chồng đập vào mắt người xem ngay quầy thu ngân, đến những tựa cũ kỹ và khô khan được xếp mất trật tự trong góc với mức giảm lên tới 80% - có khi chỉ dài chừng hơn chục mét trên thực tế. Nhưng lại là dòng chảy dài cuốn theo số phận của từng tựa sách, mà trong nhiều trường hợp khiến người ta cảm thấy khó hiểu và bất công nếu xét trên giá trị của cuốn sách đối với họ.

Những chồng sách cũ có mặt cả những tựa đã từng rất "hot", những tựa được đánh giá cao của truyền thông, và cả những tựa chỉ là thứ phù phiếm, nông nổi hoặc bị chối bỏ của một thời.

Ở góc độ người yêu sách, đó cũng là khoảng cách giữa cảm giác của người "bắt được vàng" khi nhận ra cuốn sách giá trị giữa chồng sách cũ bị thời gian đào thải, và cảm giác chia sẻ chung với đám đông những tựa sách đang "nóng" nhất, được thích thú và bàn tán nhiều nhất.

Ai cũng rõ chuyện hội sách ở xứ ta chưa được như xứ người, tức: bắc được chiếc cầu nối mua bán, chuyển nhượng tác quyền, hợp đồng in sách... giữa các tác giả và nhà xuất bản, giữa các nhà xuất bản và phát hành trong nước và quốc tế với nhau.

Thế nên, sự ra đời và tồn tại của nó chỉ có thể được giải thích trên khía cạnh phù hợp với nhu cầu và lợi ích hiện nay của ngành xuất bản lẫn người đọc. Với ngành xuất bản, hội sách tỏ ra là phương kế hữu hiệu cho việc kích cầu bạn đọc, giải phóng sách tồn kho và quảng bá cho những tựa sách có khả năng sinh lợi cao nhất.

{keywords} 

Nhưng mặt khác, việc các hội sách thường lôi kéo người đọc bằng hai phô trương lớn nhất: số lượng bản sách nhiều nhất và giảm giá nhiều nhất, nói theo cách nào đó, còn là cách bù đắp khéo léo của ngành xuất bản trước hai "món nợ" lớn đối với bạn đọc.

Thứ nhất, đó là giá sách hiện nay đang quá cao, vượt quá tầm với của nhiều người yêu sách, khiến nó luôn là khoản được chi tiêu cân nhắc và dè sẻn. Thứ hai, hệ thống phân phối đang có vấn đề khi sách không tìm được đúng người và người thì không tìm được đúng sách.

Thế nên mới có cảm giác "bắt được vàng" như đã nói trên. Chưa kể một cảm giác khó chịu của người yêu sách khi cứ phải tìm kiếm và mơ hồ cuốn sách mình cần tìm hẳn còn lưu lạc đâu đó giữa các nhà sách. Trong khi hệ thống mua bán sách trực tuyến cho phép người đọc dễ tìm kiếm hơn còn chưa hoàn thiện, cũng như các nhà sách chưa thể nới rộng quy mô thành một cao ốc chỉ dành cho sách như các nước phát triển, thì hệ thống sách điện tử sao chép lậu đang chứng tỏ được khả năng điền vào chỗ trống.

Đây quả là mối nguy cho ngành xuất bản.

Minh Chánh