-
Vợ tôi rất ham chơi, lăng nhăng và lười nhác. Đó là lý do tôi quyết định ly hôn với vợ. Cũng chính vì vậy, tôi không muốn giao con 32 tháng tuổi cho vợ nuôi vì sợ tội nghiệp con.
TIN BÀI KHÁC
Liệu tòa án có chấp nhận đề nghị của tôi là: Tạm giao cho cô ấy quyền nuôi con đến ba tuổi; sau ba tuổi tôi có quyền nuôi con? Vợ tôi nhắn tin nói không chấp nhận với lời lẽ xúc phạm tôi. Vậy xin hỏi tôi muốn nuôi con ngay khi con chưa đầy ba tuổi có được không?
|
Ly hôn vì vợ ham chơi, tôi muốn giành quyền nuôi con (ảnh minh họa) |
Luật sư tư vấn
Thứ nhất, về quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn
Tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Như vậy, theo thông tin anh cung cấp, anh có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương.
- Thứ hai, về quyền nuôi con sau ly hôn
Tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy, vợ chồng anh có thể thỏa thuận về việc ai sẽ là người trực tiếp nuôi các con sau khi ly hôn. Nếu không thỏa thuận được thì khi anh muốn giành quyền nuôi con thì phải có nghĩa vụ chứng minh với Tòa rằng mình có đủ các điều kiện để chăm sóc con một cách tốt nhất như:
+ Thu nhập hàng tháng (Có đảm bảo để nuôi con hay không);
+ Chỗ ở ổn định;
+ Môi trường sống (Có đảm bảo cho sự phát triển tốt nhất về thể chất lẫn tinh thần cho con không?);
+ Thời gian làm việc (Có thời gian để chăm sóc con hay không?);
+ Sự quan tâm, chăm sóc giành cho con?
Đối với cháu bé, theo thông tin anh cung cấp là chưa đủ 36 tháng tuổi, tuy nhiên theo quy định tại Khoản 3 Điều 81 ở trên nếu anh muốn giành quyền nuôi thì ngoài việc anh chứng minh điều kiện của mình, anh cần phải chứng minh rằng vợ anh không có điều kiện để nuôi con.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc