Bình luận gần đây trên các báo về sự kiện Đồng Nai muốn xây Bảo tàng Khoa học trị giá 70 triệu USD (khoảng 1500 tỉ đồng) được dựa trên thông tin cách nay 6 tháng, mà không biết đề án này đã tạm dừng.


TS. Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai, nơi xây dựng đề án nói trên, khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với VietNamNet vào chiều ngày 19/7. “Những thông tin vừa qua khiến người ta hiểu lầm là bảo tàng này sắp được xây tại Đồng Nai, trong khi câu chuyện đã thay đổi rất nhiều trong 6 tháng vừa qua và các báo không cập nhật thông tin đầy đủ”, ông nói.

 

{keywords}

TS. Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai.

Ý tưởng Đồng Nai, ý chí Trung Ương

Theo ông Sáng, thực tế thì đề án – vốn được Đồng Nai nuôi ý tưởng thực hiện suốt 10 năm qua – đã tạm dừng, kể từ khi nó trở thành ý chí của Trung ương, được thể hiện tại Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển khoa học và công nghệ, và chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết này.

Ông dẫn chứng trong phần nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết Trung ương 6, ban hành ngày 1/11/2012, có ghi kế hoạch hình thành các bảo tàng khoa học và công nghệ. Chương trình hành động, mà Chính phủ đưa ra sau đó, đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN, Viện KHXH VN cùng nghiên cứu xây dựng đề án này.

“Do vậy, câu chuyện xây Bảo tàng Khoa học như thế nào, kinh phí bao nhiêu, xây ở đâu, vận hành ra sao…hiện đã là chuyện của Trung ương. Đồng Nai chỉ có thể tạo điều kiện tốt nhất để bảo tàng được chọn đặt tại địa bàn tỉnh, cũng như tiếp tục nghiên cứu để cung cấp tài liệu cho Trung ương”, ông Sáng nói. Đây cũng là ý tứ của tỉnh khi tổ chức hai buổi hội thảo tại Hà Nội và TP.HCM để lấy ý kiến các nhà khoa học về đề án, diễn ra vào tháng 2 và tháng 3/2013.

Các điều kiện tốt nhất mà Đồng Nai đưa ra gồm có: khả năng cung cấp đất sạch cho dự án, nằm ở vị trí trung tâm của miền Đông Nam bộ, có quá trình nghiên cứu nhiều năm về Bảo tàng Khoa học. Hơn nữa, tỉnh là địa phương đầu tiên đề xuất ý tưởng dự án và đang có hướng quy hoạch một đô thị khoa học ở phía Đông khu sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai.

 

{keywords}

Bên trong Bảo tàng Khoa học London, Anh. Ảnh: Worldtraveling124

Cũ người, mới ta

Những thông tin mà ông Sáng cung cấp cho thấy, chuyện tranh cãi quanh một dự án đã tạm dừng trên thực tế là việc làm vô nghĩa và ngớ ngẩn. Nhưng mặt khác, nó phản ánh lo ngại có thật và chính đáng của dư luận về những khoản đầu tư lãng phí cho bảo tàng mới, giữa lúc các hoạt động của hệ thống bảo tàng cũ gần như không thu hút được công chúng vì sự khô cứng, cũ mòn và quan liêu, trừ một vài bảo tàng có đổi mới. Nhất là khi đề án bảo tàng của tỉnh Đồng Nai lên tới 70 triệu USD, khiến người ta dễ liên tưởng so sánh với những lợi ích thực tế hơn, chẳng hạn như một cây cầu, một bệnh viện hay một trường học.

Đây chính xác là thách thức mà những người xây dựng đề án Bảo tàng Khoa học và Công nghệ VN, một loại hình bảo tàng chuyên đề rất quen thuộc trên thế giới nhưng chưa có ở VN, sắp tới sẽ phải vượt qua nếu muốn thuyết phục được nhân tâm. Từ góc độ một người có nhiều năm nghiên cứu và là quan sát viên của Hiệp hội Bảo tàng Khoa học Thế giới, TS. Phạm Văn Sáng nói ông không tin rằng điều kiện VN hiện nay không thể làm được điều mà Thái Lan đã làm hồi năm 2005, bảo tàng khoa học của họ trị giá 50 triệu USD nhưng bù lại mỗi năm thu hút khoảng 1,5 triệu du khách.

Bảo tàng khoa học, dù có nơi được gọi tên là Trung tâm nhưng đều chung một nội hàm, đang là loại hình bảo tàng thu hút hàng triệu khách mỗi năm ở Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Singapore, Hàn Quốc… TS. Sáng cho biết ông đã muốn chứng minh tính hấp dẫn của dự án (đã tạm dừng) này bằng phương án 50% vốn đầu tư, tương đương từ 30 đến 35 triệu USD, sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa.

“Tất nhiên, phần trình bày của chúng tôi sẽ không phải nói suông, mà có rất nhiều cứ liệu, nghiên cứu, phân tích dựa trên những gì mà tôi và các nhân viên của sở đã tranh thủ thu thập được trong bất kỳ dịp đi công tác nước ngoài nào”, ông nói.

Cuộc tranh luận về Bảo tàng Khoa học và Công nghệ VN, do vậy, vẫn còn chờ ở phía trước với sự đóng góp ý kiến lẫn công sức để sớm được hình thành. Theo kế hoạch, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng hai viện liên quan sẽ phải hoàn tất đề án nghiên cứu này vào năm 2015 để trình lên Chính phủ.

 

{keywords}

Thiết kế của Bảo tàng Khoa học Quốc gia của Thái Lan. Ảnh: icomnathist.org


 


Tại cuộc trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Văn Sáng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai cũng chính thức bác bỏ thông tin về việc tiến hành thu hồi đất tại xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ để giải phóng mặt bằng cho dự án bảo tàng. Ông nói, thông báo giới thiệu địa điểm và thông báo thu hồi đất của UBND tỉnh Đồng Nai (ban hành ngày 20/1/2012) mới chỉ là thủ tục mang tính pháp lý để tỉnh tiến hành lập dự án đầu tư, bởi Điều 29 của Nghị định 69/2009 của Chính phủ quy định “chủ đầu tư chỉ được lập dự án đầu tư sau khi đã được giới thiệu địa điểm và có thông báo thu hồi đất của cấp có thẩm quyền”. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu của tỉnh xét thấy cần phải có thêm nghiên cứu sâu ở cấp độ đề án, nên đã tạm dừng việc lập dự án đầu tư, trước khi tạm dừng hẳn như hiện nay vì có chủ trương mới của Trung ương.

Minh Chánh