Nhìn đôi vợ chồng trẻ với đứa con nhỏ đang nô đùa, ai chẳng nghĩ đó là hình ảnh lý tưởng của một gia đình hạnh phúc. Nhưng, thống kê từ tòa án lại cho thấy, những đôi vợ chồng trẻ sau khi sinh con đầu lòng được vài năm đang chiếm một tỷ lệ ly hôn khá cao. Lẽ nào đứa con - kết quả tất yếu của hôn nhân - lại là lý do dẫn đến hôn nhân đổ vỡ?

Mối đe dọa của hôn nhân

Con cái cần nhất ở cha mẹ điều gì? Đó là tình yêu giữa họ với nhau và đừng ly hôn, vì tương lai của chúng phụ thuộc vào đó. Thế nhưng, cha mẹ vì quá tập trung vào con, vô tình đã "bỏ quên" người bạn đời, dẫn đến tình yêu tàn lụi và nguy cơ ngoại tình, ly hôn xuất hiện. Ngày nay, mục đích cơ bản của hôn nhân không phải là để "sinh con nối dõi tông đường", cũng không phải để có người "chống gậy" trong đám tang mà vì chúng ta yêu nhau và cần có nhau trong cuộc đời. Nhưng, sự ra đời của đứa trẻ đã khiến cha mẹ chúng không còn thời gian và năng lượng để quan tâm đến nhau nữa, không đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của nhau và khi điều đó xảy ra, mục tiêu cơ bản của hôn nhân đã thất bại.

{keywords}

Khi yêu, ai chẳng muốn tình yêu sẽ đi theo suốt cuộc đời. Lúc đó, ai cũng tin rằng tình yêu sẽ sống mãi với thời gian, không một điều gì đe dọa được. Ngờ đâu, chính sự xuất hiện của đứa con lại là mối đe dọa cuộc hôn nhân của họ. Nếu bạn quá đắm đuối vì con đến nỗi không thể thỏa mãn những nhu cầu của người bạn đời, mối quan hệ bắt đầu đi đến chỗ phiêu lưu, mạo hiểm. Thông thường, người ta không nhìn thấy nguy cơ đó, họ nghĩ rằng tình yêu của họ sẽ bền vững bởi cả hai đã "quyết định" yêu nhau đến trọn đời, đâu biết đó là điều hoang tưởng.

Thực ra, tình yêu chỉ tồn tại khi người này đáp ứng được những nhu cầu cảm xúc của người kia. Nếu hai người để mất mối dây liên hệ tình cảm thì thậm chí họ không biết người bạn đời muốn gì. Khi những đôi vợ chồng có khả năng ly hôn được chuyên gia tâm lý yêu cầu mỗi người tự liệt kê những mong muốn trước mắt của người bạn đời mà bạn cần phải đáp ứng, thường là họ viết sai hết. Cái mà họ tưởng người kia cần, thực ra lại không cần, cho nên họ toàn "gãi không đúng chỗ ngứa". Họ rất mù mờ về điều mà người kia muốn và cùng với nó, họ đánh mất luôn niềm vui được đáp ứng cho nhau.

Do đâu có tình trạng ấy? Khi đứa con ra đời, nó trở thành một bộ phận quan trọng trong cuộc sống của hai người, khiến họ không còn những khoảnh khắc riêng tư và họ không sao hiểu được nhau nữa. Áp lực của cuộc sống gia đình làm cạn kiệt dần những tài nguyên có hạn của tình yêu. Khi cơ hội để hai người quan tâm đến nhau không còn thì sự đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của nhau cũng không còn, kết quả là tình yêu tàn lụi. Thực ra, đứa trẻ có đòi hỏi cha mẹ phải quan tâm đến nó 24/24 giờ mỗi ngày đâu. Đó không phải là lỗi của trẻ con, cũng không phải lỗi của cha mẹ khi họ dành nhiều thời gian cho con mà không dành thời gian cho nhau.

Dành riêng cho nhau 15 giờ/tuần

Đúng ra, họ có thể vừa làm cha mẹ, vừa làm vợ chồng nếu biết tổ chức cuộc sống một cách hợp lý. Nó không đòi hỏi những kỹ năng mới mà chỉ là những kỹ năng từng có trước đây: âu yếm vuốt ve, trò chuyện thân mật, chia sẻ việc nhà và quan hệ tình dục. Nhưng làm sao họ có thể thỏa mãn được nhau khi đứa con nhỏ quấn bên người? Không ít người nghĩ rằng hai vợ chồng với một đứa con nhỏ ở bên như thế là những phút riêng tư đấy! Chẳng lẽ họ không biết rằng, sự trò chuyện thân mật tất yếu sẽ dẫn đến mơn trớn vuốt ve nhau và cuối cùng có thể làm "chuyện ấy", nhưng sự có mặt của đứa trẻ đã ngăn cản điều đó.

Có đôi vợ chồng chờ mãi đứa con hơn hai tuổi chịu đi ngủ để có thể âu yếm nhau nhưng nó cứ thức mãi. Một lúc sau thấy con nằm im trong lòng mẹ, chồng ghé tai vợ thì thào: "Nó ngủ chưa?", nào ngờ đứa bé thì thào: "Con chưa ngủ!", lát sau vợ chồng cũng... ngủ nốt. Lại có đôi khác để hai đứa con lên bốn và tám tuổi ngủ chung giường. Cha mẹ đang "vui vẻ" thì đột nhiên thằng bé ngồi dậy nhìn một cách lạ lùng. Người chồng quát khẽ con: "Nằm xuống ngủ đi"! Nhưng thằng bé cứ ngồi nhìn nên cha nó nghiến răng: "Bảo có nghe không, bố tát cho cái giờ". Bất ngờ có tiếng thằng lớn đế vào: "Bố tát cho nó cái... Cứ nằm xem cũng được mà, sao phải ngồi dậy". Hai vợ chồng điếng người.

{keywords}

Cho nên, việc tập cho con ngủ riêng trong nôi ngay từ lúc mới sinh là rất khoa học. Không nên cho con nằm vào giữa hai vợ chồng hoặc nằm cạnh mẹ, lâu dần không thể tách con ra được nữa. Khi đứa con đã có nhận thức, phải dạy con hiểu rằng bố mẹ cần có những lúc riêng tư và phải tập cho trẻ thói quen tách khỏi cha mẹ, vì có những chuyện người lớn mà trẻ con không được can dự. Buổi tối, khi mẹ bảo: "Con ngoan về phòng ngủ đi, để bố mẹ nói chuyện", đứa con phải ngoan ngoãn nghe lời, sau khi chúc bố mẹ ngủ ngon. Đó mới là cách dạy con hiện đại, chứ không phải lúc nào mẹ con cũng dính vào nhau.

Thực tế cho thấy, khi hai người lớn nói chuyện, có một đứa trẻ ở giữa, lúc nghịch cái này, lúc đòi cái nọ thì họ không thể nói được câu chuyện có chất lượng, vì luôn bị phân tán. Những cử chỉ âu yếm càng khó thực hiện vì sợ đứa trẻ nhìn thấy. Vì thế, sự giao tiếp giữa vợ chồng trở nên hời hợt, chỉ nói toàn chuyện vụn vặt thiếu chiều sâu, khó có thể đi vào những ngõ ngách tâm hồn nhau, càng không thể đạt tới những rung động của tình yêu. Và thế là giữa họ dần xuất hiện một khoảng trống, cái khoảng trống mà xưa kia luôn được lấp đầy bởi những lời thì thầm khẽ như hơi thở, những nụ hôn tưởng như không dứt, cái khoảng trống có tên gọi: tình yêu.

Các nhà khoa học tính rằng, để một cuộc hôn nhân đằm thắm, thời gian vợ chồng dành riêng cho nhau ít nhất phải 15 giờ mỗi tuần và rải đều trong tuần chứ không chỉ tập trung vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Trong thời gian ấy, nhất thiết không có trẻ con hay bạn bè. Có thể hình dung mối quan hệ vợ chồng và con như ba đỉnh của một tam giác: vợ - chồng - con. Nhưng đó không phải là tam giác đều mà quan hệ vợ chồng có tầm quan trọng quyết định, vì nếu nó tàn lụi thì gia đình cũng tan vỡ và đó mới là nỗi bất hạnh lớn nhất của bất kỳ đứa trẻ nào.

Suy cho cùng, công sức lớn nhất mà cha mẹ có thể làm cho con cái hạnh phúc là yêu nhau đến suốt đời. Nếu cha mẹ yêu con cái họ, và muốn những điều tốt nhất cho con, thì họ phải làm mọi điều có thể để nuôi dưỡng tình yêu trong hôn nhân. Vợ chồng quan tâm đến nhau phải là ưu tiên cao nhất, sao cho họ luôn đáp ứng được những nhu cầu của nhau và đó chính là bạn đã cho con nhiều nhất đấy.

Trịnh Trung Hòa (Chuyên gia tâm lý)

(Theo Phunuonline)