"Một số thông tin chồng tôi sử dụng hộ chiếu giả, làm việc tại công ty "ma" là sai"- bà Ngọt (người cho rằng chồng mình là chủ sở hữu 5 triệu yen) khẳng định.
Bà Phạm Thị Ngọt (người tự nhận 5 triệu yen là của chồng mình, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) đã có cuộc trò chuyện với phóng viên xoay quanh thông tin việc chồng bà cung cấp giấy tờ giả.
Bà Ngọt (trái) vẫn đang tìm bằng chứng để chứng minh lời khai mình là thật, trong khi đó chị Hồng (phải) vẫn đang mưu sinh bằng nghề ve chai. - Ảnh: Lê Phong |
Bà Ngọt (trái) vẫn đang tìm bằng chứng để chứng minh lời khai chồng mình mới là chủ sở hữu 5 triệu yen. Trong khi đó chị Hồng (phải) vẫn đang mưu sinh bằng nghề ve chai. - Ảnh: Lê Phong
Về tấm hộ chiếu được phòng quản lý xuất nhập cảnh (PA72, Công an TP HCM) thông tin ông Afolayan Caleb là giả mạo, bà Ngọt phản bác: “Không hề có chuyện đó. Tôi đã đọc được nội dung phía đại sứ quán Nam Phi tại Hà Nội thông báo là”số hộ chiếu đã hết hạn” nên nó không tồn tại trong hồ sơ lưu trữ, chứ không phải là giả như một số người thông tin. Nếu là giấy tờ giả thì sao ổng có thể qua lại hải quan dễ dàng như vậy? Sau khi trao đổi với chồng tôi, ông đã khẳng định chưa bao giờ lấy tên giả”.
Thông tin về ngôi trường ngoại ngữ của Công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi có trụ sở ở 289 đường Trường Chinh (quận 12) là địa chỉ “ma”, bà Ngọt lên tiếng: “Lúc đầu ông T.Q.M - giám đốc Úc Đại Lợi, đăng ký giấy tờ ở địa chỉ nói trên nhưng do giá thuê mặt bằng cao nên ổng chuyển sang địa chỉ gần Bệnh viện 175, quận Gò Vấp để tổ chức dạy. Tôi cũng từng tới trường ở đó xem chồng tôi dạy học rồi mà. Chỉ sai là ông giám đốc Úc Đại Lợi không chuyển đổi địa chỉ đăng ký nhằm để trốn thuế nên mọi người hiểu lầm tôi khai man”.
Bà Ngọt cho biết chồng bà không thể sang Việt Nam mà sẽ ủy quyền cho bà giải quyết việc này. Bà thừa nhận có một điều bất lợi cho bà khi anh Hòa (người mang thùng loa của bà đi bán) không nhớ được chị ve chai, nên bà khó giành lại phần tiền mà chồng mình tích góp (?!).
(Theo Người lao động)