Một triển lãm tổng hợp với my mô lớn trải gần hết diện tích bảo tàng Mỹ thuật Tp HCM trưng bày các tác phẩm điêu khắc của Lê Hiền Minh, cô con gái nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và nhà nghiên cứu Lê Dưỡng Hạo.
Lê Hiền Minh từng có 5 triển lãm tại Việt Nam và 6 triển lãm tại nước ngoài (Mỹ, Đức, Hàn Quốc). 10 năm gắn bó với chất liệu giấy dó Việt Nam, Hiền Minh yêu chất liệu này như yêu cuộc sống của con người. "Vì giấy dó mỏng manh, nó sẽ tan biến đi, sẽ phân rã trước thiên nhiên như cơ thể của một con người".
Họa sĩ Lê Hiền Minh, cháu gái nhà văn Kim Lân
Cháu gái của nhà văn Kim Lân sinh năm 1979 tại Hà Nội và lớn lên tại Sài Gòn. Cô học chuyên khoa Sơn mài tại ĐH Mỹ thuật TP. HCM, sau đó học chuyển tiếp và tốt nghiệp tại Học viện Mỹ thuật Cincinnati, bang Ohio, Mỹ, chuyên khoa Hội họa. Lê Hiền Minh đã gắn bó và có hơn mười năm sáng tác trên chất liệu truyền thống giấy dó.
"Một thập kỷ với giấy dó. Mọi người hay hỏi tôi đã chán giấy dó chưa? Tôi chưa bao giờ thấy chán. . .
Tôi yêu thích sử dụng đôi tay của mình trong việc tạo hình vật thể mà không phải thông qua những dụng cụ khác như búa, khoan, hay đục... Đôi tay của tôi và những vật thể điêu khắc phải được trực tiếp giao diện với nhau. Với những tác phẩm cần có khuôn như dụng cụ trung gian duy nhất, thì sau khi lấy vật thể ra khỏi khuôn, tôi nhất định phải nắn chỉnh từng vật thể một bằng tay cho đến khi ưng ý." - nữ nghệ sĩ có gương mặt đẹp đậm chất Á Đông bày tỏ.
"Sách Từ Điển" - một tác phẩm vô cùng xúc động gửi cho bố Hạo. Vì "bố Hạo là người yêu sách, thích đọc sách và mê mua sách". Người xem như thể đứng trước khu lăng mộ nổi tiếng của Tần Thủy Hoàng, nhưng thay vì hàng nghìn quân lính canh giữ, thì lại là những cuốn sách. Chúng mang lại kí ức thanh bình, mạnh mẽ mà cô độc.
Ngoại hình của Lê Hiền Minh thay đổi theo phong cách sử dụng giấy dó
Những người bạn kể rằng, ngoại hình của Hiền Minh cũng thay đổi theo phong cách cô làm việc cùng giấy dó. Những năm trước cô cắt tóc tém tinh nghịch và thử nghiệm mọi khả năng phá cách với giấy dó: xé, đốt, ngâm tẩm, phơi, đốt, đo độ dãn nở, nhuộm màu, nghiên cứu tạo hình không gian và điêu khắc... Giờ gặp Hiền Minh người ta thấy một người phụ nữ phương Đông với mái tóc dài, đôi mắt cười bước trên đôi giày cao thanh lịch trong váy ôm gợi cảm. Các tác phẩm gần đây tĩnh tại hơn, đi sâu hơn vào nội tâm và ký ức, với sự tinh giản về màu, tối giản về tạo hình trên giấy dó.
"Theo thời gian, tôi trở nên muốn tinh giản hơn, những trải nghiệm được chắt lọc lại. Tôi tối giản về hình thể, hạn chế sử dụng màu sắc. Chủ yếu giữ nguyên màu cơ bản của chất liệu." Các tác phẩm “Chim”, “Cơ thể”, “Sách Từ Điển” được làm với tư duy này, ý thức này.
Tác phẩm "Những con chim" - khán giả nước ngoài từng nhầm tưởng Hiền sử dụng chất liệu đá và xương
Nhìn một lượt toàn bộ các tác phẩm của Lê Hiền Minh, người xem bỗng nhận ra giấy dó Việt Nam có một khả năng chuyển hóa lạ kì và vô cùng đa dạng. Có lúc mong manh, có lúc lại cứng rắn không ngờ. Tác phẩm "Trứng" khiến người ta liên tưởng tới lá cây, vỏ trứng còn "Những con chim" lại khiến khán giả Hàn Quốc ngỡ rằng chúng được làm từ xương hay đá. Các nhà nghiên cứu rất thích thú, vì họ nhận ra một cái nhìn mới về sự biến hóa của chất liệu. Đó quả là cái tài của người nghệ sĩ.
"Tôi thay đổi cách thức sáng tạo nhưng chưa bao giờ thay đổi chất liệu. Từng làm việc với giấy Thái Lan, giấy Nhật Bản, nhưng tôi thích nhất giấy dó Việt Nam. Nó mỏng, dai, thô ráp và gần gũi. Nó không quá dầy như giấy Thái Lan cũng không cầu kì như giấy Nhật Bản. Nó thích hợp với suy nghĩ của tôi, tính cách con người tôi. Đối với tôi, giấy dó là cuộc phiêu lưu chung thủy". - họa sĩ Lê Hiền Minh trả lời.
Sự biến hóa kì lạ của giấy dó mỏng manh
Ở góc nhìn rộng, cấu trúc sắp đặt của tác phẩm "Nhà" khiến người xem liên tưởng đến các biểu tượng cổ xưa
Triển lãm 10 năm Dó của Lê Hiền Minh sẽ kéo dài hết ngày 25/07 tại bảo tàng Mỹ thuật Tp HCM.
Hồ Hương Giang
Ảnh: Angellittlefire