- Trong khi người nhà nạn nhân khẳng định trước khi tiêm không thử thuốc, và đây là một trong những lý do khiến họ bức xúc. Nhưng lãnh đạo bệnh viện cũng như BS chỉ định tiêm lại thông tin rằng, đã tiến hành thử thuốc trước khi tiêm cho bệnh nhân.

"Buộc phải dùng kháng sinh"?

Làm việc với VietNamNet xung quanh vụ bệnh nhân Nguyễn Xuân Hồng (75 tuổi, trú xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên) chết sau khi tiêm thuốc, lãnh đạo Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh khẳng định, đã thử phản ứng trước khi tiêm. Và thông tin bệnh nhân dị ứng với kháng sinh là có, nhưng BS vẫn chỉ định tiêm.

Bác sĩ Đào Xuân Lý, Phó khoa Chấn thương, người đã bị đình chỉ để làm rõ vụ này cho biết, bệnh nhân Hồng, nhập viện do bị viêm xương cẳng chân trái.

{keywords}
Hiện trường vụ đập phá kinh hoàng do bức xúc khi bệnh nhân chết sau khi tiêm.

Sáng 12/8, tiến hành kiểm tra bệnh án, ông Lý thấy đã có kết quả kháng sinh nên chọn ra 2 loại kháng sinh hữu hiệu là Trikazim và Ciprofloxacin Kabi để dùng cho bệnh nhân.

Ông Lý cũng thừa nhận là trước khi tiêm có hỏi người nhà bệnh nhân là bà Diên "bệnh nhân có dị ứng với kháng sinh gì không" thì bà ấy cho biết bệnh nhân có dị ứng trong quá trình điều trị trước đó.

Và khi chuyển viện, trong giấy giới thiệu từ BV Cẩm Xuyên cũng đã ghi thông tin bệnh nhân dị ứng với kháng sinh.

{keywords}
 
BS Đào Xuân Lý, 1 trong 2 người đang bị đình chỉ công tác vẫn khẳng định không có sai sót.

"Tuy nhiên hỏi người nhà dị ứng kháng sinh gì thì họ cũng không rõ, trong hồ sơ bệnh nhân cũng có ghi dị ứng kháng sinh nhưng không ghi rõ kháng sinh gì" - ông Lý nói.

Cũng theo ông Lý, sau khi chọn tên 2 loại kháng sinh như đã nói trên và hỏi ý kiến của bà Diên và đã được đồng ý nên mới cho tiêm (?) Tuy nhiên thông tin này của BS Lý đã bị người nhà phủ nhận.

Một thông tin đáng chú ý, trong khi người nhà nạn nhân khẳng định trước khi tiêm không thử thuốc, và đây là một trong những lý do khiến họ bức xúc thế nhưng lãnh đạo bệnh viện cũng như BS chỉ định tiêm lại thông tin rằng đã tiến hành thử thuốc trước khi tiêm cho bệnh nhân.

Phó GĐ Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh, BS Lê Quế cũng cho biết, đối với 2 loại kháng sinh sử dụng cho bệnh nhân không thuộc danh mục phải thử thuốc nhưng bác sỹ đã thận trọng thử thuốc (?)

"Bệnh nhân tử vong là rủi ro chứ bệnh viện không có sai sót gì về tinh thần trách nhiệm lẫn chuyên môn. Bệnh nhân này bắt buộc phải sử dụng kháng sinh để điều trị viêm xương, ngoài ra còn phải mổ để nạo vét" - ông Quế khẳng định.

Hỗ trợ 20 triệu do "mối quan hệ"!

Thông tin đáng chú ý, trong cuộc họp giữa các bên liên quan sau khi xảy ra vụ đập phá, phía bệnh viện đã hỗ trợ cho gia đình nạn nhân tổng cộng 23 triệu đồng, trong đó bệnh viện cho 20 triệu, khoa chấn thương 3 triệu.

 

{keywords}
Mặc dù BS điều trị biết bệnh nhân dị ứng với kháng sinh (qua hồ sơ và lời người nhà) nhưng vẫn chỉ định tiêm, dẫn đến sốc tử vong.

Phát biểu với người nhà bệnh nhân, ông Nguyễn Viết Đồng - GĐ bệnh viện khẳng định: "Bình thường những vụ thế này BV không hỗ trợ. Nhưng do có mối quan hệ của gia đình nạn nhân (làm trên tỉnh) nên hỗ trợ để lo cho ông".

Ông Quế cũng thông tin, hiện lãnh đạo bệnh viện đã tạm đình chỉ công tác kể từ ngày 13/8 đối với Phó trưởng khoa Chấn thương Đào Xuân Lý (BS điều trị) và điều dưỡng khoa chấn thương Phan Văn Hà (người tiêm) để phục vụ công tác điều tra, làm rõ một số vấn đề.

Theo một nguồn tin của VietNamNet, trong cuộc họp chiều 13/8 với công an và các lực lượng chức năng tại UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Kỳ đã yêu cầu lực lượng công an điều tra làm rõ vụ việc nghiêm trọng này.

Nguồn tin cho biết, ông Kỳ đã nhấn mạnh, cơ quan điều tra cũng cần phải làm rõ có thông tin người nhà cảnh báo với BS việc bệnh nhân dị ứng với kháng sinh nhưng BS vẫn tiêm, dẫn đến sốc tử vong. Nếu có dấu hiệu tắc trách phải xử lý nghiêm.

Liên quan đến việc điều tra nguyên nhân cái chết, Đại úy Nguyễn Văn Tường, Phó trưởng CA phường Bắc Hà cho biết, mặc dù gia đình yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của ông Hồng, nhưng lại từ chối mổ tử thi để giám định.

Theo ông Tường, chỉ có giám định pháp y qua phương pháp mổ tử thi mới cho kết quả chính xác nguyên nhân cái chết. Việc gia đình từ chối giám định khiến việc làm rõ nguyên nhân rất khó.

Đánh giá về hành vi đập phá tài sản, đánh BS, đại úy Tường nhận định đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng về tính chất cũng như mức độ. Người nhà quá khích đã có hành vi gây rối, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ, đánh y bác sỹ. Thậm chí khi BS bỏ chạy còn đạp cửa các phòng điều trị để tìm bằng được.

Thượng tá Nguyễn Tiến Nam, Trưởng CA TP. Hà Tĩnh cho biết, hiện cơ quan điều tra vẫn đang thu thập hồ sơ để điều tra nguyên nhân cái chết cũng như hành vi vi phạm pháp luật của người nhà bệnh nhân.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin

Trần Văn - Duy Quang

Vì sao người nhà bệnh nhân đánh BS, phá bệnh viện?
Người nhà bệnh nhân đập phá bệnh viện, đánh BS