- Loanh quanh những ngày cuối năm, đâu cũng thấy bàn chuyện thưởng Tết. Và sôi động nhất sau chuyện thưởng Tết của giới công chức văn phòng lại là chuyện thưởng Tết cho người giúp việc.

Thưởng Tết cho osin cao hơn thưởng cơ quan

Sôi động nhất chuyện thưởng Tết cho giúp việc là ở trên các diễn đàn dành cho phụ nữ, các bà mẹ. Một số thành viên cho rằng, số tiền thưởng Tết nên tương đương với một tháng lương.

Thành viên tên MebeK… cho rằng, bé nhà chị mới chưa đầy tuổi, cả nhà đi làm hết, bác giúp việc ở nhà chăm sóc cho mình thì nên tùy theo độ chu đáo của bác ấy mà thưởng Tết. 2 vợ chồng sau khi ngồi lại với nhau, thông qua cả ý kiến của mẹ chồng chị thì thống nhất thưởng cho bác giúp việc Tết dương 1 tháng lương, Tết Âm 1 tháng lương. Tổng cộng mức thưởng của bác giúp việc nhà MebeK… lên đến 4 triệu.

MebeK… chia sẻ: “Dù tiền thưởng Tết của cơ quan không đủ cho mình thưởng Tết cho giúp việc, nhưng mình chu đáo với bác ấy thì bác ấy sẽ tốt với con của mình thôi”.

Chuyện thưởng tết cho người giúp việc thêm 1,2 tháng lương bây giờ không phải là chuyện hiếm ở các gia đình (ảnh minh hoạ)

Có nhà sau khi thưởng mức như MebeK… còn cẩn thận mua thêm quần áo, bánh kẹo cho giúp việc mang về quê để ăn Tết. Gia đình nào khá giả hơn còn “bạo tay” mừng tuổi thêm cả con cái, bố mẹ của bác giúp việc ở quê để bác... phấn khởi sau Tết lên làm tiếp cho gia đình.


Nhà chị Giang (phố Thái Thịnh, quận Đống Đa) sau khi thưởng tháng lương thứ 13 cho người giúp việc xong còn mạnh tay "điều" một chuyến ô tô để đến 25 Tết sẽ đưa bác giúp việc về quê để bác được nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng.

Chị Giang còn "mạnh dạn" hứa, nếu sau Tết bác lại quay lên làm việc tiếp thì sẽ mừng tuổi thêm... 1 tháng lương đầu năm cho… hên.

Nguyên do là năm ngoái, cô bé 16 tuổi làm giúp việc trông em bé cho chị Giang, sau khi lĩnh tháng lương thứ 13 thưởng Tết xong thì về thẳng quê và không thấy lên nữa. Chị Giang gọi thế nào cô bé cũng tắt máy điện thoại. Vì thế, năm nay chị quyết định mạnh tay thưởng Tết nhưng thêm cả 1 tháng lương thứ 14 nếu bác giúp việc lên làm sau Tết.

Theo chị, làm thế thì người ta sẽ muốn quay lại làm với mình. Hơn nữa, cho ô tô chở giúp việc về quê, người ta vừa tự hào, mình lại biết nhà người ta, có gì còn xuống đón.

Những chiêu thưởng Tết độc đáo

Một số người không có điều kiện kinh tế để thưởng Tết cao ngất thì nghĩ ra nhiều “chiêu độc” để “lấy lòng” người giúp việc.

Chị Minh Hồng (phố Chùa Láng) lại nghĩ ra cách thưởng vừa không tốn quá nhiều tiền mà giúp việc nhà chị vẫn xúng xính về quê.

Chị ra chỗ bán quần áo xả hàng made in VietNam mua một chiếc áo phao tím long lanh giá 150 nghìn tặng bác giúp việc mặc Tết. Cơ quan có bộ ấm chén và lịch in đồng loạt tặng nhân viên, chị mang ra biếu bác mang về quê dùng Tết. Biếu thêm bác tiền tàu xe và 500 nghìn mừng Tết, chị Hồng yên tâm vì cho rằng, được nhiều đồ như thế, bác giúp việc nhà chị cũng thấy mình được thưởng hậu hĩnh. Còn chị thì lại không tốn kém một khoản tiền quá lớn.

Có gia đình nghĩ ra mẹo mới, thưởng Tết 2 tháng lương, 1 tháng cho Tết dương, 1 tháng cho Tết âm. Nhưng chỉ đưa tiền Tết dương cho giúp việc về quê. Còn tiền Tết âm lịch thì sau khi lên làm tiếp sẽ nhận. Nickname mech... trên diễn đàn còn cho biết, gia đình chị còn khuyến khích, nếu bác giúp việc lên sớm một ngày so với lịch đã hẹn thì thưởng thêm 200 nghìn. Thành viên này cho biết, với mẹo này, năm nào bác giúp việc nhà chị cũng đúng hẹn hoặc lên sớm 1,2 ngày so với lịch hẹn. Vậy là cả gia đình với người giúp việc đều hỉ hả.

Nhiều người cho rằng, thật ra những người giúp việc được thưởng cao không hẳn là do người ấy làm tốt hoàn toàn. Lý do đơn giản là bây giờ, để kiếm được người giúp việc ưng ý thì vô cùng khó khăn. Và với tâm lý “nhịn hơn nhịn cơm sống”, “chiều một tí nhưng được lòng mình”, nhiều gia đình bây giờ không ngại tốn kém để chi ra những khoản thưởng hậu hĩnh cho người giúp việc gia đình vào dịp Tết này.

  • Thu Lý