- “Nếu có tiền tôi sẽ ra nước ngoài chữa bệnh” - đó là câu cửa miệng của rất nhiều người. Trong khi đó, Việt Nam không thiếu bác sĩ giỏi. Vậy nguyên nhân tại sao tầng lớp khá giả lại muốn tới bệnh viện ngoại hơn?

Chấp nhận tốn kém để mua…nụ cười

Anh Nguyễn Đức Phong, 40 tuổi, ngụ tại quận 3, TP.HCM, có vợ bị ung thư vú. Sau một hồi đắn đó, cân đối tài chính anh đã quyết định đưa vợ sang Singgapore điều trị.

{keywords}

Phòng VIP ở một bệnh viện tại nước láng giềng có giá tương đương 2 triệu đồng. Ảnh: Thanh Huyền.

“Không phải không tin tưởng bác sĩ Việt Nam nhưng bệnh viện của ta quá tải quá. Nội nhìn cảnh vợ ốm đau bệnh hoạn còn phải vật vã ngồi chờ khám khiến tôi chẳng đành lòng.

Trong khi đó, qua Singgapore chi phí chỉ tương tương với bệnh viện 5 sao ở Việt Nam, nhưng họ rất chiều chuộng, chu đáo với mình. Chưa biết bệnh có khỏi không nhưng tinh thần bà xã tôi rất thoải mái. Được thế tôi cũng vui rồi!” - anh Phong tâm sự.

Một bệnh nhân khác cũng chung suy nghĩ như anh Phong. Đó là bà Lưu Ánh Tuyết, 71 tuổi, ngụ tại Hà Nội bị ung thư phổi giai đoạn cuối nhưng vẫn quyết định chọn Bệnh viện Ung bướu hiện đại Quảng Châu (Trung Quốc) làm điểm đến.

Bà Tuyết chia sẻ: “Tại Việt Nam mỗi lần khám bệnh phải chờ đợi sốt ruột quá. Dù biết mình khó sống qua 5 tháng nhưng tôi và gia đình vẫn hy vọng còn nước còn tát. Bên này dịch vụ tốt, cơ sở vật chất sạch sẽ.

Họ rất biết cách thu hút người nước ngoài bằng cách trong giá tiền giường bệnh đã tính luôn cho một người thăm nuôi. Như vậy chồng tôi chỉ tốn tiền vé máy bay và ăn uống (tùy ý), không phải lo tiền thuê khách sạn nữa”.

Được biết, mỗi năm Bệnh viện Ung bướu hiện đại Quảng Châu tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân đến từ Việt Nam. Việc “chảy máu” dòng tiền từ người dân đổ ra các bệnh viện nước ngoài đang khiến ngành y tế Việt Nam không khỏi trăn trở.

{keywords}

Phòng thường ở một bệnh viện cao cấp tại nước ngoài có giá hơn 600 ngàn đồng. Ảnh: Thanh Huyền.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 2 tỉ USD do hơn 40.000 bệnh nhân ra nước ngoài khám chữa nhiều bệnh như tim mạch, ung thư, tiêu hoá, mạch máu, thẩm mĩ…

Hầu hết các bác sĩ đầu ngành đều cho rằng các yếu tố: bệnh viện quá tải, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh còn thiếu, thủ tục khám chữa bệnh rườm rà, trình độ bác sĩ còn chưa đồng đều… khiến người bệnh mất niềm tin vào việc điều trị trong nước.

Khám 5 phút nhưng chờ 1 tiếng?

Ngày 14/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã “ra quân” kiểm tra các bệnh viện tại TP.HCM sau một năm thực hiện các biện pháp giảm tải.

Đơn vị đầu tiên được Bộ trưởng tới làm việc, mở đầu đợt kiểm tra này là Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và cũng là bệnh viện có tình trạng quá tải trầm trọng nhất thành phố.

Là trung tâm điều trị ung bướu của cả phía Nam và miền Trung, Tây Nguyên, Bệnh viện Ung bướu TP. đang có số lượng bệnh nhân nằm viện quá lớn tới 1.500-1.700 người.

Trong khi đó, bệnh viện chỉ có quy mô hơn 600 giường bệnh. Việc bệnh nhân phải nằm ghép chung 2-3 người/giường không còn là lạ ở bệnh viện này.

{keywords}

Một bệnh nhân Việt Nam đang chữa bệnh tại nước ngoài. Ảnh: Thanh Huyền.

Năm 2011, tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, số bệnh nhân từ tỉnh lên chiếm 60-70% thì năm 2012 đã tăng lên 78% (thêm 10%/năm). Số bệnh nhân đợi xạ trị ở bệnh viện khoảng 800 lượt (so với năm 2011 là 1.000 lượt).

Bản thân Bộ trưởng rất thông cảm và chia xẻ với các bệnh nhân bởi bản thân bà khi đi thị sát thấy người bệnh rất vất vả mới hoàn tất được một quy trình khám, chữa bệnh.

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho biết, toàn bộ quy trình khám chữa bệnh của một bệnh nhân tại đây trong một lần khám mất khoảng 2 giờ.

Trong đó, khâu lấy số điện tử và làm thủ tục khám chỉ mất 5 phút nhưng thời gian chờ để đến lượt làm thủ tục mất đến 40-60 phút.  Sau đó, bệnh nhân lại phải chờ thêm 30-60 phút nữa mới đến lượt để vào khám. Thời gian bệnh nhân gặp bác sĩ, được bác sĩ khám rất ít.

Tại hội thảo bàn về vấn đề Người Việt Nam ưu tiên chữa bệnh tại Việt Nam diễn ra đầu năm nay, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM) cho rằng, số người bỏ ra nước ngoài chữa bệnh là tầng lớp khá giả, có thu nhập cao. Họ bỏ Việt Nam đi không phải để tìm một kỹ thuật y tế siêu việt hơn mà là tìm dịch vụ tốt hơn.

Ngay cả người trong nước cũng chưa biết Việt Nam đứng đầu trong rất nhiều lĩnh vực kỹ thuật y tế, thậm chí các bệnh nhân từ những nước tiên tiến như Thái Lan, Nga, Đức còn tìm đến điều trị.

Chỉ riêng kỹ thuật nuôi trứng non trưởng thành trong ống nghiệm, Việt Nam không chỉ đứng đầu Đông Nam Á mà thuộc hàng đầu thế giới.

Ngoài ra lĩnh vực chấn thương chỉnh hình cũng có những thành tựu vượt bậc. Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đã phát triển rất tốt về vi phẫu và áp dụng được chuyển ghép xương mác, chuyển ngón chân lên bàn tay để thay thế ngón tay cái và thay thế khớp khuỷu.

Không chỉ thế, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã áp dụng được kỹ thuật nong mạch máu não và tủy sống…

Phải nói chất lượng chữa bệnh ở Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Tuy nhiên việc cơ sở vật chất, tình trạng quá tải… đang làm người bệnh, nhất là những người trung lưu có tiền nản lòng và nhiều người chọn ra nước ngoài khám, chữa bệnh.

Giải quyết bài toán quá tải hiện vẫn chưa có lời giải ở Việt Nam ?

Thanh Huyền