- Nếu không có gì thay đổi, hôm nay (6/5) vụ kỳ án vườn mít – vụ kỳ án đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam sẽ mở phiên xét xử lần 3.
Trò đùa số phận gọi tên… Lê Bá Mai
Liên quan đến vụ “kỳ án vườn mít” gây xôn xao dư luận, hôm nay (ngày 6/5) bị cáo Lê Bá Mai (SN 1982, ngụ tỉnh Thanh Hóa) sẽ hầu tòa trong phiên xét xử lần thứ 3 với cáo buộc phạm tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”. Như vậy sau gần chục năm vụ án hiếp – giết đã đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam vẫn chưa có hồi kết, số phận của Lê Bá Mai vẫn trong vòng lẩn quẩn, tranh cãi….
Hồ sơ vụ án dường như đã thuộc lòng với những người thi hành tố tụng, thậm chí là những người quan tâm đến. Theo đó tháng 11/2004, người dân phát hiện tại khu vực xã An Khương, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước có một thi thể bé gái bị sát hại dã man. Vào cuộc, công an địa phương xác định nạn nhân là Thị Út (SN 1993) đã bị hiếp – giết.\
Nụ cười Lê Bá Mai |
Từ lời khai của nhân chứng duy nhất Thị Hằng (SN 1995 – khi đó 9 tuổi, là người đi cùng Thị Út trước lúc xảy ra vụ án) cơ quan công an đã bắt giữ Lê Bá Mai – người làm công ở một trang trại gần đó.
Hai phiên tòa sơ và phúc thẩm sau đó của TAND Bình Phước và TAND tối cao, Lê Bá Mai bị tuyên tử hình về 2 tội hiếp dâm trẻ em và giết người. Nhưng tháng 5/2007, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ra quyết định hủy cả 2 bản án trên để làm rõ các tình tiết liên quan đến lời khai nhân chứng, vật chứng…
Tháng 7/2010, tòa Bình Phước mở phiên sơ thẩm lần 2 tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung. Gần 1 năm sau, tại phiên sơ thẩm lần 3 Mai được HĐXX tòa Bình Phước tuyên không phạm 2 tội, được trả tự do. Nhưng VKSND tỉnh Bình Phước đã kháng cáo, sau 1 năm tự do, Lê Bá Mai bị bắt giữ trở lại.
Tại phiên phúc thẩm lần 2 vào tháng 6/2012, HĐXX thuộc TAND tối cao tại TP.HCM tuyên hủy án sơ thẩm lần 3, giao cấp phúc thẩm xét xử lại. Lần sơ thẩm lần thứ 4 diễn ra đầu năm 2013 này, Lê Bá Mai bị tòa Bình Phước tuyên một bản án mà dư luận đánh giá là “lơ lửng” - án chung thân, khi bị cáo buộc phạm 2 tội hiếp – giết, là đặc biệt nguy hiểm.
Sau đó Viện KSND Bình Phước kháng án, đề nghị phải tuyên phạt mức án cao nhất đối với Mai là tử hình. Còn Lê Bá Mai cũng kháng cáo kêu oan. Do đó mới dẫn đến phiên phúc thẩm lần thứ 3 này.
Vì sao kỳ án vườn mít đi vào lịch sử tố tụng?
Gần chục phiên xử các cấp,vụ án hiếp – giết vẫn chưa có hồi kết. Gần chục năm trời, số phận Lê Bá Mai vẫn đứng giữa 2 làn ranh vô tội – tử hình.
Phiên tòa đối diện với số phận |
Dù hồ sơ vụ án dày cộm, nhưng dễ thấy chỉ có 2 điểm để buộc tội Lê Bá Mai. Nhưng cả 2 điểm này đều có vấn đề.
Một là, nhân chứng Thị Hằng, lúc xảy ra vụ án mới 9 tuổi, khi nạn nhân Thị Út bị “kẻ lạ” chở đi đứng cách hiện trường khoảng 100m. Các nhân chứng gián tiếp khác đều nghe Thị Hằng kể lại. Hằng khai lung tung, lúc kẻ lạ đó là 1 người thanh niên, lúc thì giống Lê Bá Mai, lúc thì khẳng định là Lê Bá Mai. Hằng thay đổi lời khai, các nhân chứng khác cũng thay đổi.
Hai là, biên bản lời khai lúc thì nhận tội, lúc thì không của chính Lê Bá Mai. Tại bản khai đầu Lê Bá Mai không nhận tội, các bản cung sau đó đều nhận tội. Nhiều lần ra tòa, Mai khai, bị điều tra viên đánh đập ép cung nên nhận bừa, bị bắt học thuộc lòng theo nội dung được chuẩn bị sẵn…
Thực tế qua các phiên xử, càng tranh cãi càng lộ những điểm yếu, những dấu hiệu vi phạm tố tụng của cơ quan trong việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu giữ vật chứng….Chính cơ quan công an và Viện KSND Bình Phước trong các phiên xử đều công khai thừa nhận, có sai sót trong quá trình điều tra vụ án.
Dù chưa có hồi kết nhưng đến nay vụ “kỳ án vườn mít” đã được đưa vào giáo trình của ngành kiểm sát, điều tra…bởi kỳ án đã đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam.
Không biết hôm nay số phận của Lê Bá Mai sẽ được định đoạt ra sao ?
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc
• Đàm Đệ