Hết Á đến Âu
Phiếu xin ý kiến gửi các đội bóng do Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng ký đã phát đi hôm 22-7. Theo đó, VPF đề nghị các CLB phản hồi về kế hoạch học tập, nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức, quản lý và điều hành các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp tại Đức (và 1 nước gần Đức), ngay khi mùa bóng 2016 hạ màn. Kế hoạch “du học” Đức này dự kiến kéo dài 9-10 ngày, tổ chức trong tháng 10, quy tụ khoảng 30 thành viên (6 người VFF, VPF; 24 người là Chủ tịch hoặc Giám đốc điều hành các CLB chuyên nghiệp).
Công văn "gạ" đi du học của VPF |
Theo công văn này, mục tiêu của chuyến đi là nâng cao trình độ nhận thức, bổ sung kiến thức, kỹ năng về công tác quản lý điều hành CLB, tiếp thị tài trợ; kinh nghiệm phát triển quan hệ hợp tác với cộng động, chính quyền địa phương; công tác tổ chức trận đấu, kinh nghiệm xây dựng hình ảnh giải đấu, CLB. Phía VPF nhấn mạnh, họ đã “đặt hàng” đối tác để chuẩn bị nội dung cho đoàn sang “du học”.
Tương tự 2 chuyến đi Nhật Bản, Hàn Quốc trước đó, kinh phí gánh cho chuyến du học tại Đức năm nay được khấu trừ vào khoản hỗ trợ tài chính hàng năm cho các CLB, dựa trên thứ hạng ở cuối mùa bóng 2016.
Với cách nhấn mạnh của VPF, việc xin ý kiến đội bóng dường như chỉ để hoàn tất thủ tục, điền người tham gia chuyến du học. Còn VPF đã quyết sẽ “du học”, từ việc gửi đặt hàng nội dung lẫn chọn Vietravel làm đơn vị lữ hành, tổ chức chuyến du học cho đoàn.
Ném tiền qua cửa sổ
VPF điều hành giải “tốt” đến độ CĐV Than Quảng Ninh đeo khẩu trang phản đối |
Việc VPF “gạ” các đội bóng du học về lý thuyết là phục vụ cho mục đích tốt, nâng cao chất lượng nền bóng đá. Nhưng sau khi trải qua 2 chuyến du học tại Nhật Bản, Hàn Quốc, không ít đội bóng đã cười nụ khi nhận được phiếu thăm dò từ VPF. Bởi thực tế có quá nhiều chuyện dở khóc, dở cười từ 2 chuyến du học lần trước, nhất là sự lãng phí.
Hai chuyến đi Nhật Bản, Hàn Quốc, VPF từng gây sốc khi đưa cả “cò” cầu thủ vào danh sách đoàn. Có những thành viên đoàn đi du học về là nghỉ làm bóng đá, như trường hợp An Giang hay cựu Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh. Chương trình nghiên cứu chẳng khác gì cưỡi ngựa xem hoa. Như chuyến đi Hàn Quốc, đối tác dẫn đoàn du học vào trung tâm chăm sóc thể lực trị giá... 100 triệu USD, làm nhiều thành viên choáng váng và thấy phi thực tế về khả năng áp dụng tại Việt Nam.
Những đồn thổi về chuyến du học cưỡi ngựa hoa hay chính xác là đi... du lịch đã rền rĩ. Hiệu quả như cách VPF đánh giá là “thành công tốt đẹp” hoàn toàn chưa thấy. Bằng chứng là mùa này, khả năng điều hành, quản lý V-League của chính VPF chẳng những không lột xác mà còn lộ ra hàng loạt yếu kém, bê bết. Chính vì vậy, trong lúc dầu sôi lửa bỏng, VPF không tập trung lèo lái V-League đi đúng hướng thì việc sớm “gạ” các đội bóng đi du học tại Đức càng khiến người ta nghi ngờ, VPF có mục đích khác khi vẽ ra chuyến du học trời Âu.
Câu hỏi lớn cho VPF: hiệu quả không thấy thì đi du học liên tục, mỗi năm một nơi thì khác nào ném tiền qua cửa sổ? Hỏi cũng là trả lời. Và trong số các đội bóng chuyên nghiệp, lãnh đạo “đốt” cả trăm triệu cho chuyến du học cưỡi ngựa xem hoa, nhưng CLB lại không nuôi nổi đội trẻ hoặc luôn mồm than khóc không có tiền đầu tư cho đội bóng.
VPF gạ đi du học chẳng gì đi đốt tiền vì không hề hiệu quả. Trớ trêu ở chỗ, từ khi thành lập đến nay, VPF chưa trả nổi cho đội bóng- cổ đông- một đồng cổ tức nào hết!
Khắc Hoàng