- Sau 3 ngày thực hiện khám nghiệm tử thi nạn nhân trong vụ sự cố vỡ đập thủy điện, cơ quan công an huyện mới tổ chức khám nghiệm hiện trường? Việc nghiêm trọng này chắc chắn đã được Công an huyện báo cáo với UBND huyện Đăk Glei. Phải chăng, ngay cả UBND huyện Đăk Glei cũng cố tình “ém” thông tin?

Theo quy định tại khoản 21, điều 21, của thông tư 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng, chủ đầu tư phải báo cáo sự cố xảy ra cho cơ quan chức năng (Bộ Xây dựng, UBND tỉnh, Sở Công Thương) trong vòng 24 giờ.

Sự cố bờ tường thượng lưu đập thủy điện Đăk Mek 3 bị đổ sập vào khoảng 18 giờ, ngày 22/11, nhưng cho đến chiều ngày 27/11, sau 5 ngày xảy ra, chủ đầu tư công trình vẫn chưa báo cáo sự cố với cơ quan chức năng?

Giải thích việc này, ông Lê Bá Thanh, Tổng Giám đốc Công ty thủy điện Hồng Phát Đăk Mek cho biết: “Hôm xảy ra sự cố là đúng vào chiều thứ 6, tiếp theo đó là 2 ngày nghỉ nên chúng tôi không làm báo cáo với cơ quan chức năng được…”?

Ông Trịnh Xuân Lộc, Phó Chủ tịch huyện Đăk Glei (ngồi giữa) cùng đoàn liên ngành tỉnh Kom Tum làm việc với chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đây là cách giải thích không đúng thực tế, bởi  sự cố vỡ đập xảy ra chiều ngày 22/11, đúng vào ngày thứ 5, không phải ngày cuối tuần?

Bên cạnh đó, theo thông tin từ sổ trực ban công an huyện Đăk Glei (Kon Tum), vào lúc 22 giờ ngày 22/11, ông Lê Bá Thanh có gọi điện thoại báo cáo sự việc có một công nhân bị tai nạn lao động tại công trường thủy điện.

Ông Thanh nhờ cơ quan công an huyện, Trung tâm Y tế huyện, Viện kiểm sát nhân dân huyện vào hỗ trợ tìm kiếm, cấp cứu nạn nhân.

Nhận được thông tin, cơ quan Công an huyện, Trung tâm Y tế và Viện kiểm sát nhân dân huyện cũng đã điều cán bộ đến hiện trường, thực hiện công tác chuyên môn.
 
Tuy nhiên, khi đến hiện trường, giữa đống bê tông cốt thép ngổn ngang trong điều kiện đêm khuya tối trời, các đơn vị tìm kiếm cứu nạn đành bất lực, không thể tìm được nạn nhân.
 
Lúc 7 giờ 15 phút, ngày 23/11, xác anh Nguyễn Quốc Hùng (28 tuổi, trú tại Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam, là tài xế lái xe cho Công ty Thái Sơn, mới vào làm việc được 3 ngày), nạn nhân duy nhất bị vùi trong đống đổ nát dưới lòng sông mới được tìm thấy. Mặc dù đã được cứu chữa, nhưng anh Hùng đã tử vong ngay sau đó. 
 
Sau khi tìm thấy thi thể nạn nhân trong vụ vỡ đập, cơ quan Công an huyện đã thực hiện công tác khám nghiệm tử thi để làm rõ cái chết của nạn nhân. Đến chiều cùng ngày, nạn nhân đã được gia đình đưa về quê an táng.
 
Câu hỏi đặt ra là tại sao sự cố vỡ đập thủy điện cách trung tâm huyện chừng 40km gây chết người mà các cơ quan chức năng, thậm chí ngay cả UBND huyện không nhận được thông tin, báo cáo từ chủ đầu tư?

Chính quyền huyện Đăk Glei khẳng định: “Cho đến khi báo chí đưa tin vào sáng ngày 26/11 thì UBND huyện mới biết”?
 
Phải chăng, nguyên nhân sập bờ tường thượng lưu đập thủy điện này là do thi công sai thiết kế? Do vậy mà sau khi sự cố xảy ra, chủ đầu tư muốn “ém” thông tin?

Đây là vụ sập thủy điện đầu tiên khi chưa tích nước.
 
Mặc khác, khi sự cố xảy ra dẫn đến chết người, Công an huyện là đơn vị nhận được thông tin đầu tiên và đã đến hiện trường hỗ trợ công tác tìm kiếm nạn nhân. Sáng ngày 23/11, sau khi thi thể nạn nhân được tìm thấy, cơ quan công an huyện đã tổ chức khám nghiệm tử thi nạn nhân.

Theo chúng tôi, có thể chủ đầu tư công trình thủy điện này không báo cáo sự việc với UBND huyện, nhưng chắc chắn một sự cố nghiêm trọng dẫn đến chết người thì cơ quan công an huyện sẽ có báo cáo lên UBND huyện.

Tuy nhiên, đến sáng ngày 26/11, UBND huyện Đăk Glei vẫn cho rằng chưa hề nhận được thông tin vụ vỡ đập thủy điện dẫn đến chết người? Bên cạnh đó, không hiểu vì lí do gì, sau 3 ngày xảy ra sự cố vỡ đập, công an huyện mới tổ chức khám nghiệm hiện trường?
 
Với những chi tiết trên, dư luận đang đặt câu hỏi: Phải chăng, sau sự cố vỡ đập thủy điện nghiêm trọng này, ngay cả UBND huyện Đăk Glei cũng cố tình ém thông tin?
 
Sáng ngày 29/11, UBND tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức họp báo về vụ việc sập bờ đập thủy điện gây chết người nói trên.

Công trình thủy điện Đăk Mek 3 nằm trên địa phận thôn Kon Hriêng, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, Kon Tum. Công trình do Công ty Cổ phần Hồng Phát Đăk Mek làm chủ đầu tư. Công suất thiết kế thủy điện này là 7,5 MW, với tổng kinh phí đầu từ trên 200 tỷ đồng. Đơn vị thi công công trình là Công ty thi công cơ giới Hồng Phát…
  
 Chiều ngày 22/11, hơn 80% bờ tường phía thượng lưu đập thủy điện này đã bị đổ sập. Bờ tường phía hạ lưu, bờ tường đập tràn xã lũ cũng bị rạn nứt. Nguyên nhân sự việc cho đến hiện nay vẫn chưa được xác định.

Tiến Thành