- Suốt hai tuần nay vợ chồng tôi cãi vã không ngừng và ngày càng ầm ĩ, không biết đến khi nào mới kết thúc. Nếu tình hình này cứ mãi tiếp diễn, tôi chắc phải suy nghĩ đến việc ly hôn.

Hiện tại tôi có một việc rất đau đầu xin nhờ chuyên gia tư vấn:

Chuyện là 2 vợ chồng tôi đều là viên chức nhà nước, vợ tôi là giáo viên mầm non còn tôi là nhân viên kỹ thuật, nên thu nhập không đáng bao nhiêu.

Hiện tại vợ chồng tôi đã có 2 nhóc, cháu lớn đang học lớp 7, cháu bé chuẩn bị vào lớp 1. Với mức thu nhập của hai vợ chồng chỉ khoảng 10 triệu/tháng thì cuộc sống gia đình nhỏ của tôi ngày càng khó khăn, trong khi có đủ thứ phải chi tiêu…

Vì vậy vợ tôi bàn với tôi là mở quán trà sữa để tăng thêm thu nhập. Mấy tháng đầu vì chưa quen khách, tình hình buôn bán có vẻ ế ẩm. Nhưng vợ tôi quyết tâm lắm, bảo cố gắng một vài tháng nữa chắc sẽ ổn hơn. Đầy người chỉ bán hàng lặt vặt mà mua được nhà Hà Nội đấy thôi nên phải kiên trì. Tôi thì không nghĩ vậy, bán thì chẳng kiếm được bao nhiêu, chỉ tổ mệt thân, rồi mỗi tối phải chịu cảnh ngồi vỉa hè mà hít khói bụi, rồi những hôm mưa gió, lại có lúc bị dân phòng đuổi, kiếm thêm được vài đồng, chẳng ích lợi gì, thà dành thời gian đó chăm sóc gia đình, con cái còn tốt hơn.

{keywords}
Vợ tôi muốn mở quán trà sữa đế kiếm thêm còn tôi thì không đồng ý dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình. (Ảnh minh họa)

Vợ tôi thì kiên quyết bám trụ, bảo tuy mệt nhưng mà vui, với lại có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống, có thêm tiền lo cho con ăn học... Chỉ vì thế thôi mà vợ chồng tôi đâm ra xích mích, cãi vã. Tôi nói mãi mà vợ không hiểu, tôi chỉ thấy cô ấy quá tham vọng, tham tiền, trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền thôi.

Vả lại việc buôn bán đi sớm về khuya ảnh hưởng đến bố mẹ tôi. Ông bà đã già, sức khỏe không được tốt cần nghỉ ngơi sớm nhưng vợ chồng tôi bán hàng về muộn lạch cạch cửa các cụ không ngủ được. Tính người già nếu con cái chưa về hết thì khó ngủ, cửa nẻo không an tâm, rồi lo lắng việc này việc kia.

Rồi những xung đột giữa bố mẹ và vợ tôi. Bố mẹ tôi khá khó tính và hay để ý việc nhỏ, trong khi vợ tôi không khéo trong nói năng giao tiếp dẫn đến mâu thuẫn. Những việc nhỏ tích tụ lại, lời ăn tiếng nói không lọt tai, khiến bố mẹ chồng và nàng dâu bằng mặt mà không bằng lòng. Mặc dù tôi đã cố chỉnh sửa, sắp xếp khi có việc cần trao đổi với bố mẹ, cảnh báo vợ, diễn đạt thay ý kiến của vợ với bố mẹ, nhưng cũng không tránh hết được. Trong mắt bố mẹ, tôi là người chồng quá chiều vợ, dễ dãi, để cho cô ấy dần không coi trọng bố mẹ nữa. Còn trong mắt vợ, tôi lại là người chồng nhu nhược, nghe lời bố mẹ mà mạt sát vợ.

Những xung đột trong gia đình đã đủ đau đầu rồi, vợ tôi lại còn suốt ngày chỉ trích tôi về tiền. Tôi biết mình không tài giỏi gì, không lo được cho vợ con được bằng chồng người ta, nhưng cũng không phải đến mức quá nghèo khổ, vất vả để suốt ngày cô ấy ca thán, than thân trách phận.

Rồi việc cô ấy đòi mở quán trà sữa tôi đã can ngăn vì không muốn vợ phải vất vả đi sớm về khuya mệt mỏi. Đến mấy hôm trước thì tôi không phụ giúp cô ấy dọn quán nữa mà hết giờ làm là về nhà, mặc cho cô ấy xoay xở, mục đích cũng là để cô ấy thấy vất vả mà từ bỏ. Mở quán có rất nhiều việc, đồ đạc lỉnh kỉnh, một người không xoay xở kịp, rồi lúc đông khách, thuê người thì không đủ tiền đề trả. Vì thế vợ tôi giận tôi lắm.

Hôm ấy lúc cô ấy về nhà đã là hơn 11h đêm. Trông thấy tôi, cô ấy mắng xối xả vào mặt tôi nào là đồ bất tài, không nuôi nổi vợ con, đã thế còn không giúp đỡ vợ, về nằm phưỡn ở nhà mặc kệ vợ vất vả hàng quán. Rồi không biết xấu hổ với các con, để con thua bạn kém bè…

Tôi điên tiết đã cho cô ấy một bạt tai. Điều tôi không thể ngờ là cô ấy tát lại tôi ngay trước mặt bố mẹ tôi, bảo tôi là thằng vũ phu, đồ hèn, chỉ biết an phận thủ thường, không đáng mặt đàn ông. Rồi cô ấy vào phòng đóng cửa, ngồi khóc dấm dứt suốt cả đêm.

{keywords}
Vợ tôi lại là người không khéo ăn khéo nói dẫn đến mâu thuẫn giữa bố mẹ chồng và nàng dâu ngày càng căng thẳng. (Ảnh minh họa)

Bây giờ trong mắt cô ấy bố mẹ và tôi là những người o ép và xét nét, khiến cô ấy trở thành người bất hạnh, phải sống nhịn nhục. Còn bố mẹ tôi chứng kiến cảnh con dâu đánh chồng thì thất vọng lắm và các cụ cho rằng đây là kết quả của việc tôi để vợ leo lên đầu.

Giờ tôi nên làm thế nào? Đã có lúc tôi nghĩ đến việc ly hôn để vợ tôi muốn làm gì thì làm. Nhưng nghĩ lại tội cho hai đứa con nên chưa dám quyết định.

Minh Thành (Hưng Yên)

Chuyên gia tư vấn:

Chào anh, câu chuyện của anh giống với rất nhiều câu chuyện chúng tôi đã từng chứng kiến, vợ chồng hục hặc, cãi vã nhau vì tiền, rồi mâu thuẫn giữa bố mẹ chồng và nàng dâu.

Có rất nhiều cặp đôi sau khi kết hôn phải đối diện với cơm áo gạo tiền, người chồng lại không kiếm ra nhiều tiền, người vợ thì vì khó khăn vất vả mà suốt ngày cằn nhằn, dẫn đến mâu thuẫn rồi chán chường và cuối cùng là dẫn nhau ra tòa ly hôn. Vợ chồng anh liệu có phải đang đi theo cái vòng luẩn quẩn đó mà sắp đánh mất hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc của vợ chồng anh có phải đang do đồng tiền quyết định hay không?

Vẫn biết kinh tế luôn là vấn đề đau đầu của nhiều cặp vợ chồng, khi con cái càng lớn thì chi tiêu càng nhiều, dù sao hai vợ chồng anh đều có công việc ổn định và thu nhập hàng tháng. Dù còn nhiều khó khăn, chi tiêu phải co kéo nhưng vẫn có thể khắc phục được.

Hiện tại cả hai vợ chồng anh đều là công chức, hàng tháng chỉ có một khoản lương cố định chứ không có khoản thu nhập thêm nào khác, thì anh chị cần phải tính toán hợp lí cho các khoản cần chi tiêu hàng tháng. Người ta bảo: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít tùy theo điều kiện của mình.

Do áp lực về kinh tế, vợ anh đã mở quán trà sữa để kiếm thêm. Buôn bán thì cũng tùy duyên từng người, có người bán đắt hàng, có người lại kém may mắn hơn nên thời gian đầu gặp khó khăn là chuyện đương nhiên.

Anh không muốn vợ vất vả, không muốn vợ mở quán nữa thì cũng nên nói để vợ hiểu, rồi cùng bàn bạc tìm cách tháo gỡ chứ không nên lẳng lặng bỏ mặc vợ tự xoay xở với hàng quán, nhất là phụ nữ phải ở bên ngoài lúc đêm hôm.

Vợ chồng cùng nhau san sẻ, gánh vác công việc gia đình thì việc gì cũng sẽ thành công. Các cụ ta vẫn có câu “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Anh là chồng, là người đàn ông trụ cột trong gia đình thì cũng nên gánh vác chia sẻ với vợ về vấn đề kinh tế. Việc có tiếp tục duy trì quán trà sữa nữa hay không vợ chồng anh cũng nên bàn bạc kĩ với nhau. Anh cũng có thể tìm và nhận thêm các công việc phù hợp với khả năng của mình để làm thêm. Các khoản chi tiêu cá nhân thì nên tiết kiệm tối đa dành lo cho gia đình.

Ngoài ra anh cũng nên dành thời gian cho các con, bảo ban chúng học hành, giúp đỡ vợ các công việc nhà để chị ấy đỡ mệt mỏi, căng thẳng.

Còn mối quan hệ bố mẹ chồng và nàng dâu không phải gia đình nào cũng thuận hòa, êm ấm. Việc vợ chồng anh đánh cãi nhau trước mặt bố mẹ là không đúng. Cả hai người cần phải kiềm chế cảm xúc, không nên để những xích mích giữa hai vợ chồng ảnh hưởng đến bố mẹ và con cái. Vợ chồng anh cũng nên xin lỗi bố mẹ và nói chuyện để ông bà thông cảm. Anh là người ở giữa thì nên tìm cách dung hòa mối quan hệ giữa bố mẹ và vợ.

Chung quy vợ anh cũng vì áp lực cuộc sống mà thôi. Nhưng tiền thì không biết chừng nào là đủ, và cũng không nên vì thế mà dẫn đến những bất hòa, đau khổ, mệt mỏi rồi nghĩ đến việc ly hôn như anh nói.

Chúc gia đình anh mãi mãi sống thuận hòa và hạnh phúc bên nhau!

Nếu bạn gặp các vấn đề về tâm lý, tình cảm, bạn cảm thấy khó khăn trong các mối quan hệ trong gia đình hay ngoài xã hội. Bạn cần được tư vấn tâm lý, tư vấn tình cảm hay cần tham khảo ý kiến chuyên gia về những vướng mắc trong cuộc sống, bạn hãy gửi mail đến địa chỉ Bandoisong@vietnamnet.vn. Chúng tôi sẽ sẻ chia cùng bạn.

Ban Đời sống