1. Những trụ cột ấn tượng nhất:

Imp – Samsung White (SSW)

Với lối đánh nhiệt tình, cống hiến cùng việc đưa ra những quyết định hợp lý, tích cực có lợi dành cho cá nhân và cả đội, xạ thủ imp của SSW xứng đáng đứng đầu trong danh sách này. Kỹ năng cá nhân gần như là hoàn hảo đối với một xạ thủ hàng đầu Thế giới cùng với việc được bắt cặp cùng Mata, người được coi là hỗ trợ tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên, imp vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và cố gắng cải thiện tốt hơn thành tích và phong độ của mình trong Chung kết Mùa 4 so với những gì đã làm được ở giải đấu OGN – Hàn Quốc. Câu hỏi đặt ra cho imp trong giai đoạn còn lại của giải đấu là: Liệu anh ta có tiếp tục là tuyển thủ gây được ấn tượng nhất hay chỉ vì SSW nằm trong một bảng đấu gôm các đối thủ yếu nên imp có dịp tha hồ trình diễn những kỹ năng của mình như ở vòng bảng đã qua?

GorillA - NaJin White Shield (NWS)

GorillA xứng đáng là đầu tàu của NaJin White Shield khi hầu hết các chiến thắng của đội tuyển tới từ Hàn Quốc đều có dấu ấn đậm nét của người chơi ở vị trí hỗ trợ này. Trong khi các vị tướng ở đường trên, đường giữa, hoặc đi rừng thường bị các đội tuyển cấm đi tại Chung kết Mùa 4 năm nay, hoặc nếu có cấm đi vị trí hỗ trợ thì thường là Zilean…Nhưng khi đối đầu với GorillA, họ thường phải cấm đi Thresh về độ “bá” mà “playmaker” của NWS này thường thể hiện trong các trận đấu mà anh ta có vị tướng này trong tay. GorillA có xu hướng đi “roam” sớm ở ngay đầu trận đấu, cung cấp tầm nhìn tốt cho cả đội và luôn giúp cho NWS tiến lên trong mọi hoàn cảnh.

Uzi - Star Horn Royal Club (SHR)

Giống với imp của Samsung White, Uzi là một mẫu xạ thủ “tôn thờ” lối đánh hổ báo là luôn lao lên phía trước để lấn át đối phương. Nhưng những quyết định chủ động chơi tấn công ngay từ đầu game của Uzi có phần hợp lý và ít đem lại nguy cơ hơn cho đội tuyển SHR so với imp. Ngay cả trong trận thua toàn diện của SHR trước đội tuyển Team Solomid (TSM), Uzi vẫn đưa ra được những quyết định chính xác trong việc lựa chọn vị trí bắn để gây sát thương lên đối phương, điều mà hiếm có xạ thủ nào làm được trong một thế trận khó khăn như vậy.

Gogoing – OMG

Ở Chung kết Mùa 4 năm nay, đường trên luôn là một vị trí tối quan trọng vì phải đảm nhận rất nhiều vai trò khác nhau: đỡ đòn, mở đầu giao tranh, khắc chế các vị trí chủ chốt của team đối phương, hỗ trợ các đường, đảm bảo luôn phải có mặt khi đội mình cần kiểm soát những mục tiêu lớn,…Mặc dù bị “camp” khá nhiều và chịu áp lực cực kỳ nặng nề từ khi bắt đầu giải đấu, nhưng Gogoing vẫn đủ tỉnh táo và kinh nghiệm để khiến đối thủ phải tan vỡ trong những pha combat về late game khi cầm Ryze (đặc biệt là trong trận đấu kinh điển kéo dài gần 72 phút với đối thủ Fnatic). Có lẽ, đội trưởng Gogoing mới chính là người quan trọng nhất của đội tuyển OMG chứ không phải Cool, người đi đường giữa của đội tuyển đến từ Trung Quốc.

 

2. Những trụ cột cần phải cải thiện phong độ:

Dade - Samsung Blue (SSB)

Tất nhiên Dade của SSB vẫn là một trong những pháp sư đường giữa hay nhất Thế giới ở thời điểm hiện tại, mặc dù vậy, ít nhiều Dade vẫn làm người hâm mộ cảm thấy thất vọng vì chưa thể hiện được những gì tốt nhất vốn có của mình. Dade bị đối phương “outplayed” khá nhiều trong những “kèo” đấy tay đôi ở đường giữa (đặc biệt trong lần đối đầu với xPeke của Fnatic), và đã mắc lỗi rất nghiêm trọng dẫn tới trận thua duy nhất của SSB ở vòng bảng. Và ngay cả khi SSB giành chiến thắng, Dade vẫn không thể hiện được vai trò gánh team của mình như những người đi đường giữa của các đội tuyển khác đã làm được: Cool (OMG), Ggoong (NWS) hoặc thậm chí là Bjergsen (TSM). Dade sẽ phải cải thiện lối chơi cũng như việc đưa ra những quyết định của mình nếu muốn đưa SSB giành chức vô địch Thế giới và trước mắt là vượt qua Cloud9 ở vòng Tứ kết.

 

Hai - Cloud9

Hai phần nào cũng thể hiện được ít nhiều vai trò của mình trong thành công của Cloud9 tính đến thời điểm hiện tại, nhưng tại sao anh ta lại bị liệt vê vào danh sách này? Đó là vì Hai chơi tốt được quá ít tướng ở vị trí đường giữa. Tính đến thời điểm này, Hai chỉ thực sự sử dụng tốt 2 vị tướng “tủ” là Syndra và Zed. Như vậy, giai đoạn lựa chọn tướng của Cloud9 trước khi trận đấu bắt đầu trở nên rất gian nan và khó khăn dành cho đội tuyển tới từ khu vực Bắc Mỹ. Khi 2 vị tướng “tủ” của mình bị mất đi (bị cấm hoặc đối phương chọn mất) thì Hai đành phải phụ thuộc vào Talon, nhưng trận đấu đó thực sự là một thảm họa! Hai sẽ phải nhanh chóng chơi chắc tay một vài vị tướng nữa ở đường giữa kiểu như Orianna hay Ahri nếu muốn Cloud9 có hy vọng đi tiếp khi phải đối đầu với một đối thủ cực mạnh là Samsung Blue.

NaMei - Edward Gaming (EDG)

Được đánh giá là một trong những xạ thủ tốt nhất, hoàn thiện nhất cả về tấn công lẫn phòng thủ, nhưng những gì mà NaMei của EDG thể hiện ở vòng bảng được tổ chức ở Đài Loan vẫn chưa nói lên nhiều điều. Được xếp ở một bảng đấu tương đối dễ thở nhưng NaMei vẫn chưa có những pha thi đấu đặc sắc và thực sự là một đầu tàu để EDG có tin tưởng mỗi khi khó khăn khi lối đánh của xạ thủ này vẫn dựa trên sự chắc chắn là chủ yếu. NaMei cần phải nhanh chóng chứng tỏ khả năng của mình ở vòng Tứ kết, cần phải cho đối thủ của người hâm mộ thấy được 3 danh hiệu LPL mà EDG giành được (anh là nhân tố chủ chốt) là không hề dựa vào may mắn. Ở trận đấu thuộc vòng Tứ kết sắp diễn ra, NaMei cần kết hợp với vị trí hỗ trợ của EDG để cải thiện khả năng đi đường đầu trận đấu nếu không muốn lép vế so với Uzi của Star Horn Royal Club.

Tiến Linh