- Liên quan đến vụ cháy lớn tại cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) vào chiều 3/6, trong khi cơ quan chức năng khẳng định trang thiết bị của lực lượng PCCC Hà Nội rất hiện đại nhưng nhiều bạn đọc lại cho rằng, việc chữa cháy chưa chuyên nghiệp khi sau 5 tiếng mới khống chế được ngọn lửa.

Chưa chuyên nghiệp?

Chia sẻ trên diễn đàn của VietNamNet, bạn đọc Minh Tân phân tích: “Qua hình ảnh hiện trường trực tiếp, tôi nhận thấy việc tổ chức chữa cháy không chuyên nghiệp, lực lượng chuyên trách (có quần áo bảo hộ) thưa thớt. Bên cạnh đó, phương tiện, phương pháp chữa cháy chưa hiệu quả (bọt chống cháy có hiệu quả nhưng rất tiếc là quá ít)...”.

Nhiều bạn đọc cũng bày tỏ thắc mắc với phương án dùng nước để dập lửa cháy ở cây xăng. Bạn đọc Trần Hoàng Khôi bức xúc: “Cháy cây xăng mà lại chữa bằng nước thì khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”.

“Không hiểu nổi lý do gì mà lại có nhiều nước ở hiện trường, cho dù là làm mát. Nếu như vậy thì lửa càng nhanh chóng lan toả. Tốt nhất vẫn là chữa cháy bằng bột BC hoặc CO2, cát chỉ dùng cho đám cháy nhỏ”, một độc giả khác đồng tình.

{keywords}

Lực lượng PCCC làm nhiệm vụ sau khi cây xăng dầu của quân đội tại số 2B Trần Hưng Đạo

Tuy nhiên, trao đổi trên 1 tờ báo mạng, đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội khẳng định cứu hỏa chỉ dùng nước phun vào làm mát cho lực lượng chữa cháy. Còn để dập tắt đám cháy từ xe bồn phải dùng bọt khí CO2.

Trong khi đó, bạn đọc tên Lan ở phố Tây Hồ, Hà Nội cũng lý giải: “Phải phun nước để hạ nhiệt bồn xăng, nếu không bồn có thể phát nổ khi đủ nhiệt, lúc này hậu quả rất khó lường”.

Bên cạnh đó, nhiều độc giả lại phàn nàn khi lực lượng PCCC được trang bị quá sơ sài. Bạn đọc Khánh Nguyễn cho rằng: “Bảo hộ cho lính cứa hoả phải có quần áo chống nóng, dài tay, mũ vành rộng, giày bảo hộ loại đặc biệt, đeo găng tay chống nóng, trường hợp cần thiết phải đeo mặt nạ chống độc/khói. Trong lúc chữa cháy hôm qua, chiến sĩ chữa cháy mặc áo chuyên dụng cách lửa, cách nhiệt được bao nhiêu người? Thậm chí nhiều chiến sĩ còn thiếu găng tay”.

Độc giả Nguyễn Tuân cũng cho rằng, thời gian để dập tắt ngọn lửa của 1 xe bồn cháy mà đến hơn 5 tiếng là quá lâu, trong khi cảnh sát PCCC phải hoạt động cả trăm lượt xe cứu hoả, cùng gần 1.000 người tham gia.

Ngoài ra, bạn đọc Minh Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nêu ý kiến: "Lần đầu tiên ở Hà Nội có cháy lớn như vậy, sao không dùng trực thăng để hỗ trợ việc chữa cháy?".

Liên quan đến các vấn đề trên, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội khẳng định, trong vụ cháy này, đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để tập trung cứu chữa.

Theo ông Nghi, trang thiết bị hiện nay của lực lượng PCCC Hà Nội đang là những thiết bị tốt nhất, hiện đại nhất. Thế nhưng, do khối lượng xăng tại đây quá lớn khiến không thể một lúc mà dập tắt được đám cháy ngay, bởi có hơn 100 mét khối xăng bốc cháy ngùn ngụt, rất nguy hiểm.

Liên quan đến vấn đề chữa cháy, TS. Nguyễn Minh Khương, Trưởng khoa Chữa cháy, Đại học Phòng cháy Chữa cháy khẳng định trên Phunutoday, vụ cháy này không thể dùng trực thăng chữa cháy.

Theo TS. Khương, trong trường hợp cháy xe bồn kể trên không thể dùng trực thăng vì nếu dùng thả bọt từ trên cao xuống có thể gây nổ téc xăng đó, làm xăng dầu tràn ra ngoài, lúc đó đám cháy sẽ lớn hơn rất nhiều lần.

“Cháy xăng dầu chỉ chữa cháy bằng bọt và làm mát để khống chế không cho nó nổ - đây là điều quan trọng đầu tiên, sau đó mới tính tới chuyện dập tắt đám cháy như thế nào. Cháy bồn chứa xăng dầu nguy cơ nổ rất cao, nên các chiến sĩ chữa cháy không thể tiếp cận quá gần, có thể nổ bất kể lúc nào, rất nguy hiểm”, TS. Khương phân tích.

Làm gì sau đám cháy?

Ngoài việc chỉ ra những điểm còn yếu, chưa hiệu quả trong việc chữa cháy, nhiều bạn đọc cũng đưa ra các phương án cho tình huống chữa cháy ở cây xăng.

{keywords}

Nhiều bạn đọc lại cho rằng, việc chữa cháy chưa chuyên nghiệp.

 

Bạn đọc ở địa chỉ Email: kyph..@...com, nhấn mạnh: “Phương án phun bọt ngang vào ngọn lửa xe bồn là không có tác dụng dập đám cháy. Đáng ra đơn vị PCCC phải dùng xe thang mang người và vòi phun từ trên cao phun thẳng vào miệng xe bồn thì mới dập tắt được đám cháy, đồng thời phun nước làm mát để xe bồn không bị nổ”.

Còn bạn đọc Trần Huy nhấn mạnh: “Nếu chữa bằng cách CO2 thì phải sử dụng chiến thuật phun chùm, không thể phun như thế được vì không hiệu quả. Phun chùm tức là chỉnh đầu vòi phun để khí CO2 thoát ra bao trùm và cắt ngọn lửa từng phần một. Nếu 1 vòi không đủ cắt thì sử dụng nhiều vòi đồng thời với nhau. Cắt được theo kiểu cuốn chiếu đến khi khống chế được ngọn lửa.

Nguyên tắc cơ bản trong chữa cháy là phải tìm mọi cách để cô lập nguồn chất cháy. Các anh PCCC nên nhảy vào để khống chế cô lập được chỗ rò rỉ hay van xả xăng. Việc này, một lính PCCC mặc đồ chống nóng Alumi, đeo bình thở và có hỗ trợ làm mát thì đi vào đám cháy để xử lý công nghệ là làm được một cách an toàn".

Bạn đọc Lê Chung cũng cho rằng: “Xe phun nước không chỉ phun nước không mà cần phải trộn lẫn với cát. Như máy hút cát, vừa phun được nước và cát. Lúc đó việc dập lửa sẽ dễ dàng hơn nhiều. Chỉ phun nước không thì xăng dầu vẫn cháy trên bề mặt nước”.

Qua sự cố trên, nhiều bạn đọc cũng đồng tình khi cho rằng, các cơ quan, địa phương cần phải quản lý chặt chẽ về công tác an toàn tiếp nhiên liệu và PCCC tại các cây xăng và khu vực xung quanh, để tránh lặp lại những sự việc đang tiếc.

Độc giả có nickname Tung79 ở Biên Hòa, cũng phản ánh: “Nhiều cây xăng hiện nay tận dụng mặt bằng cho thuê làm nhà hàng tiệc cưới ngay trong sân và xe khách hàng để trong sân. Khi tan tiệc khách hàng say xỉn vô tư hút thuốc đứng đợi nhau trong bãi xe trong cây xăng, nguy cơ cháy nổ là vô cùng nghiêm trọng… Có lần đi đám cưới người bạn khi ra về thấy cảnh đó mình không dám đứng trong sân đợi xe nữa”.

Còn chị Hoài Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Qua sự cố cháy tại cây xăng nhiều người mới giật mình cảnh giác. Trước đó, không ít người vào cây xăng đổ xăng mà vẫn hồn nhiên nghe điện thoại dù đã có biển cảnh báo. Thậm chí, có người còn thoải mái hút thuốc ngay gần cây xăng. Đúng là "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ".

XEM LẠI VIDEO CHÁY CÂY XĂNG:


L.Lam (Tổng hợp)