Xa mặt dễ cách lòng. Nên dù đã thề hẹn thuỷ chung, sự xa cách vẫn có thể tạo cơ
hội cho bao nguy cơ trỗi dậy! Đó là nỗi lo của không ít cặp vợ chồng đang trong
cảnh “ở hai đầu nỗi nhớ”.
Năm năm rồi không gặp...
“Ba ơi, bảng tên trên áo con sút ra rồi, tối ba về khâu lại cho con nghen”. Nghe
con gái gọi điện cho ba nó, chị Hà Anh ngạc nhiên, “đưa đây mẹ khâu lại, mấy
việc đó của mẹ mà, sao con lại nhờ ba”. Cô con gái mười tuổi vẫn nghi ngờ khả
năng của mẹ: “Mẹ cũng biết khâu bảng tên à? Trước giờ ba vẫn làm cho con mà!”.
Khi con mới năm tuổi, Hà Anh đã để con ở nhà với chồng, theo đuổi một học bổng nước ngoài. Hoàn thành học vị tiến sĩ, chị lại ở thêm một thời gian để học một khoá về nhân sự. Sau năm năm, chị mới trở về với gia đình. Trong thời gian vắng nhà, anh Minh – chồng chị “gà trống nuôi con”, từ việc giặt đồ, nấu cơm, mua đồ chơi, tìm trường cho con học đến khâu vá quần áo con... anh lo hết. Hai cha con gắn với nhau như hình với bóng.
Khi chị Hà Anh về, biết chồng mình thiệt thòi bao năm qua, chị nguyện ở nhà một thời gian để bù đắp khoảng trống bấy lâu, nhưng càng gần thì giữa họ như có một khoảng không vô hình nào đó. Con gái cái gì cũng nhờ ba mà quên mất sự có mặt của mẹ trong nhà. Về phần anh Minh, có lần bị cảm anh tự mua thuốc, tự vắt nước cam, nấu cháo cho mình mà quên mất sự chăm sóc này lẽ ra phải thuộc về người vợ.
Thấy mình là người thừa trong tổ ấm, chị Hà Anh bật khóc trước chồng. Anh
Minh áy náy: “Mấy năm qua cha con anh đã quen với cảnh tự lo, nên quên mất sự có
mặt của em. Từ từ rồi nhà mình sẽ trở lại như xưa, em nhé!”
Yêu nhau mấy núi cũng trèo?
Trước khi sang Nhật làm việc, Khang đã làm lễ đính hôn với Nguyên Xuân. Ba năm
sau Khang về nước, đám cưới của hai người diễn ra trong niềm hân hoan của đôi
bạn trẻ và bạn bè, họ hàng. Nhưng ba tháng sau đó, Khang nhận được học bổng đi
Mỹ lấy bằng thạc sĩ. Lần này anh định đưa vợ theo, nhưng Xuân không đồng ý, bởi
cô đang có một vị trí ổn định, lương cao ở một công ty truyền thông. Vợ chồng họ
lại tiếp tục xa nhau.
Khang học xong thạc sĩ, sẵn cơ hội làm tiếp nghiên cứu sinh. Trong khi đó ở nhà, Xuân vẫn theo đuổi đam mê của mình, vợ chồng họ chỉ dành cho nhau một tiếng đồng hồ mỗi ngày để chuyện trò qua mạng. Người thân hai bên thúc giục Khang trở về, hoặc Xuân phải qua Mỹ một chuyến để họ có cháu ẵm bồng. Nhưng vợ chồng họ lờ đi chuyện này, bảo nhau rằng đợi.
Một lần đi chơi với bạn, Xuân thổ lộ: “Có khi sống mãi như thế này lại thích,
không phải cơm nước phục vụ chồng con, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm!”
Lần nọ, Khang về nước, quyết định cùng đưa vợ sang Mỹ định cư. Sau bao chần chừ,
ngại điều ra tiếng vào, Xuân cũng theo chồng. Nhưng sống với nhau chưa được nửa
năm, cô vợ trẻ trở về. Họ đã ly thân, bởi như Xuân bảo, “quá ít thời gian gần
nhau nên mọi thứ đều trở nên lạ lẫm khi chung sống cùng một mái nhà”.
Xa mấy cũng có thể “gặp” nhau mỗi ngày
Nếu người bạn đời cứ mải mê với những chuyến đi, hiện tượng trên cứ lặp đi lặp
lại, cũng là nguy cơ cho ngoại tình phát sinh. Về nỗi lo chính đáng này của
không ít người, chuyên viên tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai (trung tâm tư vấn Tình yêu –
hôn nhân – gia đình thuộc hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam) có lời khuyên: “Để
tránh những tan vỡ khó lường, giữa hai vợ chồng nên tin tưởng ở nhau. Mà tin
tưởng thôi chưa đủ, cần có những cuộc viếng thăm mỗi năm hoặc nửa năm một lần,
gọi điện thoại, trò chuyện với nhau mỗi ngày, và nên chia sẻ với nhau mọi thứ từ
chi tiết nhỏ nhất để nhận ra rằng ở bất kỳ nơi đâu, họ cũng cần nhau. Tình yêu
giữa hai đầu nỗi nhớ cũng là một cách xác định tình cảm chân thật của mỗi người,
nhưng chỉ nên trong tình trạng bất đắc dĩ, chứ đừng lấy đó làm thước đo”.
Hiểu được cảm giác của nửa kia Năm 2009, chồng sắp cưới của tôi đi Nhật. Đến năm 2010 thì tôi được học bổng của Mỹ, đến giờ anh về Việt Nam rồi mà tôi vẫn còn ở xa. Nói đúng ra thì hai đứa chỉ ở gần nhau có một năm, còn lại mọi sự quan tâm đều nhờ vào internet. Với những người yêu nhau thì đó là một sự thiệt thòi. Hai nước khá chênh lệch múi giờ nên những cuộc chuyện trò cũng không được dài. Nhưng dù thế nào chúng tôi cũng cố gắng gặp nhau mỗi ngày, nhiều khi cùng mở máy tính, nhìn nhau qua đó, ăn cơm rồi đi làm. Cả những khi bận rộn cũng mở máy rồi để đó, cảm giác như hai đứa vẫn ở gần nhau. Cũng vì xa nhau, khi giận hờn thì chỉ giận đôi phút, không dám để lâu sợ ảnh hưởng tình cảm. Tôi nghĩ rằng, ngoài sự quan tâm, tin tưởng, con người ta còn phải hiểu được cảm xúc của người bên kia để điều khiển suy nghĩ của mình sao cho phù hợp. Môi trường bên đây của tôi rất tốt, từ trường học, điều kiện sinh hoạt, tiện nghi mọi thứ khá hoàn hảo. Nhưng, sâu trong tâm hồn tôi vẫn là những khoảng trống vắng của gia đình, đó chính là điều níu kéo tôi quay về. Nên cùng nhìn về một hướng Có rất nhiều chướng ngại trong đời sống tình cảm của những cặp vợ chồng không may phải sống xa nhau. Để không phải phát sinh những điều không nên, mỗi người nên đặt ra câu hỏi trong mọi trường hợp: “mình làm điều đó vì ai, mức độ ảnh hưởng sẽ ra sao nếu mọi sự xảy ra”. Trong mọi tình huống, chúng ta nên thận trọng, bình tĩnh. Việc hàn gắn những khoảng cách đôi khi cần thời gian. Nếu không muốn cả hai trở nên xa lạ với nhau khi đoàn tụ, họ nên biết cùng có nhau cả những khi xa cách. Hãy thành thật với người bạn đời về cuộc sống xa xứ của mình. Đừng để khoảng cách không gian tạo nên sự “xa mặt, cách lòng”. Điều kiện thông tin, viễn thông ngày một phát triển, tại sao chúng ta không tận dụng những cơ hội đó cho nhau mỗi ngày? |