- Trọng tài đang là vấn nạn ở V-League 2016, khiến các đội bóng kêu than rầm rĩ sau từng vòng đấu. Nhưng sự bê bết của lực lượng vua sân cỏ còn khởi phát từ chính cách điều hành yếu kém của VPF và Ban trọng tài.

"Con nợ" lời xin lỗi

Vòng 16 V-League, một loạt đội bóng kêu rầm trời, đả kích trọng tài chất lượng tồi. Tuy nhiên, gần như lập tức, Ban trọng tài và BTC giải đưa ra khẳng định: Trọng tài đúng hết trong những sự cố mà các đội bóng kêu than. Lời khẳng định này giống như một biện pháp chữa cháy, trong thời điểm nước sôi lửa bỏng.

Thật ra cũng không phải lúc nào những điều tiếng, kêu than về trọng tài của các đội bóng cũng chuẩn xác. Vấn đề làm các đội bóng đồng loạt… đổ lỗi cho sự yếu kém của vua sân cỏ mới là điểm then chốt. Nó đã xảy ra và âm ỉ từ đầu mùa, đến lúc này trở thành phong trào đổ lỗi, chỉ trích trọng tài, bất kể đúng sai.

{keywords}
Công văn xin lỗi lạ, có một không hai của VPF là khởi nguồn cho chuỗi ầm ĩ về trọng tài

Cách xử lý khủng hoảng của VPF, Ban trọng tài từ những sự cố trọng tài đầu tiên trong mùa giải đã cho thấy sự non nớt đến ngớ ngẩn của nhà điều hành. Bằng chứng là sau sự cố trọng tài Hà Anh Chiến tưởng tượng quả phạt đền, làm SLNA chịu thiệt, Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng ký ngay một công văn gửi đến đội bóng xứ Nghệ. Trong đó, ông Chóng đại diện cho VPF gửi lời “xin lỗi chân thành” đến lãnh đạo, cầu thủ, CĐV của SLNA vì sai sót của trọng tài Chiến.

Công văn xin lỗi đội bóng vì sai lầm của trọng tài thực tế là chuyện kỳ khôi, chưa từng xảy ra ở V-League. Người ta có thể đánh giá VPF hay trực tiếp là người ký công văn- Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng- tỏ ra cầu thị, muốn xử lý khủng hoảng bằng hành động chia sẻ, thấu tình. Nhưng cũng chính vòng đấu có sai lầm của trọng tài Chiến, VPF đã quên mất không xin lỗi HN.T&T, vì họ đã bị tước đoạt một bàn thắng hợp lệ trong trận HN.T&T- Hải Phòng.

Đến giờ, thực tế VPF đã trở thành con nợ khổng lồ, bởi họ đã lờ đi một loạt lời xin lỗi phải gửi đến các đội bóng. Trường hợp FLC Thanh Hóa ở vòng 15 là thí dụ: trọng tài Hoàng Ngọc Hà không theo được pha bóng chạm tay của Diao, khiến FLC.Thanh Hóa chịu bàn thua oan trước QNK.Quảng Nam. Sai lầm đã mười mươi, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu tại xứ Thanh, khiến FLC.Thanh Hóa chịu thiệt vì Giám đốc kỹ thuật Lê Thụy Hải bị cấm chỉ đạo. Tuy nhiên, không có thêm bất kỳ công văn xin lỗi chân thành nào do VPF, BTC V-League hay Ban trọng tài đưa ra an ủi cho đội bóng chịu thiệt vì sai lầm của trọng tài.

Công bằng là… chung với lũ?

Sau khi nhận án phạt nguội, Giám đốc kỹ thuật FLC Thanh Hóa Lê Thụy Hải khẳng định, ông sẽ là thằng hèn nếu không đấu tranh. Ý tứ mà ông Hải “lơ” nhấn vào chính là việc dung túng trước sai lầm của trọng tài mà làm ngơ. Những sai lầm có hệ thống qua từng vòng đấu đã phơi bày chất lượng thảm hại của lực lượng vua sân cỏ.

{keywords}
Không tin nổi nhà tổ chức, đội bóng như FLC.Thanh Hóa phải cầu may và sống chung với lũ

Câu hỏi đặt ra: Đội bóng phải chấp nhận đánh bạc, chấp nhận sống chung với những sai sót ngớ ngẩn mỗi vòng của trọng tài, nhất là trước những phát ngôn kiểu an ủi, trấn an từ nhà tổ chức? Sòng phẳng mà nói, nhà điều hành, trọng tài và chính các đội bóng đều không mong muốn chứng kiến thêm sai lầm của vua sân cỏ. Nhưng biện pháp chấn chỉnh, thay đổi là chưa đủ mạnh để đặt niềm tin thực sự vào đó, giống như những tuyên bố của đơn vị điều hành, tổ chức giải.

Cơn bão chỉ trích trọng tài thực tế xảy đến khi tất cả không còn niềm tin vào những người cầm cân nảy mực. Họ mất niềm tin khi càng được trấn an, thậm chí xin lỗi chân thành để an ủi, thì lại càng xảy ra nhiều tai tiếng, sai phạm. Trong khi đó, nếu có tâm lý phản kháng, nêu quan điểm thì chưa được vạ má đã sưng. Như cách mà ông Hải “lơ” của FLC. Thanh Hóa bộc phát, sau khi trọng tài mắc lỗi nghiêm trọng mà một ông lão hơn 70 tuổi như ông Hải còn phát hiện, trong khi trọng tài trẻ trung lại không quan sát nổi.

Với các đội bóng, công bằng lúc này là sống chung với cơn lũ sai lầm trọng tài.

Khắc Hoàng