- Trong vụ 3 sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B tại Quảng Trị, có thông tin cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng là do việc bảo quản không tốt (mất điện). Vậy theo quy định, quy trình bảo quản vắc xin như thế nào?

Quy trình chặt chẽ

BS Phạm Mai Đằng, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, vắc xin được bảo quản, vận chuyển theo một quy trình rất nghiêm ngặt.

Đối với vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B hay bất cứ loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia sẽ từ Trung tâm Y tế dự phòng TP chuyển bằng xe ô tô tới các bệnh viện và cơ sở y tế.

{keywords}

Tại các cơ sở y tế vẫn tổ chức chích ngừa viêm gan siêu vi B bình thường. Ảnh: Thanh Huyền

Vắc xin được giữ trong hộp lạnh liên tục trong quá trình vận chuyển, và để trong tủ lạnh tại các đơn vị y tế để lưu giữ.

Nhiệt độ bảo quản vắc xin từ 2 – 8 độ C.

Khi lấy vắc xin ra chích ngừa, nhân viên chích ngừa không được mở tủ lạnh quá lâu.

Ngoài ra, sau khi chích, phải theo dõi trẻ tại chỗ ít nhất 30 phút, môi hồng, thở đều mới được cho về.

Nếu trẻ bị sốc sau khi chích vắc xin sẽ có các biểu hiện như: da lạnh, chi mát, da nổi bông, lừ đừ, hôn mê, khò khè, thậm chí là ngưng thở.

Chẳng may trẻ bị sốc vắc xin nhưng kịp thời vẫn cứu được. Các bác sĩ sẽ đặt nội khí quản, tiêm thuốc giải mẫn cảm và truyền dịch.

Một số trường hợp nặng, sốc phản vệ sẽ làm trẻ suy đa cơ quan và tử vong, tuy nhiên nhiều bệnh nhi đáp ứng tốt sau khi cứu chữa từ 2 – 3 tiếng là thấy kết quả rõ rệt.

Bác sĩ Đằng cho rằng, chích ngừa vắc xin viêm gan siêu vi B cho trẻ sơ sinh là chương trình quốc gia, góp phần giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan cho cộng đồng.

Và quan trọng hơn cả, sau khi chích ngừa, phụ huynh phải theo dõi con, đừng ủ chăn quá kín (khó phát hiện nếu trẻ có bất thường).

Mũi chích zero, không có cũng được?

Theo BS Lê Việt Hà, Viện nghiên cứu kinh tế y tế và quản trị bệnh viện TP.HCM, vắc xin như thuốc, khi đưa vào các cơ sở y tế đều phải theo quy chế về đấu thầu.

Vắc xin hiện đang được sử dụng tại bệnh viện và các cơ sở y tế của ta hiện có 2 nguồn là nhập khẩu và sản xuất trong nước.

{keywords}
3 trẻ sơ sinh tử vong tại Quảng Trị

Vắc xin tiêm phòng viêm gan siêu vi B trong chương trình tiêm chủng quốc gia cũng vậy.

“Khi xảy ra tử vong, cơ quan điều tra sẽ kiểm tra vắc xin có được bảo quản đúng quy trình không, bởi nếu vắc xin mà lưu trữ không đúng sẽ biến chất, khả năng gây tử vong rất cao. Nếu vắc xin bảo quản tốt, bước tiếp theo sẽ là kiểm tra chất lượng vắc xin.

Tuy nhiên, cũng có tỷ lệ nhỏ vắc xin chất lượng tốt, bảo quản tốt nhưng khi chích vẫn gây sốc. Nguy cơ chích một yếu tố lạ vào cơ thể có thể gây ra sốc phản vệ.

Điều này ngành y tế và công ty sản xuất vắc xin đều hiểu. Không có chuyện chích ngừa vắc xin là an toàn 100 %”, bác sĩ Hà nói.

Trong khi đó, theo BS Phạm Mai Đằng,  hiện đơn vị này vẫn tổ chức chích ngừa viêm gan siêu vi B cho trẻ sơ sinh bình thường.

Theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, trẻ sinh ra khỏe mạnh, có cân nặng trên 2,5 kg sẽ được chích một mũi ngừa viêm gan siêu vi B trong 1 tuần đầu sau khi sinh.

“Nước ta thuộc vùng dịch tễ của bệnh viêm gan siêu vi B nên việc chích ngừa viêm gan siêu vi B cho trẻ là rất cần thiết.

Trong suốt 10 năm qua chưa có ca tử vong nào do chích ngừa loại vắc xin này. Có nhiều thống kê cho thấy nhờ chích ngừa viêm gan siêu vị B sau khi sinh mà tỷ lệ trẻ em nhiễm bệnh giảm đáng kể”, bác sĩ Đằng chia sẻ.

Tuy nhiên, bác sĩ Đằng cũng nhấn mạnh, trẻ được khuyến cáo tiêm tổng cộng từ 3 – 4 mũi ngừa viêm gan siêu vi B.

Mũi tiêm trong vòng 24h – 7 ngày sau sinh gọi là mũi Zero, tiêm cũng được mà không tiêm cũng được.

Có nhiều bé vì bị bệnh, không đủ điều kiện sức khỏe chích ngừa, quá 7 ngày sẽ bỏ luôn mũi tiêm zero này, tới khi được 2 tháng tuổi chích luôn mũi số 1 vẫn không sao.

Tương tự, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, PGĐ Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết, bệnh viện vẫn tổ chức chích ngừa cho trẻ sơ sinh bình thường.

Chích ngừa viêm gan siêu vi B nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia nên không có gì thay đổi.

Viêm gan siêu vi B không phải là bệnh di truyền mà là bệnh truyền nhiễm. Đường lây chủ yếu của viêm gan siêu vi B là từ mẹ sang con, đường máu, dịch tiết của người đã nhiễm bệnh và quan hệ tình dục không an toàn.

Người lớn nhiễm viêm gan siêu vi B, 10% trở thành mãn tính. Riêng với trẻ em nếu nhiễm viêm gan siêu vi B, 90% sẽ trở thành mãn tính.

Đặc biệt, trẻ sơ sinh bị viêm gan siêu vi B cấp sẽ tử vong, trẻ dưới 5 tuổi nhiễm viêm gan siêu vi B sẽ bị xơ gan, vàng da, ứ mật (tỷ lệ tử vong rất cao).

Mỗi năm, trên thế giới có 240 triệu người bị viêm gan siêu vi B mãn tính.

Thanh Huyền