Phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước ngày 3/11/2014, Ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT cho biết 9 tháng năm 2014, thuê bao cố định của VNPT đã sụt giảm 390.000 thuê bao. Cùng với thuê bao cố định,  thuê bao di động của VNPT cũng giảm khoảng 739.000 thuê bao so với cùng kỳ năm 2013.

Ông Trần Mạnh Hùng cho biết, sở dĩ số thuê bao di động bị giảm như vậy vì VNPT đã thay đổi lại cách tính số thuê bao theo hướng thực chất thuê bao phát sinh cước. Theo cách tính số thuê bao mới của VNPT, thuê bao di động phát sính cước tăng thêm 1,5 triệu thuê bao so với năm 2013 và thuê bao băng rộng tăng trưởng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm ngoái, ông Tô Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc của VNPT cho biết, doanh thu dịch vụ cố định của VNPT vẫn tiếp tục giảm khoảng 10%. Trước đó, ông Vũ Tiến Dương, Phó Ban Kinh doanh của VNPT cho biết, vào thời điểm cực thịnh, VNPT có tới 13 triệu thuê bao điện thoại cố định. Thế nhưng, với xu thế không thể cưỡng nổi là di động lên ngôi thì điện thoại cố định đang rơi vào tình trạng bĩ cực bởi có quá nhiều thuê bao "dứt áo ra đi". Trong khi đó, các thuê bao "trung thành" với mạng cố định lại sử dụng dịch vụ này cầm chừng chủ yếu mang tính chất dự phòng trong hộ gia đình.  Hiện chưa thể dự báo được thuê bao cố định của VNPT sẽ giảm tiếp đến mức độ nào.

Theo công bố trong Sách trắng về CNTT-TT Việt Nam 2014, VNPT đang dẫn đầu về thị phần điện thoại cố định. Cụ thể, về dịch vụ điện thoại cố định, VNPT vẫn chiếm thị phần cao nhất là 76,5%, tiếp đó là Viettel là 21,51%, SPT là 1,59% và  FPT Telecom là 0,32%.

VNPT cho biết, năm 2013, doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao điện thoại cố định chỉ còn có 33.000 đồng/tháng. Như vậy, mỗi thuê bao chỉ gọi khoảng 13.000 đồng/tháng, còn lại 20.000 đồng là cước thuê bao. Theo tính toán của VNPT hồi năm ngoái, bình quân mỗi phút gọi nội hạt có giá thành là 650 đồng, trong khi họ đang phải bán cho khách hàng là 400 đồng/phút. Vậy là, cứ mỗi phút gọi nội hạt VNPT phải bù lỗ 250 đồng.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, doanh thu điện thoại cố định có xu hướng suy giảm nhưng trên đường dây điện thoại cố định cần phát triển các ứng dụng như Internet băng rộng, phát thanh - truyền hình. Do đó, hạ tầng băng rộng cố định rất quan trọng và VNPT phải có thêm nhiều dịch vụ hơn nữa trên mạng cố định.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho rằng, trên 10 năm chúng ta nghĩ rằng mạng cố định sẽ chết. Nhưng Viettel thì nhìn thấy rằng, mạng cố định sẽ có sự trở lại, chỉ có điều đó là mạng cố định băng rộng. Đối với quốc gia, đối với doanh nghiệp, đây là thời điểm để nhận thức đúng về mạng cố định băng rộng. Nó chính là cơ sở hạ tầng tương lai cho một quốc gia, cho cả mạng di động và các ứng dụng băng rộng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích tiếp: Nhiều quốc gia đã ý thức được chuyện này nên người ta đưa ra khái niệm: Viễn thông là hạ tầng quốc gia. Chữ "quốc gia" hiểu theo mấy nghĩa: một là, phải phổ cập, nghĩa thứ hai là ở những chỗ khó khăn quá thì Chính phủ bỏ tiền ra làm. Hiện nay, đã có trên 50 quốc gia đi theo hướng này, thậm chí có một số quốc gia cực đoan đến mức yêu cầu các nhà mạng không làm nữa, để Chính phủ bỏ tiền đầu tư.

Dịch vụ điện thoại cố định không chỉ sụt giảm không phanh ở Việt Nam, mà đây là xu hướng phổ biến trên toàn cầu. Hồi năm ngoái, Mỹ đã phải cân nhắc xem có nên xóa bỏ mạng cố định hay không. Mạng điện thoại cố định của Mỹ đang bị nhiều công nghệ mới lấn át, trong khi các cơ quan quản lý gặp rất nhiều khó khăn để hoàn tất việc xóa bỏ hệ thống lạc hậu này.

 Trong khi chưa rõ mạng điện thoại cố định của Mỹ sẽ hoàn toàn bị xóa bỏ vào thời điểm nào, vẫn diễn ra nhiều cuộc tranh cãi về tác động của quyết định này, cũng như điều này sẽ có ý nghĩa thế nào với gần 100 triệu người Mỹ vẫn đang sử dụng dịch vụ điện thoại cố định.

Tháng 1/2014, Ủy Ban Viễn thông Mỹ (FCC) sẽ soạn thảo các quy định để chính thức hóa việc chuyển đổi các hệ thống liên lạc sang giao thức Internet. Chuyên gia Scott Cleland của hãng nghiên cứu và tư vấn Precursor LLC nói: "Trong vòng 4 năm tới, hầu hết mọi người sẽ từ bỏ điện thoại cố định". Ông Scott Cleland lưu ý rằng nhiều người dân Mỹ đang chuyển từ điện thoại cố định sang các công cụ liên lạc khác và quá trình này đã đi được 3/4 chặng đường.

Ông Cleland, một cựu tư vấn viên về chính sách viễn thông của Nhà Trắng, nói rằng ngay cả khi người dân muốn giữ lại hệ thống cũ, "người ta cũng không còn sản xuất thiết bị chuyển mạch cho hệ thống này. Và những kỹ sư có khả năng vận hành hệ thống cũng sẽ nghỉ hưu".

Chính vì thế, vấn đề không phải có hay không, mà là tới khi nào người ta sẽ từ bỏ mạng điện thoại cố định. Đây là câu hỏi quan trọng dành cho FCC, tổ chức đặt ra những tiêu chuẩn cho dịch vụ điện thoại và yêu cầu mọi người dân đều có quyền tiếp cận dịch vụ điện thoại.

AT&T, nhà mạng Mỹ vẫn đang vận hành hàng triệu km đường dây điện thoại, đã gây áp lực để FCC đẩy nhanh quá trình xóa bỏ mạng điện thoại cố định. Ông Jim Cicconi, phó chủ tịch điều hành cấp cao của AT&T, nói: "Trong khi cơ sở hạ tầng mạng điện thoại cố định của chúng tôi đã hoạt động tốt trong gần một thế kỷ, hiện tại chúng không còn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng Mỹ".

Bằng cách xóa bỏ các mạng điện thoại cố định lạc hậu này, AT&T và các công ty điện thoại khác có thể tiết kiệm được khoản chi phí khổng lồ cần thiết để duy trì và nâng cấp hệ thống.