Ông Đỗ Quang Trung, Trưởng chi nhánh VNNIC tại TP.HCM và ông Trương Minh Thuần, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh An Giang ký kết thỏa thuận hợp tác của 2 đơn vị. |
Thỏa thuận hợp tác về phối hợp tăng cường quản lý và phát triển tài nguyên Internet trên địa bàn tỉnh An Giang vừa được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Bộ TT&TT và Sở TT&TT An Giang ký kết.
Thời gian tới, VNNIC và Sở TT&TT An Giang sẽ phối hợp triển khai một số hoạt động trọng tâm như: Tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo, tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc đăng ký và sử dụng tài nguyên Internet quốc gia;
Tư vấn, hỗ trợ ứng dụng công nghệ tài nguyên Internet và thúc đẩy kết nối hạ tầng số quốc gia - Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) nhằm phục vụ các hoạt động CNTT trên địa bàn, phục vụ việc xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số quốc gia; Phối hợp khảo sát, trao đổi các số liệu về tình hình phát triển, sử dụng Internet tại An Giang.
Đại diện VNNIC cho biết, việc mở rộng, tăng cường hợp tác với các tổ chức, cơ quan nhà nước tại địa phương là một trong những mục tiêu trọng điểm VNNIC thực hiện trong giai đoạn tới nhằm phát triển Internet Việt Nam, hỗ trợ chuyển đổi mạng Internet, hạ tầng CNTT của các tỉnh sang IPv6, phục vụ việc xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số quốc gia.
Tính đến nay, VNNIC đã ký thỏa thuận hợp tác với 14 Sở TT&TT để triển khai hiệu quả các công tác nâng cao ứng dụng tài nguyên Internet tại địa phương. Cùng với đó, VNNIC cũng hỗ trợ 20 Sở TT&TT xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv6 và chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng thông tin điện tử của đơn vị.
Theo VNNIC, tỷ lệ ứng dụng IPv6 tại Việt Nam đạt 45,08%, xếp thứ 10 trên thế giới. Việc chuyển đổi sang Internet IPv6 là yêu cầu bắt buộc. Mục tiêu đặt ra là chuyển đổi hoàn toàn mạng Internet Việt Nam sang IPv6, 100% người dân truy cập Internet sử dụng IPv6 vào năm 2025.
Để đạt được mục tiêu trên, đại diện VNNIC nhấn mạnh, việc tăng cường ứng dụng tài nguyên Internet quốc gia cùng với quy hoạch nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống CNTT, chuyển đổi toàn bộ hệ thống CNTT, Internet sang IPv6 theo mô hình tham chiếu về kết nối mạng cho bộ, ngành, địa phương là lộ trình cơ bản và ưu tiên để các tổ chức, cơ quan nhà nước đảm bảo sẵn sàng kết nối, an toàn hệ thống mạng, dịch vụ để phát triển các dịch vụ công trực tuyến, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử.
Các giải pháp cụ thể về quy hoạch hiện đại hóa hạ tầng mạng lưới dịch vụ được khuyến khích là quy hoạch mạng độc lập, kết nối đa hướng tới nhiều nhà cung cấp dịch vụ Intenret và kết nối Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX), triển khai hệ thống DNS riêng với công nghệ an toàn bảo mật DNSSEC…
Thời gian tới, VNNIC sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thực tiễn trong khuôn khổ hợp tác với các tổ chức, cơ quan nhà nước tại địa phương nhằm thúc đẩy phát triển Internet Việt Nam bền vững, đáp ứng những yêu cầu về ứng dụng tài nguyên Internet công nghệ cao trong hành trình chuyển đổi số quốc gia.
Đại diện VNNIC cập nhật các kiến thức chuyên sâu về IPv6, DNS cho các cán bộ chuyên trách của 20 Sở TT&TT khu vực phía Nam. |
Cũng vào cuối tháng 10/2020, tại TP.HCM, VNNIC đã tổ chức chương trình tập huấn, đào tạo IPv6, DNS chuyên sâu cho khối cơ quan nhà nước tại khu vực phía Nam. Có sự tham gia của gần 60 cán bộ chuyên trách CNTT đến từ 20 Sở TT&TT khu vực phía Nam, chương trình đào tạo, tập huấn này là một hoạt động trong khuôn khổ Chương trình “IPv6 for Gov” nhằm thúc đẩy chuyển đổi Internet, hạ tầng CNTT của các cơ quan nhà nước sang IPv6.
Tham gia chương trình, các học viên đã được VNNIC cập nhật kiến thức mới nhất về IPv6, DNS cùng các khuyến nghị thực tiễn sát với hiện trạng CNTT của Bộ, ngành hiện tại nhằm đảo bảm kết nối, an toàn dự phòng cho hệ thống mạng lưới, dịch vụ trên nền tảng IPv6, hướng tới việc xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số quốc gia.
Là chương trình hỗ trợ triển khai IPv6 cho cơ quan nhà nước trong giai đoạn 2020-2025, “IPv6 for Gov” được phát triển bởi VNNIC. Lấy khối cơ quan nhà nước làm trọng tâm, Chương trình đặt mục tiêu đào tạo mới 500 lượt chuyên gia IPv6, DNS cho cơ quan nhà nước, phục vụ mục tiêu chung là chuyển đổi hoàn toàn mạng Internet Việt Nam sang IPv6 và 100% người dân truy cập Internet sử dụng IPv6 vào năm 2025.
Vân Anh
5 khuyến nghị về chuyển đổi IPv6 phục vụ phát triển Chính phủ điện tử
Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) vừa đưa ra 5 khuyến nghị với các cơ quan nhà nước trong chuyển đổi IPv6, xây dựng hạ tầng kết nối mạng, dịch vụ CNTT để đáp ứng nhu cầu phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia.