Kiếm cho gia đình một người giúp việc (NGV) chưa bao giờ dễ mà lại khó như bây giờ. Dễ, vì chỉ sau một cú điện thoại, vấn đề sẽ được giải quyết; nhưng, chọn người sao cho đáp ứng các yêu cầu của mình, lại như mò kim đáy bể.

Mà mong muốn, yêu cầu thì vô cùng: nào nấu ăn ngon, có kiến thức sử dụng các vật dụng tiện ích trong nhà, sức khỏe tốt, trung thành, nhiệt tình... Trên hết, với tôi, và hẳn cũng với nhiều bà vợ, họ phải không là mối nguy gây tan vỡ gia đình. Nói đến điểm này là bởi tôi nhìn xéo ngó nghiêng bao bi kịch nhãn tiền, thấy không đâu xa, kẻ thứ ba thường ngay sát bên mình, mang tên “NGV”.

Vợ chồng tôi đều bận rộn, hai đứa con mới ba và sáu tuổi. Từ lúc sinh cháu nhỏ, tôi may mắn được chị chồng (đã ly hôn) ở quê vào phụ giúp. Một tay chị chăm cháu, quán xuyến công việc nhà. Nhưng chị không ở mãi, ba tháng trước, chị bảo muốn về quê, mở quán cà phê buôn bán. Chị đi rồi, mới thấm thía khoảng trống chị để lại - bao nhiêu là bộn bề, việc lớn, việc bé vợ chồng phải đối mặt. Thống nhất tìm thuê NGV; nhưng, vẻn vẹn chưa đầy một tháng, đã hai người đến rồi đi. Người đầu tiên 50 tuổi, đi chợ có tật... “nhón” vài đồng thủ riêng; hướng dẫn mãi không sao biết lò vi sóng để làm gì, sau khi đã phá hỏng hai nồi áp suất. Người thứ hai, 45 tuổi, vừa lười biếng lại vừa hay chửi đánh các con tôi.

Tôi quyết tâm tìm một chị đảm đang, hiền lành, giỏi học hỏi và thương yêu trẻ như con mình. Khó như hái sao. Chồng tôi tuyên bố, đáp ứng các đòi hỏi của tôi phải là một cô tre trẻ, dễ sai bảo, dễ tiếp thu. Trong khi đó, tôi lại vương mang những linh cảm bất an, lo lắng. Cuộc “thương thảo” giữa vợ chồng tôi xoay quanh chuyện thuê NGV, mãi không ngã ngũ được; thường mở đầu bằng than thở của tôi, sau đó, kết thúc trong... tắc tị. Một bữa lúc 23g, sau khi các con ngủ, tôi mới... thảnh thơi xử lý đống chén bát, cho áo quần vào máy giặt rồi trở lên với chồng.

Vợ (buông người lên giường): Mệt. Ngày nào cũng vầy chắc rút ngắn tuổi thọ.

Chồng: Tự em thôi, bớt cầu toàn lại là xong ngay.

Vợ (mệt nên hơi bực): Em đâu cầu toàn, nhưng bỏ tiền ra thì mình phải thuê người sao cho đáng với đồng tiền bát gạo chứ!

Chồng: Em cũng hơi quá. Người ta không biết hay có gì sai thì từ từ mình góp ý, chỉ bảo; sao lại cứ không vừa lòng là cho nghỉ việc.

Vợ (tự ái nhẹ): Rảnh mà khuyên, chỉ cho họ thì tự em làm nốt cho rồi. Anh đã không chia sẻ, còn trách ngược em.

Chồng: Là anh nói thế. Mình phải biết bằng lòng, miễn mục đích cao nhất là khối công việc được họ san sẻ giúp. Chứ ba đầu, sáu tay gì mà họ khiến mình ưng ý ngay được. Ngay cả em và anh đây đã khác nhau. Ví như họ có làm em vừa lòng thì chưa chắc anh ưng thuận. Ví dụ, dưới góc độ của anh, NGV phải có kỹ năng... pha cà phê ngon nữa.

Chồng cười sau câu nói. Tôi biết anh cố ý pha trò, nhưng vì còn bực nên... “nắm thóp”: Anh có khi nào không nghĩ đến hưởng thụ. Người ta giúp việc là... giúp việc, cho mình bớt cực thôi chứ sao phải phục vụ luôn thú ăn chơi của anh.

{keywords} 

Chồng (hơi nhíu mày): Ơ hay!

Vợ (làm tới, đổi danh xưng): Thú hưởng thụ, thú ngắm nhìn, đây biết tỏng anh muốn thuê một cô trẻ đẹp mới thỏa lòng mãn dạ.

Chồng: Cái đó là em nói nha.

Vợ (chộp cơ hội thăm dò): Anh nói đi, có phải anh thích thuê một cô như vậy không? Lần trước anh khuyên em nên tìm một người trẻ còn gì?

Chồng: Thì em chê người lớn tuổi khó góp ý, không tiếp cận công nghệ nên anh tham mưu tìm người trẻ, em không chịu, anh còn biết sao đây?

Vợ: Nuôi gái trẻ như chứa “địch” trong nhà, dăm bữa nửa tháng là trắng da dài tóc, ông nào không mê. Đó là chưa kể có cô còn toan tính thay thế bà chủ, bảo sao em an tâm cho được.

Không đợi chồng đáp trả, tôi cao giọng kể một mạch mấy bi kịch nhãn tiền đọc trên báo: Nửa đêm chồng khát nước, vô nhầm phòng NGV; Tham vọng đoạt chồng người của cô gái trẻ làm thuê... Tôi không quên dẫn câu chuyện của nhỏ Nga, chung công ty. Nga thuê một cô giúp việc. Ở với nhau ba năm, chính Nga cũng không nhận ra cô gái 23 tuổi hóa... “thiên nga” tự lúc nào. Thịnh - chồng Nga mở miệng ra là “con nhỏ này... hút trai lắm đây!”. Cô ta cũng không vừa, bỡn lại “phải người giống chú Thịnh con mới ưng”. “Chú - cháu” nức nở khen nhau khiến Nga rất khó chịu. Khó chịu này vẫn ở ngưỡng chịu đựng được. Nhưng, cho đến một ngày, Nga đi làm về sớm, bắt gặp cô giúp việc đang gom quần áo phơi ngoài sào; cái nào của ông chủ cô cũng... đưa lên mũi, vừa nhắm mắt vừa hít lấy hít để; tá hỏa hơn khi cô nàng ôm chiếc áo của Thịnh ấp lên tim. Lo lắng, hoang mang, Nga quyết tâm không giữ cô ta lại.

Kể xong, tôi kết: Nuôi gái trẻ trong nhà khác nào dâng mèo miếng mỡ thơm.

Chồng (cười sằng sặc): Đàn bà thật lắm chuyện, cứ ghen bóng ghen gió.

Vợ: Cảnh giác vẫn hơn. Kiểu gì thì cũng không thể thuê người trẻ, chẳng ai muốn rước nỗi bất an vào lòng.

Chồng (bất ngờ nghiêm giọng): Nói vậy là em quá xem thường anh. Đàn ông, nếu có “máu” lăng nhăng, ngoại tình thì đâu chỉ trong nhà mới gặp “mối”, ra đường thiếu gì, dễ như trở bàn tay. Anh có phải là người khiến em thiếu tin tưởng? Anh đã làm gì để em mất lòng tin chưa? Vợ chồng sống với nhau mà lo lắng người kia phản bội mình, thiếu niềm tin thì sao mà bền chặt. Trong khi đó, giúp việc cũng người này kẻ khác. Mình nghiêm khắc, đàng hoàng, đứng đắn họ đâu dám làm liều.

Vợ (trề môi): Mấy ông mà đàng hoàng, đứng đắn vụ này cho.

Chồng (im lặng, rồi thở dài): Thôi tùy em vậy. Nếu khư khư quan điểm thì rước khổ ráng chịu, và đừng than thở nữa.

...Nói rồi anh ôm gối quay lưng. Tôi ngồi trước gương, chợt giật mình ngỡ ngàng. Soi chiếu bên kia là hình ảnh một phụ nữ với đôi mắt thâm quầng, mấy nếp nhăn hiện rõ, thần sắc bợt bạc, mệt mỏi. Hai tháng như con thoi, chịu rất nhiều áp lực, lại còn đặt trên vai bao lo lắng, hoài nghi, xét nét..., có phải tôi đã tự mua dây buộc mình? Chưa kể, trong khi mọi thứ đều ở “thì tương lai”, diễn ra hay không vẫn còn là dấu hỏi thì việc... chồng hờn, chồng giận, chồng tự ái bởi bị vợ “đánh giá thấp”, đã đủ khiến cuộc đời mất vui. Vì lẽ đó mà… tôi quyết định bỏ lối suy nghĩ này.

(Theo PNO)